11/05/2020 12:24 GMT+7

Cần đa dạng nguồn cung nguyên liệu sản xuất

ROB LOCK (chuyên gia kinh tế, kinh doanh người New Zealand) - HÀ MY ghi
ROB LOCK (chuyên gia kinh tế, kinh doanh người New Zealand) - HÀ MY ghi

TTO - Góp ý để kinh tế Việt Nam phát triển hơn sau dịch COVID-19, chuyên gia kinh tế, kinh doanh người New Zealand Rob Lock cho rằng bên cạnh việc tiếp tục xuất khẩu, Việt Nam cần phải có khả năng cung ứng nguyên liệu sản xuất.

Cần đa dạng nguồn cung nguyên liệu sản xuất - Ảnh 1.

Dự án The River Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM đang xây dựng (ảnh chụp sáng 4-5) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc khá nhiều vào các nước khác do Việt Nam là một trong những nước có kim ngạch xuất khẩu chiếm phần lớn. Tuy vậy, hiện nay tác động của dịch COVID-19 đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam chưa quá nghiêm trọng.

Trong 4 tháng đầu của năm nay, kim ngạch xuất khẩu mỗi tháng đạt trung bình 20 tỉ USD. Dù có sụt giảm nhưng không phải sụt giảm quá lớn so với con số 23 tỉ USD của 8 tháng trước đó, đặc biệt là khi xét đến tình hình thế giới hiện nay.

Nhờ thành công trong việc kiểm soát dịch COVID-19 mà Việt Nam đã có được thế mạnh lớn trong việc khôi phục kinh tế. Cụ thể, trong khi các nước trong vùng vẫn đối mặt với dịch và tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa, Việt Nam đã bắt đầu sản xuất để giao thương trở lại.

Đây là một lợi thế lớn nhưng đòi hỏi chính quyền phải tích cực trong việc thúc đẩy nền kinh tế. Trong thời gian tới cần phải nhận định rõ đâu là những thị trường an toàn, đã kiểm soát được dịch và đâu là những ngành sản xuất mạnh, những ngành vẫn đang bị ảnh hưởng để hỗ trợ và thúc đẩy.

Cụ thể, hai ngành cần được thúc đẩy nhất là xây dựng và du lịch. Đối với ngành xây dựng, hiện nay thị trường vẫn còn nhu cầu lớn với căn hộ giá rẻ dành cho tầng lớp trung lưu. Giải quyết được vấn đề nhà ở cũng là bước đầu trong việc hỗ trợ những người nghèo, người thất nghiệp tại Việt Nam.

Do việc xây dựng căn hộ giá rẻ không hấp dẫn các công ty xây dựng nhưng mang lại ích lợi lâu dài cho xã hội, chính quyền nên can thiệp để thúc đẩy các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Cần đa dạng nguồn cung nguyên liệu sản xuất - Ảnh 2.

ROB LOCK - chuyên gia kinh tế, kinh doanh người New Zealand

Đối với ngành du lịch, du lịch nội địa nên được thúc đẩy. So với những nước trong vùng, du lịch nội địa Việt Nam vẫn còn yếu. Từ trước đến nay, khách du lịch nội địa chỉ gấp 4-9 lần số khách quốc tế, trong khi tại các nước lân cận như Philippines và Indonesia số khách du lịch nội địa gấp 25-50 lần khách quốc tế.

Trên diện quốc tế, Việt Nam vẫn có lợi thế lớn do đã kiềm chế được dịch COVID-19 rất tốt. Nhờ đó, Việt Nam đã trở thành một trong những địa điểm an toàn nhất.

Một phương án là kết nối với các nước đã kiểm soát được dịch nhằm thu hút khách du lịch. Để không đánh mất lợi thế này, Việt Nam phải hết sức thận trọng khi đánh giá sự an toàn của từng nước để kết nối.

Đại dịch COVID-19 đã dạy cho thế giới nói chung, và Việt Nam nói riêng, tầm quan trọng của thị trường nội địa. Do thị trường nội địa Việt Nam chưa hoàn toàn phát triển, nhu cầu tiêu thụ cũng chưa đủ lớn để bù cho phần mất khi không xuất khẩu được hàng hóa.

Quan trọng hơn hết, vì thị trường nội địa chưa phát triển nên khả năng cung ứng của Việt Nam cũng chưa tốt. Nói cách khác, để có thể sản xuất hàng hóa, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu và thiết bị. Hiện nay, nhiều quy trình sản xuất bị gián đoạn vì không có nguyên liệu, thiết bị cần thiết.

Cho nên bên cạnh việc tiếp tục xuất khẩu hàng hóa, Việt Nam cần phải có khả năng cung ứng nguyên liệu sản xuất. Một ví dụ điển hình cho chuỗi cung ứng chưa hoàn thiện là Samsung và VinFast. Trong khi cả hai nhà sản xuất này lắp ráp tại Việt Nam, nhiều bộ phận thiết bị vẫn phải nhập từ Trung Quốc và một số nước khác.

Mặt khác, trên thị trường tiêu dùng, "made in Vietnam" cũng cần được phổ biến rộng rãi hơn để được người dùng tín nhiệm hơn nữa. Rất tiếc là hiện nay dù sản phẩm "made in Vietnam" được các nhãn hàng quốc tế lớn tín nhiệm, lợi nhuận của những món hàng này lại bị đưa ra nước ngoài.

Trong lúc nhiều nước phát triển coi thường đại dịch COVID-19, chính quyền Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng và nhờ đó mang lại kết quả tốt đẹp. Sự phản ứng nhanh nhạy này cũng là yếu tố vô cùng quan trọng trong thời kỳ sau COVID-19 để khôi phục kinh tế.

Ngành du lịch Việt Nam sẽ sớm phục hồi

tony shepherd

Ông Tony Shepherd

Tôi đã hoạt động trong lĩnh vực du lịch được gần 50 năm, với nhiều năm làm việc trong các mảng kinh doanh và marketing khách sạn cũng như quản lý. Tôi cũng từng làm việc ở nhiều nước châu Á, đến năm 2008 tôi sang Việt Nam và làm việc tại nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Hà Nội, Nha Trang, Vũng Tàu, Hội An, Đà Nẵng, Huế...

Tôi đã quan sát du lịch Việt Nam từ những ngày đầu. Từ khoảng năm 2011, du lịch Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh mẽ với 6 triệu lượt khách quốc tế đến trong năm đó. Năm 2018, đất nước này chào đón 15 triệu khách quốc tế và mọi người đều đang trông đợi con số hơn 20 triệu khách quốc tế vào năm 2020 thì COVID-19 xuất hiện.

Cá nhân tôi có thể miêu tả tác động của dịch bệnh này bằng những từ như "tàn bạo, đột ngột và đau đớn" đối với những người làm việc trong ngành du lịch cũng như những người đã đầu tư thời gian, tiền bạc để phát triển một doanh nghiệp du lịch bền vững. Cả đời tôi chưa bao giờ thấy chuyện như vậy.

Tuy nhiên, vào dịp lễ 30-4 vừa qua, khi Việt Nam đã nới lỏng giãn cách xã hội, người ta bắt đầu đi du lịch trở lại. Thế nhưng những nơi vốn nổi tiếng trước kia như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang... lại không đông đúc như trước, nhưng những địa phương như Vũng Tàu, Đà Lạt lại đông hơn hẳn những năm trước.

Tôi nghĩ rằng người ta có sự e dè khi đi chơi, họ chọn di chuyển bằng phương tiện cá nhân thay vì đi máy bay và cũng chỉ đi những nơi gần nhà.

Hiện tại, câu chuyện về đất nước Việt Nam tận tụy và những thành công trong cuộc chiến chống COVID-19 đang giúp Việt Nam "quảng bá" tên tuổi của mình ra cộng đồng quốc tế. Đất nước và con người Việt Nam được ca ngợi, Việt Nam được biết đến là một nơi an toàn.

Nhiều người trong ngành dự đoán rằng du lịch nội địa sẽ có thể khôi phục vào khoảng giữa năm 2021 và du lịch quốc tế sẽ quay lại nhịp bình thường vào cuối năm 2021. Sẽ có rất nhiều sự quan tâm tích cực đến Việt Nam không chỉ trong ngành du lịch mà cả trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh, Việt Nam chắc chắn có câu chuyện hay để kể cho thế giới.

Ông TONY SHEPHERD (người Úc) - Ngọc Đông ghi

Tận dụng cơ hội vàng để kinh tế bứt phá Tận dụng cơ hội vàng để kinh tế bứt phá

TTO - PGS.TS Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - nhận định về những cơ hội vàng và khả năng tận dụng để khôi phục kinh tế Việt Nam.

ROB LOCK (chuyên gia kinh tế, kinh doanh người New Zealand) - HÀ MY ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên