Rừng bị tàn phá ở Brazil - Ảnh: economist.com
Một khi rừng bị phá để lấy đất làm đồn điền trồng cọ, đậu nành, bạch đàn, môi trường đầy chuột bọ, muỗi và các mầm bệnh truyền nhiễm sẽ phát sinh.
TS Serge Morand và TS Claire Lajaunie đã đưa ra kết luận trên trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Frontiers in Veterinary Science (Mỹ) cuối tháng 3-2021.
Họ đã sử dụng số liệu thống kê của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc và cơ sở dữ liệu dịch bệnh GIDEON.
Trong giai đoạn từ năm 1990-2016, họ đã nghiên cứu 3.884 đợt bùng phát của 116 bệnh truyền nhiễm từ động vật và 1.996 đợt bùng phát của 69 bệnh truyền nhiễm từ vật trung gian, chủ yếu là muỗi, ve, ruồi.
Kết quả cho thấy dịch bệnh gia tăng trùng hợp với các đồn điền mở rộng nhanh chóng và tổng diện tích che phủ rừng giảm dần.
Mối tương quan giữa phá rừng làm đồn điền với dịch bệnh không phải là chứng cứ nhân - quả duy nhất vì còn nhiều yếu tố khác can thiệp như rối loạn thời tiết, nhưng hai tác giả tin vào kết quả nghiên cứu sau khi tham chiếu các nghiên cứu điển hình riêng lẻ khác.
Cuối tháng 3-2021, nữ diễn viên Pháp Juliette Binoche tham gia phim tài liệu quay ở Guyane về mối liên quan giữa nạn phá rừng với dịch bệnh - Ảnh: la1ere.francetvinfo.fr
Không chỉ phá rừng, trồng rừng không đúng cách cũng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân địa phương nếu chỉ trồng một số ít loài cây độc canh như rừng phục vụ mục đích thương mại.
Hai tác giả nghiên cứu giải thích trong khu rừng giàu đa dạng sinh học, dịch bệnh đe dọa con người thường bị các loài săn mồi và môi trường sống lành mạnh cản trở phát triển.
Một khi rừng bị phá để lấy đất làm đồn điền, rừng sẽ nhường chỗ cho môi trường đầy chuột bọ, muỗi và mầm bệnh phát sinh.
Các tác giả nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến rừng nhiệt đới Amazon. Nạn phá rừng đã làm tăng nguy cơ sốt rét ở Brazil.
Rừng nhiệt đới ở lưu vực sông Congo và Đông Nam Á cùng các dự án trồng rừng độc canh ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ cũng rất đáng lo ngại.
Nghiên cứu mới này đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy virus ngày càng tăng thêm khả năng lây truyền sang người hoặc động vật nếu chúng sống bên trong hoặc gần các hệ sinh thái bị con người gây xáo trộn bằng cách phá rừng, khai hoang đầm lầy làm nông nghiệp, khai thác mỏ, thi công các dự án nhà ở.
Trước đó đã có nhiều nghiên cứu khác chỉ ra phá rừng là nguyên nhân khiến muỗi Anopheles darlingi phát triển ở Đông Nam Á, virus Ebola bùng phát và bệnh Leishmania do muỗi cát lây truyền tái xuất hiện ở Tây Phi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận