25/08/2017 10:53 GMT+7

Cần cơ chế tài chính đặc thù ứng phó sự cố môi trường

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Bà Lê Minh Toàn, vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, cho biết còn rất nhiều nguy cơ về sự cố môi trường, vì vậy cần kiến nghị Thủ tướng về cơ chế tài chính đặc thù để ứng phó ngay khi xảy ra sự cố.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết cùng với phát triển kinh tế, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng ngày càng nóng lên
Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết cùng với phát triển kinh tế, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng ngày càng nóng lên - Ảnh: X.LONG

Tại hội nghị hỗ trợ tài chính do Bộ TN-MT và Quỹ Bảo vệ môi trường VN tổ chức với thông điệp “đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự nghiệp bảo vệ môi trường” sáng 25-8, bà Lê Minh Toàn - vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Tổng cục Môi trường) - nêu con số đáng lo, có 50 sự cố môi trường nóng, nghiêm trọng xảy ra trong năm 2016.

Bà Toàn cho rằng trong phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đi cùng với các thành tựu, những bất cập về môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu đã bọc lộ.

“Năm 2016 đã xảy ra 50 sự cố ô nhiễm môi trường nóng. Nổi cộm là sự cố ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh miền Trung do Formosa.

Khi xảy ra những sự cố môi trường lớn rất cần có nguồn tài chính để ứng phó, xử lý sự cố. Vì vậy, cần nghiên cứu để kiến nghị Thủ tướng có cơ chế tài chính đặc thù ứng phó với ngay những sự cố môi trường nghiêm trọng” - bà Toàn nói.

Bà Toàn cho biết dù Thủ tướng đã có chỉ thị về các giải pháp cấp bách về môi trường, trong đó đã giao xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tuy nhiên số các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường chưa nhiều.

Theo bà Toàn, việc cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được vay vốn có vướng mắc trong cơ chế vay nhưng cũng có nguyên nhân nội tại do các cơ sở này đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Đây là những cơ sở sản xuất đã lâu, nguồn lực không lớn, công nghệ sản xuất lại lạc hậu trong khi tài sản thế chấp vay vốn từ quỹ lại không giá trị nên chưa đủ điều kiện vay vốn.

Tuy nhiên, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường này rất cần vay vốn, vì vậy cần có cơ chế đặc biệt về tiêu chí, thủ tục vay vốn để hỗ trợ những cơ sở này xử lý các vấn đề về môi trường” - bà Toàn kiến nghị.

Bà Đào Thị Huyền - phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Quảng Trị - cũng cho rằng còn rất nhiều điểm nóng, bức xúc về ô nhiễm môi trường cần được hỗ trợ tài chính xử lý.

Tuy nhiên, theo thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân, dù đã hỗ trợ nguồn vốn 1.800 tỉ đồng cho các doanh nghiệp 48 tỉnh, thành qua hình thức cho vay ưu đãi, nhưng quá trình hoạt động cũng đã bộc lộ tồn tại, vướng mắc về cơ chế huy động vốn, cơ chế cho vay, tài trợ…

Do vậy nguồn vốn hoạt động của quỹ chưa thật sự ổn định và bền vững.

Ông Nhân cho biết trong giai đoạn hiện nay, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường đang rất cấp bách, đặc biệt việc đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, lựa chọn những công nghệ phù hợp là vấn đề rất đáng quan tâm.

“Cùng với phát triển kinh tế, đặc biệt là tác động biến đổi khí hậu gia tăng, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng ngày càng nóng lên. Về quan điểm, Chính phủ đã nêu rõ phát triển kinh tế nhưng không hi sinh môi trường.

Và để đồng hành cùng doanh nghiệp, trong năm 2018 Quỹ Bảo vệ môi trường VN sẽ có chi nhánh ở khu vực phía Nam tại TP.HCM, khu vực miền Trung tại Đà Nẵng để có nhiều doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay, hỗ trợ nhiều hơn” - ông Nhân cho biết.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên