Người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục quyết toán thuế tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo các chuyên gia, việc áp dụng mức giảm trừ gia cảnh cố định và cào bằng như hiện nay là chưa phù hợp, nhất là trong bối cảnh chênh lệch mức sống và giá cả giữa các khu vực nông thôn, miền núi với các khu vực đô thị như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng... là rất lớn.
ThS Trần Minh Hiệp (ĐH Luật TP.HCM):
Nên cho khấu trừ theo hóa đơn
Theo tôi, số tiền giảm trừ gia cảnh theo đề xuất của Bộ Tài chính là chưa phù hợp bởi đã lạc hậu so với thực tế biến động giá. Trong khi đó, người nộp thuế phải chờ cho CPI tăng tối thiểu thêm 20% nữa nếu muốn được điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Về lâu dài, phương án giảm trừ gia cảnh tốt nhất vẫn là căn cứ vào hóa đơn, chứng từ mà người nộp thuế chi trả cho bản thân mình và người phụ thuộc. Điều này phù hợp với lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử và hạn chế thanh toán tiền mặt. Trước mắt, nếu áp số tiền giảm trừ gia cảnh cố định, phải tính toán sao cho phù hợp với thực tế đời sống của người dân, nhất là người sống ở những đô thị lớn, đối tượng đóng góp chủ yếu vào nguồn thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Ông Nguyễn Văn Được (tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín):
Cần xem xét lại mức giảm trừ
Việc áp mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là rất bất cập giữa các khu vực. Chẳng hạn ở nông thôn và miền núi, mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc có thể là cao. Nhưng tại các TP lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, mức giảm trừ gia cảnh này không đảm bảo mức chi tiêu tối thiểu của người dân.
Quy định CPI phải tăng trên 20% mới tiếp tục điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cũng rất bất cập, chưa kể mỗi lần áp dụng ổn định trong vòng 5-7 năm. Mức giảm trừ gia cảnh được đề xuất cũng chỉ tương ứng với chỉ số trượt giá tính đến cuối năm 2019, người nộp thuế lại phải chịu thiệt từ năm 2020 đến lần điều chỉnh tiếp theo, trong khi giá cả hàng hóa leo thang từng ngày.
Theo tôi, mức giảm trừ gia cảnh cần có một "khoảng hở" tương đối để dự liệu cho biến động trong tương lai, chẳng hạn như tăng 40% so với mức hiện nay thay vì chỉ tăng 20%, bằng mức tăng CPI. Ngoài ra, nên bổ sung quy định giao cho Chính phủ quyết định việc tăng mức giảm trừ gia cảnh khi CPI tăng đến một mức nào đó, thay vì phải trình ra Quốc hội và chờ đợi được thông qua.
Ông Trần Đình Chiểu (ủy viên Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội):
Sẽ sớm thẩm định đề xuất về mức giảm trừ gia cảnh
Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội sẽ thẩm tra đề xuất của Bộ Tài chính liên quan đến đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh, trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm phê duyệt để đảm bảo quyền lợi cho người làm công ăn lương đang nộp thuế TNCN.
Có thể nói gần 7 triệu người lao động có thu nhập từ tiền công tiền lương, đang nộp thuế thu nhập cá nhân là những đối tượng nộp thuế đầy đủ, kịp thời vì hằng tháng đã được cơ quan chi trả tạm khấu trừ tiền thuế dựa trên thu nhập. Tuy nhiên, trong thực thi chính sách vẫn còn nhiều bất cập, khiến người làm công ăn lương cảm thấy không thực sự thoải mái khi nộp thuế thu nhập cá nhân, cần được xem xét và điều chỉnh kịp thời.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:
Đẩy khó cho người nộp thuế
Lẽ ra Bộ Tài chính cần nghiên cứu và lấy ý kiến sớm hơn về mức giảm trừ gia cảnh, thay vì "ngâm" đến nay sẽ gây nhiều bất lợi cho người dân. Tại sao đến cuối tháng 2-2020 mới đề xuất mức giảm trừ gia cảnh mới dù cuối tháng 12-2019, CPI đã tăng hơn 23% rồi?
Theo quy trình xây dựng văn bản pháp luật, sớm nhất cũng phải sang quý 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới họp, quyết định và ban hành nghị quyết về nâng mức giảm trừ gia cảnh. Dù mức giảm trừ gia cảnh mới được áp dụng cho kỳ tính thuế của năm nay, nhưng hằng tháng đơn vị chi trả thu nhập vẫn tạm khấu trừ thu nhập của người nộp thuế thu nhập cá nhân theo mức hiện hành.
Điều này sẽ gây thiệt thòi cho gần 7 triệu người làm công ăn lương vốn chỉ trông vào đồng lương cho mọi sinh hoạt, bởi phải đợi đến tháng 3 năm sau mới được hoàn lại tiền thuế.
Chuyên gia Đinh Thế Hiển:
Phải thêm ít nhất 30-35%
Trải qua hơn 10 năm áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân, có thể thấy rằng mỗi lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phải cách nhau 5-7 năm và chỉ tăng thêm khoảng 20% (bằng mức tăng CPI so với lần điều chỉnh trước đó), không theo kịp với mức tăng giá cả hàng hóa cũng như chi tiêu cho sinh hoạt của người nộp thuế.
Do đó, theo tôi, mức giảm trừ gia cảnh cần phải tăng ít nhất 30-35% so với mức cũ để người nộp thuế không cảm thấy mình bị thiệt, ngược lại còn có cảm giác được lợi vì được Nhà nước "chia sẻ" trong những năm đầu của kỳ điều chỉnh. Tôi cho rằng cơ quan chức năng nên lắng nghe ý kiến đóng góp của dư luận cũng như ghi nhận thực tế để ra quyết định điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp hơn.
Tăng mức giảm trừ gia cảnh, số thu thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng
Theo các chuyên gia, nên mạnh dạn nâng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với mức sống để khoan sức dân. Hơn nữa, dù tăng mức giảm trừ gia cảnh nhưng chắc chắn số thuế thu được sẽ không giảm mà còn tăng khi thu nhập của người dân tăng lên mỗi năm.
Thực tế cho thấy từ ngày 1-7-2013, mức giảm trừ gia cảnh tăng từ 4 triệu lên 9 triệu đồng/tháng, nhưng tổng số thuế thu nhập cá nhân năm sau luôn tăng cao hơn năm trước. Và sau 7 năm, số thuế này đã tăng gấp gần 2,5 lần, từ hơn 46.000 tỉ đồng (năm 2013) lên 113.000 tỉ đồng (năm 2019).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận