29/08/2020 12:49 GMT+7

Cảnh sát Hong Kong xài luật an ninh quốc gia kiểu hồi tố để bắt người?

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Tìm hiểu từ hơn 20 vụ bắt giữ ở Hong Kong cho thấy những bài đăng trên mạng và các bài phát biểu chính trị có từ trước khi luật an ninh quốc gia được ban hành đã trở thành một phần quan trọng của các cuộc điều tra.

Cảnh sát Hong Kong xài luật an ninh quốc gia kiểu hồi tố để bắt người? - Ảnh 1.

Cảnh sát Hong Kong bắt một người đàn ông tham gia biểu tình phản đối luật an ninh quốc gia vào ngày 28-6-2020 - Ảnh: AFP

Hãng tin AFP cho biết cảnh sát Hong Kong đang dùng tới "chứng cứ" là những phát ngôn và hành động trong quá khứ khi bắt giữ những người chỉ trích chính quyền.

Các chứng cứ này được làm căn cứ cho cuộc điều tra theo luật an ninh quốc gia mà chính quyền Bắc Kinh vừa áp dụng ở Hong Kong dù trước đó có thông tin luật không mang tính hồi tố.

Các chi tiết từ hơn 20 vụ bắt giữ đến nay ở Hong Kong cho thấy những hành động - gồm các bài viết đăng trên mạng và các bài phát biểu chính trị - có từ trước khi luật được ban hành đã trở thành một phần quan trọng của các cuộc điều tra, giúp cảnh sát có được lệnh khám xét, tiến hành các cuộc đột kích và bắt người.

"Họ sẽ tìm lại lịch sử của bạn và tìm kiếm các mối liên kết" - một luật sư giấu tên tham gia vào các cuộc điều tra liên quan luật an ninh quốc gia ở Hong Kong nói với Hãng tin AFP.

Người này cho biết cảnh sát được trao quyền sử dụng các hoạt động trong quá khứ của nghi phạm để làm "thông tin nền" cho cả điều tra và các phiên xét xử sau đó.

Tony Chung, 19 tuổi, bị bắt cùng 3 người khác hôm 29-7 với cáo buộc xúi giục ly khai. Tony cho biết trong suốt 40 giờ anh bị tạm giữ, hầu hết bằng chứng được cảnh sát đưa ra chính là những bình luận cũ trên mạng xã hội.

Tony nói: "Tất cả những bài đăng đó đều có từ trước khi luật mới có hiệu lực, với bài đăng cũ nhất có từ năm 2016". Một người phát ngôn của cảnh sát Hong Kong đã từ chối bình luận về các cuộc điều tra đang diễn ra.

Hôm 10-8, cảnh sát Hong Kong đã tiến hành hoạt động bắt giữ lớn nhất từ trước đến nay dựa theo luật mới, cụ thể là bắt 10 người, trong đó có 6 người nghi "cấu kết với các lực lượng bên ngoài".

Cùng ngày, 3 cảnh sát đến văn phòng địa phương của báo tài chính Nikkei (Nhật Bản), mang theo lệnh tòa án. Theo nguồn tin nói với AFP, lý do là vì cách đây một năm, trên báo Nikkei xuất hiện một quảng cáo kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế dành cho các cuộc biểu tình ở Hong Kong.

Đến nay, phần nhiều sự chú ý liên quan tới các vụ bắt giữ như trên đang đổ dồn về ông trùm truyền thông Hong Kong Jimmy Lai (Lê Trí Anh). Ông Lai bị bắt hôm 10-8 với cáo buộc cấu kết với các lực lượng bên ngoài đe dọa luật an ninh quốc gia, sau đó được tại ngoại.

Tuy nhiên, trong một vụ việc khác, theo Tân Hoa xã, tòa án Hong Kong hôm 28-8 cho biết sẽ tuyên án với ông Jimmy Lai vào ngày 3-9. 

Ông Jimmy Lai bị cáo buộc xúc phạm một nam phóng viên và dọa gây thương tích cho người này tại công viên Victoria ở vịnh Causeway vào tháng 6-2017.

Hai nhà lập pháp Hong Kong liên quan biểu tình được tại ngoại Hai nhà lập pháp Hong Kong liên quan biểu tình được tại ngoại

TTO - Tòa án Hong Kong ngày 27-8 đã cho phép hai nhà lập pháp đối lập là ông Lâm Trác Đình và ông Ted Hui được tại ngoại, sau khi bị bắt vì có liên hệ với các vụ biểu tình chống chính quyền diễn ra vào tháng 7 năm ngoái.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0