Một cơ sở kinh doanh vắng khách do COVID-19 tại trung tâm quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
GDP quý 1-2020 tăng rất thấp (3,82%), chỉ nhỉnh hơn so với quý thấp nhất ở giai đoạn khủng hoảng tài chính thế giới là quý 1-2009 (tăng 3,1%). Dự báo tăng trưởng theo xu hướng có thể còn thấp hơn nữa trong quý 2-2020.
Khó khăn thực tế rất lớn
Dù Chính phủ đã có chủ trương và hàng loạt chỉ đạo cùng với chính sách hỗ trợ trên tinh thần kịp thời nhưng vẫn còn nhiều khó khăn của doanh nghiệp chưa được tháo gỡ. Gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất là cần thiết, nhưng miễn thuế sẽ thiết thực hơn.
Nghị định gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, sự hỗ trợ này mới nghe qua có thể cho là tín hiệu vui nhưng xem ra còn thấp so với thực tế, những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối diện.
Nếu được chậm nộp thuế thì doanh nghiệp sẽ có thêm khoảng thời gian 5 tháng. Nhưng thực tế phần lớn doanh nghiệp rơi vào thua lỗ, sản xuất đình trệ, có nguy cơ ngừng hoạt động. Lúc này dù có gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cũng không có ý nghĩa gì nhiều.
Gói tín dụng 285.000 tỉ đồng cần thiết nhưng hấp thụ được lượng vốn khủng này là không dễ dàng. Thực tế ngân hàng nào cho vay cũng lo rủi ro, nợ xấu. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp dù cần tiền nhưng ngại đi vay vì đang gặp khó khăn nguyên liệu đầu vào, khó cả đầu ra khi không xuất khẩu được.
Những số liệu thống kê có thể chưa nói hết thực trạng khó khăn, tác động đầy đủ mà các doanh nghiệp phải chịu do dịch COVID-19. Khi thiệt hại nặng nề, khôi phục là không dễ, nhất là xu hướng dịch bệnh thế giới vẫn đang lây lan nhanh. Vì vậy, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay cần những chính sách đặc biệt và cấp thiết.
Cần cơ quan điều phối mạnh
Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hay các cơ quan thuế..., nơi nào cũng có những nhiệm vụ riêng. Ý kiến cơ quan này không nhận được sự đồng thuận chung thì khó có tháo gỡ đồng bộ, kịp thời.
Vì vậy, nên có một cơ quan liên ngành nhà nước đứng ra làm đầu mối phối hợp, xem xét toàn diện, triển khai các biện pháp hỗ trợ không chỉ giảm và miễn thuế mà còn thúc đẩy tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, tài chính theo hướng đồng bộ, kịp thời sẽ thiết thực hơn và ít ra tránh được tình trạng "chỗ nóng chỗ lạnh", mỗi nơi làm mỗi kiểu như đã từng xảy ra hay "trống đánh xuôi nhưng kèn thổi ngược", đòi hỏi nhiều thủ tục rắc rối.
Chúng ta đã có ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 hoạt động hiệu quả. Chúng ta nên nghĩ tới mô hình này. Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần một ban chỉ đạo phục hồi kinh tế hậu COVID-19 hoạt động hiệu quả và tích cực tương tự, huy động được các nguồn lực, đưa ra quyết định kịp thời và táo bạo, giúp Việt Nam không chỉ được đánh giá đứng hàng đầu thế giới về phòng chống COVID-19 mà còn đứng đầu thế giới về hiệu quả phục hồi kinh tế. Như thế người dân sẽ được hưởng lợi và chiến thắng của chúng ta trước dịch bệnh sẽ thực sự trọn vẹn.
* Ông Đặng Văn Thành (chủ tịch Tập đoàn TTC):
Cần giãn cả khấu hao cho doanh nghiệp
Với ngành nghề bị tác động nhiều nhất, như du lịch, tôi đề xuất Bộ Tài chính thực hiện giãn khấu hao 1 năm với các tài sản có giá trị đầu tư lớn đó là bất động sản và giá trị xây dựng. Nếu đề xuất này được chấp thuận thì giá trị khấu hao sẽ được giãn ghi nhận trong năm nay, khắc phục tình trạng giảm lỗ của các DN khi mà doanh thu không thể ghi nhận do ảnh hưởng dịch.
Với các ngành nghề rà soát theo sửa đổi nghị định 20-2017 của Chính phủ về áp trần lãi vay các DN có hoạt động liên kết, thay vì 20% nên nâng lên 30%, cũng như đề xuất các ngân hàng miễn giảm lãi vay với các nghề chịu tác động trực tiếp là nông nghiệp, du lịch.
Riêng thị trường vốn, mà tiêu biểu là thị trường chứng khoán, cần sự chủ động phối hợp từ phía các công ty chứng khoán với các khách hàng của mình để cùng nhau tháo gỡ và góp phần ổn định thị trường chứng khoán.
Tôi cho rằng trong lúc này rất cần các giải pháp mạnh mẽ đến từ Chính phủ và chính quyền các địa phương, đặc biệt là với các đầu tàu kinh tế như TP.HCM. Cần thiết có các kịch bản hồi phục kinh tế sau dịch.
Ngoài ra, cần tăng cường khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng. Đến giữa tháng 4-2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 0,8% trong khi hết quý 1-2020 đã tăng trưởng 1,3%. Như vậy, riêng trong nửa đầu tháng 4-2020, tín dụng đã tăng trưởng âm 0,5%. Dù lãi suất giảm nhưng DN cũng không có nhu cầu vay bởi cung và cầu đều sụt giảm.
Do đó, vấn đề không phải chỉ là lãi suất mà là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang giảm, cần có giải pháp tiếp nhận, thẩm định nhanh chóng các đề xuất tiếp cận vốn vay để tích cực giải ngân cho các DN có thực lực, có nhu cầu đưa dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, ngay khi DN có nhu cầu. (T.V.NGHI ghi)
Có gì trong hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp?
Tại buổi họp báo ngày 7-5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) Vũ Đại Thắng cho biết hội nghị Thủ tướng với DN 2020 diễn ra ngày 9-5. Tổng cục Thống kê đã khảo sát, ghi nhận ý kiến gần 130.000 DN. Có 86% DN cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Doanh thu 4 tháng đầu năm của họ chỉ bằng 70% cùng kỳ năm 2019. Theo số liệu của Bộ KH-ĐT, do ảnh hưởng dịch COVID-19, lượng DN tạm dừng hoạt động trong ngắn hạn tăng tới 33,6%.
Mục đích cuộc gặp mặt là Chính phủ muốn lắng nghe các hiến kế của cộng đồng DN, ông Vũ Đại Thắng nhấn mạnh. Thông điệp phát triển với cộng đồng DN thời gian tới sẽ được đưa ra.
* Cũng tại họp báo, ông Bùi Anh Tuấn, cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, cho biết thông tin nhiều người quan tâm: chủ DN 144.000 tỉ dùng căn cước công dân giả để đăng ký DN và DN này hiện đã khai tử. Trước đó, tháng 1-2020 Công ty USC Interco được đăng ký thành lập với vốn điều lệ hơn 6 tỉ USD, lớn thứ ba cả nước, chỉ sau hai tập đoàn dầu khí, điện lực. (BẢO NGỌC)
* Bà Cao Thị Ngọc Dung (chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM - HAWEE, chủ tịch HĐQT Công ty PNJ):
Tiếp cận gói hỗ trợ còn khó
Hội viên HAWEE phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, thuộc rất nhiều ngành nghề khác nhau, càng về sau thì mức độ chịu ảnh hưởng càng thấm bởi dịch COVID-19.
Ảnh hưởng rõ nhất là tình trạng đầu ra sản phẩm hoặc dịch vụ không tiêu thụ được. Đầu vào đang hoặc có nguy cơ thiếu nguyên vật liệu do nguồn nhập khẩu bị gián đoạn, sản xuất ngưng trệ không có doanh thu, khách hàng cũng gặp khó khăn nên không trả tiền. Trong khi đó, ngân hàng và nhà cung cấp lại gia tăng áp lực thanh toán các khoản vay và công nợ, các chi phí BHXH, BHYT, tiền thuê mặt bằng doanh nghiệp vẫn đang phải đóng đầy đủ.
Đáng chú ý là việc tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ hầu như rất khó khăn, hiện vẫn chưa có doanh nghiệp nào nhận được hỗ trợ từ các gói của Chính phủ. Do đó, Nhà nước cần nhanh chóng đưa ra những hướng dẫn rõ ràng, cụ thể để mọi doanh nghiệp có thể nắm bắt, hiểu rõ và kịp thời tiến hành trên nguyên tắc công khai, công bằng, không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ đối với các gói hỗ trợ như miễn, giảm thuế, giãn các khoản nợ vay ngân hàng, các khoản BHXH, BHYT. Cần tổ chức các đường dây nóng và có bộ phận trực tiếp giải quyết thắc mắc để các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp có thể liên lạc được.
Cần tính toán gia tăng kích cầu, đặc biệt cho các sản phẩm doanh nghiệp đang bị tồn đọng không xuất khẩu hay tiêu thụ được. Đề nghị đặc biệt ưu tiên cho các doanh nghiệp khu vực nhỏ và vừa, đẩy mạnh chuỗi cung ứng trong nước giữa các doanh nghiệp, khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa. Cần nhanh chóng thông qua các cơ quan đại diện ở các nước đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng.
Về trung hạn, để hỗ trợ khu vực kinh tế vừa và nhỏ, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các hội, hiệp hội đẩy mạnh các khóa huấn luyện tìm kiếm thị trường, cơ hội kinh doanh mới, hỗ trợ chuyển đổi kinh tế số...
Việc tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ vẫn rất khó khăn... (TRẦN VŨ NGHI ghi)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận