Có thể biến chứng ở thận, dạ dày tá tràng
Bà Nguyễn Thị T. (58 tuổi, ngụ ở Hà Nội) gần đây thấy xương đau nhức khó chịu. Khi biết mình bị loãng xương, nghe theo người quen mách dùng canxi để điều trị, bà đã đi tiêm một mũi canxi. Chẳng ngờ bà bị tăng canxi huyết đột ngột và phải cấp cứu trong tình trạng suy thận nặng.
Tương tự, bà Đỗ Thị N. (Hải Phòng) cũng uống canxi để chữa đau nhức xương. Nhưng mỗi khi uống canxi là bà bị tiêu chảy, đau bụng khó chịu.
GS.TS Trần Ngọc Ân, chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam, cho biết loãng xương là hiện tượng tăng phần xốp của xương, giảm khối lượng xương trong cơ thể, làm cho xương giòn, dễ gãy (chỉ cần một va chạm nhẹ là gãy).
Xương thường gãy ở các vị trí quan trọng như cổ xương đùi, cổ tay, xương chậu, xương sống… làm biến dạng cột sống, sẹo đốt sống, còng, gù, gây ảnh hưởng lớn đến cột sống, thậm chí dẫn đến tử vong nếu nằm lâu ngày mà sinh bệnh ở phổi, tim mạch, tiêu hóa và tinh thần không được tiếp xúc với xã hội.
Hiện nay, tỉ lệ loãng xương trong cộng đồng rất cao: cứ 3 người phụ nữ trên 50 tuổi thì có 1 người bị loãng xương, tỉ lệ này ở nam là 1/10.
Gãy xương là một biến chứng nặng nề của loãng xương: 20% gãy cổ xương đùi sẽ tử vong trong vòng 6 tháng đầu, 50% mất khả năng đi lại, 25% cần sự trợ giúp của y tá chăm sóc tại nhà, chi phí điều trị cực kỳ tốn kém. Vì vậy người ta lo sợ loãng xương nên đã dùng canxi làm cứu cánh, mà không biết điều đó hoàn toàn có hại.
"Khi bị loãng xương chỉ bổ sung canxi không chưa đủ, bởi theo cơ chế về tái tạo xương thì có sự hoạt động của hai tế bào tạo xương và hủy xương. Tùy từng đối tượng mà sử dụng các chế phẩm canxi cho hợp.
Canxi là dạng thực phẩm bổ sung nhưng để chuyển lượng canxi đó vào xương cần phải có những vitamin như D, các loại chất khoáng… vì vậy sử dụng chế phẩm canxi cần phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ" - giáo sư Ân nhấn mạnh.
Hiện nay, hiểu biết của người dân về bệnh loãng xương còn hạn chế nên người ta cứ nghĩ chỉ cần dùng sữa hoặc thuốc có hàm lượng canxi cao có thể chữa khỏi bệnh. Nếu bị bệnh loãng xương, sau khi làm các xét nghiệm thì tùy theo từng người mà phải dùng thuốc ức chế sự hủy xương hay thuốc tạo xương.
Hơn nữa, hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu về nhu cầu canxi dành riêng cho người Việt Nam. Chúng ta vẫn đang thực hiện theo như người phương Tây. Người Việt Nam bé nhỏ hơn, nên nhu cầu canxi sẽ phải thấp hơn.
Vì vậy, nếu bổ sung sữa, thuốc đã đủ canxi và lại ăn các thực phẩm giàu canxi nữa thì sẽ thừa canxi, cơ thể đào thải, gây lãng phí. Nếu thừa nhiều và dùng lâu dài là không có lợi cho sức khỏe.
Việc bổ sung canxi bằng các thuốc hoặc chế phẩm giàu canxi (sữa giàu canxi, canxilciferol, các loại thuốc có canxi, vitamin D, Biphotphonat…) phải có sự theo dõi chặt chẽ bởi khi sử dụng những sản phẩm này sẽ làm tăng canxi huyết.
Khi tăng canxi huyết có thể lắng đọng canxi ở cầu thận hay ống thận (gây sỏi thận) và đưa đến suy thận - một biến chứng nguy hiểm. Hơn nữa, khi sử dụng một hàm lượng canxi cao (cơ thể không hấp thu hết) thì canxi sẽ hút nước ở thành ruột vào và làm tăng nhu động ruột gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, sỏi thận, rối loạn vận động, thậm chí gây loét dạ dày, tá tràng.
Chế độ ăn có vai trò thế nào?
Theo TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên phó viện trưởng Viện Dinh Dưỡng quốc gia, nguyên nhân gây loãng xương là do chế độ ăn không cung cấp đủ canxi, chất đạm và vitamin D. Nếu chỉ bổ sung canxi mà ăn không đủ chất đạm có thể dẫn đến loãng xương.
Nhưng nếu ăn quá nhiều chất đạm cũng là một nguyên nhân làm tăng đào thải canxi qua thận, do đó làm tăng nguy cơ loãng xương.
Ăn quá nhiều muối cũng có thể dẫn đến hiện tượng mất xương và gây loãng xương. Tiêu thụ nhiều muối có thể làm tăng huyết áp. Khi thận làm việc để thải bỏ bớt lượng muối thừa thì canxi đồng thời cũng sẽ được loại ra khỏi cơ thể cùng với muối.
Nghiên cứu tại Nhật chỉ ra rằng phụ nữ sau mãn kinh tiêu thụ nhiều muối sẽ có nguy cơ bị gãy xương cao gấp 4 lần so với những phụ nữ ăn ít muối. Theo khuyến nghị, người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ 2.300mg muối mỗi ngày.
Đặc biệt, vitamin D rất cần thiết cho việc sử dụng một cách hiệu quả canxi. Thiếu vitamin D, cơ thể cũng không hấp thu được canxi và do đó cũng là một nguy cơ gây loãng xương.
Theo khuyến cáo, người trưởng thành dưới 50 tuổi cần 400-800 IU vitamin D/ngày và người trưởng thành trên 50 tuổi cần 800-1000 IU vitamin D/ngày. Vitamin D có thể vào cơ thể qua ăn uống hoặc qua tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vì vậy, hãy trao đổi với bác sĩ về nhu cầu vitamin D của bạn và các thực phẩm giàu vitamin D có thể bổ sung.
Các chuyên gia cho rằng để phòng loãng xương ngay từ nhỏ và đặc biệt lứa tuổi thanh thiếu niên, trong chế độ ăn cần đảm bảo canxi cùng với vitamin D để tránh còi xương và đảm bảo bộ xương phát triển tốt và đạt tới đỉnh canxi - độ tập trung canxi (mật độ xương) vào tuổi 25 - 30. Khi có bộ xương chắc khỏe ở lứa tuổi trưởng thành sẽ tránh được loãng xương ở giai đoạn sau.
Dùng canxi thế nào là đủ?
Tốt nhất nên căn cứ vào khẩu phần ăn trong ngày để bổ sung canxi cho hợp lý. Tốt nhất là nên ăn các sản phẩm giàu canxi như sữa và các sản phẩm từ sữa, các loại rau, tôm, cua, cá, đặc biệt là cá, tôm, cua khi nhừ ăn cả xương - đây là nguồn canxi hữu cơ tốt nhất giúp cho cơ thể hấp thu và sử dụng được.
Đặc biệt, không được lạm dụng thuốc. Không uống nhiều rượu, cà phê.
Xương là một mô sống và có khả năng chịu lực tốt. Bạn càng sử dụng xương nhiều, xương càng chắc khỏe. Nếu xương không được sử dụng, chúng sẽ nhanh chóng bị lão hóa. Do vậy, cần thường xuyên luyện tập thể thao để cho xương chắc khỏe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận