20/02/2023 09:19 GMT+7

Cẩn trọng với phương pháp thải độc bằng tẩy ruột, đại tràng

Làm theo lời đồn trên mạng: súc rửa đường ruột rửa sạch chất thải, thải độc, giảm cân và làm đẹp, mà biện pháp này còn có tác dụng phòng và chữa được bách bệnh, đặc biệt là phòng chống ung thư đại tràng, nhiều người đã gặp phản ứng.

Cẩn trọng với phương pháp thải độc bằng tẩy ruột, đại  tràng - Ảnh 1.

Một tài khoản hướng dẫn phương pháp thụt tháo đại tràng bằng cà phê được bác sĩ cảnh báo là phản khoa học, nhiều nguy hại nếu áp dụng - Ảnh: X.MAI

Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), cảnh báo, hiện nhiều người làm theo lời đồn trên mạng thụt tháo đại tràng lợi bất cập hại. "Tôi cũng đã chứng kiến bệnh nhân táo bón thụt tháo không đúng cách, bị ngộ độc" - bác sĩ Trần Văn Phúc nói.

Tẩy ruột, đại tràng có phòng được bệnh?

Trả lời câu hỏi, súc rửa đường ruột có tốt không? Bác sĩ Phúc phân tích, câu hỏi này cũng tương tự như: "Ăn uống có tốt cho sức khỏe không?".

Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng ăn uống là thu nạp chất dinh dưỡng nên sẽ tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, ăn khi nào, ăn ở đâu, ăn gì, ăn như thế nào, ăn mức độ bao nhiêu, làm gì và không nên làm gì sau ăn, đó là cả một vấn đề. 

Súc rửa đường ruột cũng vậy, tốt hay không còn phải xem các bước, như thực hiện vào lúc nào, ở đâu, làm như thế nào, để làm gì?

Nếu tất cả đều đúng, đương nhiên là rất tốt, bách lợi vô hại.

Nhưng nếu chỉ đúng một số bước có thể gặp một số tác hại, nên phải cân nhắc thận trọng trước khi thực hiện.

Trường hợp không làm đúng bước nào, thì chẳng những không có tác dụng gì, mà lại còn rất khổ. Nhiều người vì xấu hổ mà thụt tháo bí mật, đến khi xảy ra bệnh tật, cũng vì xấu hổ không dám nói.

Có một lời đồn thổi trên mạng xã hội: súc rửa đường ruột không chỉ rửa sạch chất thải, giải độc, giảm cân và làm đẹp, mà biện pháp này còn có tác dụng phòng và chữa được bách bệnh, đặc biệt là phòng chống ung thư đại tràng, ngăn chặn và chữa ung thư ở nhiều cơ quan… vậy thực hư lời đồn này như thế nào?

Theo bác sĩ Phúc, tẩy ruột là biện pháp làm sạch dạ dày, ruột non và đại tràng bằng đường uống. Tẩy ruột được sử dụng chuẩn bị trước khi phẫu thuật, chuẩn bị trước thăm khám bệnh nhân tắc đường tiêu hóa chưa rõ nguyên nhân, chuẩn bị nội soi đại tràng.

Ngược lại với tẩy ruột là uống vào đường miệng, thụt tháo đại tràng là biện pháp truyền các chất lỏng vào trong đại tràng qua hậu môn, như nước muối sinh lý, thậm chí là xà phòng. 

Ở bệnh viện, thụt tháo đại tràng chủ yếu để nội soi chẩn đoán, hoặc chụp X-quang, trong những trường hợp táo bón không thể khắc phục, điều trị rò rỉ miệng nối sau phẫu thuật đại trực tràng, chuẩn bị bệnh nhân trước phẫu thuật.

Theo bác sĩ Ngô Đức Hùng (khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) thụt đại tràng bằng nước cà phê, hành động bơm nước vào đại tràng chỉ có tác dụng tốt khi bị táo bón. Còn lại nó sẽ hòa loãng mọi thứ trong đại tràng giúp chất cặn bã được tống ra rất nhanh, trực tràng chưa kịp cảm giác gì đã đại tiện xong rồi.

"Nếu hành động này lặp lại liên tục, hệ thần kinh tự động sẽ hiểu là không cần cảm giác buồn đại tiện nữa, từ đó không thụt là không đại tiện được", bác sĩ Ngô Đức Hùng nói.

Đặc biệt, khi tống tháo liên tục như thế, hàng trăm nghìn tỉ vi khuẩn cũng bị rửa trôi mà không kịp sinh sôi thế hệ mới. Và hậu quả là loạn khuẩn ruột, thức ăn không thể tiêu hóa được triệt để. 

Sau đó rủ nhau bổ sung thêm probiotic - men vi sinh, nhưng không biết rằng men này chỉ có chứa duy nhất 1 loài vi khuẩn, trong khi trong ruột có hàng nghìn vi khuẩn, cho nên bổ sung không thể thay thế hoàn toàn 300-500 loài vi khuẩn đa dạng của đường ruột được. Phải chờ rất lâu các vi khuẩn còn sót lại mới hồi phục như xưa.

"Thụt hậu môn nhiều lần và nhất là theo những chỉ dẫn không có cơ sở trên mạng xã hội thì vô cùng nguy hiểm" - bác sĩ Hùng nhấn mạnh.

Thụt tháo hại nhiều hơn lợi

Trả lời câu hỏi, có nên thụt tháo đại tràng để phòng ung thư? Bác sĩ Trần Văn Phúc khẳng định: Tuyệt đối không nên làm, vì có những tác hại.

Khi bơm nước muối vào hậu môn, đại tràng căng phồng lên, không hoạt động được. Nó lẩm bẩm: làm gì mà mặn thế? Khi quá sức chịu đựng, mọi thứ được lôi hết ra ngoài, từ phân, cho đến hệ vi khuẩn có lợi, rồi lớp nhũ chấp. 

Nếu không có chỉ định của bác sĩ, việc tự ý thụt tháo đại tràng sẽ có hại cho sức khỏe. Từ góc độ sinh y học, đường ruột của con người thực chất là một môi trường cân bằng nội môi của vi sinh vật, bao gồm các hệ khác nhau, trong đó quá trình phân hủy và tiêu hóa của vi sinh vật diễn ra rất quan trọng. 

Nếu không có bệnh, việc súc rửa đại tràng sẽ phá vỡ sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột con người, khiến vi khuẩn có hại hoặc mầm bệnh cơ hội sinh sôi với số lượng lớn, ức chế cạnh tranh sự phát triển của hệ vi khuẩn có lợi, từ đó dẫn đến các bệnh đường ruột xuất hiện.

Thụt đại tràng bằng cà phê không có tác dụng

Trên mạng Internet hướng dẫn, cho 3 thìa cà phê nguyên chất vào 1.000ml nước, đun sôi trong 10 phút, không pha đường sữa, nằm xuống rồi thụt hết vào đại tràng qua hậu môn, đợi 15 phút thì đi ngoài, mỗi ngày thụt 1 lần.

Với 6 lý thuyết suy diễn theo cảm tính, chẳng có gì đáng tin cậy, trong đó có lý thuyết súc rửa đại tràng bằng cà phê, theo bác sĩ , việc này chỉ có tác dụng cảm thấy đại tràng sạch về mặt tâm lý, việc thường xuyên thụt 1 lít nước cà phê vào đại tràng mỗi ngày, hệ vi sinh vật trong đại tràng bị phá hủy, nguy hiểm về lâu dài.

Hy hữu người phụ nữ tại Hà Nội mang thai ở đại tràngHy hữu người phụ nữ tại Hà Nội mang thai ở đại tràng

TTO - Người phụ nữ 32 tuổi (ngụ tại Hà Nội) mang thai ngoài tử cung, vị trí phôi thai nằm ngay đại tràng. Đây là trường hợp rất hy hữu, dễ dẫn đến các gai rau ăn vào thành đại tràng, phải cắt đoạn đại tràng.



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên