Chiều 10-6, tại TP Cần Thơ đã diễn ra diễn đàn "Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)" do báo Xây Dựng tổ chức.
Đánh đổi tài nguyên sông ngòi
Tại diễn đàn, TS Trần Đình Thiên - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho biết nỗ lực của ĐBSCL những năm gần đây là "rất tuyệt vời", thể hiện qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhiều địa phương luôn nằm trong top 5, top 10 cả nước dù thực lực chưa mạnh.
Tuy nhiên, nỗ lực đó chưa tạo ra sức hấp dẫn của vùng vì nhiều lý do, trong đó có lý do khách quan là điều kiện tự nhiên và có cả lý do cơ chế chính sách và nguồn lực từ trung ương hỗ trợ chưa đủ.
Ông Thiên cho rằng "rất may đã có tư duy hành động khác với vùng này". Đó là việc Chính phủ đầu tư đường cao tốc thuộc loại chiến lược quốc gia cho vùng không chỉ từ TP.HCM tới Cà Mau mà còn nối từ Châu Đốc xuống Sóc Trăng với hy vọng sẽ tạo điều kiện cho ĐBSCL có nền tảng phát triển.
Ông Thiên cũng cảnh báo việc đô thị hóa và phát triển hạ tầng ở Việt Nam hiện nay cần rất nhiều vật liệu xây dựng. Việc đó dẫn tới vấn đề đánh đổi bằng các con sông khiến nhiều con sông bị sạt lở và vùng ĐBSCL chịu gánh nặng ghê gớm.
"Làm sao vấn đề vật liệu xây dựng phải có chiến lược nằm trong tổng thể. Nếu không chúng ta phải đánh đổi rất ghê gớm, đánh đổi bằng nhiều vùng nông thôn tuyệt vời, bằng nhiều con sông bị hủy hoại.
Do đó chúng ta không chỉ bàn về việc xây dựng mà cũng phải tính tới sự đánh đổi, làm được như vậy thì ĐBSCL mới phát triển bền vững và thanh bình như mong muốn", ông nói.
Đề xuất mở rộng sân bay Cần Thơ
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Việt Trường - chủ tịch UBND TP Cần Thơ - kiến nghị Bộ Xây dựng ưu tiên phối hợp với TP tham mưu trình Chính phủ xem xét chấp thuận sớm đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đạt chuẩn cấp vùng, cấp khu vực, kết hợp xây thêm cảng logistics phục vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không.
Theo ông Trường, đây là điều kiện tiên quyết để làm cơ sở quy hoạch "thành phố sân bay" với quy mô diện tích khoảng 10.000ha.
Ngoài ra, ông Trường cũng đề xuất cho phép xây dựng dự án "Kết nối đường sắt TP.HCM - Cần Thơ và đầu tư xây dựng đường cao tốc trên cao".
Lý do, hiện tại ĐBSCL chỉ có trục chính quốc lộ đường bộ, trong khi các địa phương trong vùng đang trên đà phát triển, lượng xe lưu thông trên đường ngày càng nhiều.
Ngoài ra, ĐBSCL là vùng sông nước với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nên việc xây dựng đường cao tốc trên cao rất phù hợp và mang tính cấp thiết. "Đề nghị Bộ Xây dựng ghi nhận đề xuất này của TP để tổng hợp trình Chính phủ cho chủ trương", ông nói.
Ông Nguyễn Tường Văn - thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho biết trong những năm gần đây, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng ĐBSCL được quan tâm, đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả cụ thể.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật của vùng vẫn chưa đạt được yêu cầu phát triển như mong muốn và nhìn chung vẫn còn là điểm nghẽn cho sự phát triển của toàn vùng.
Trong khi đó, tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán diễn ra ngày một thường xuyên, kéo theo tình trạng nhiễm mặn, sụt lún nền đất... gây ảnh hưởng ngày một lớn, tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân.
Ông Văn nói những ý kiến, đề xuất tại diễn đàn góp phần quan trọng để Bộ Xây dựng và các bộ ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách cho phát triển vùng ĐBSCL cũng như cải thiện và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách vùng hiện có trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận