11/07/2018 13:24 GMT+7

Cán bộ địa phương 'ác cảm' với người nghèo khó là có thật!

NGỌC HẠNH
NGỌC HẠNH

TTO - Thay vì phổ biến, giúp người nghèo được hưởng quyền lợi, có cơ hội thay đổi cuộc sống, cán bộ địa phương lại chọn cách cấp vốn cho những hộ có kinh tế khá giả hơn, có khi là "người nhà" của họ. Thậm chí, có sự "ác cảm" với người nghèo khó!

Cán bộ địa phương ác cảm với người nghèo khó là có thật! - Ảnh 1.

Bò cấp cho hộ nghèo ở buôn Alê, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) - Ảnh: THÁI THỊNH

* Phản hồi bài viết "Vô tư với "tiền vay bạc hỏi" và  "Thấy người nghèo khó thì cho vay tiền"

Tôi quen một chị phụ trách nguồn vốn cho vay của Hội phụ nữ xã. Có lần chị hỏi tôi có nhu cầu vay vốn lãi suất dưới 10%/năm không, chị sẽ vay giùm. 

Chị "nói nhỏ": nguồn vốn để hỗ trợ phụ nữ khó khăn vay để làm kinh tế nhỏ, nhiều chị em khó khăn nhưng chị... không dám duyệt cho vay vì sợ họ không lo làm ăn, không trả nợ được. Giải quyết cho chị em khác vay, họ không thuộc diện khó khăn nhất nhưng dễ thu hồi vốn hơn.

"Nhiều nguồn vốn ưu đãi đã không đến tay người nghèo khó thật sự. Chính điều này đã đẩy nhiều người nghèo tìm đến các tổ chức tín dụng đen cho vay nặng lãi, tiếp theo đó là nhiều hệ lụy và bất công xã hội."

Ngọc Hạnh

Bạn tôi, làm việc ở ngân hàng C, kể có lần bạn cùng đồng nghiệp đi giải ngân vốn vay ưu đãi ở xã V. Vừa gọi một cái tên đứng đầu danh sách lên ký nhận, thấy một chị vận bộ đầm, móng tay móng chân sơn đỏ, cười tươi hớn hở đi lên. 

Bạn khoanh tròn tên chị, mời đứng sang một bên. Ngó một lượt vòng quanh những người đang ngồi chờ cấp vốn, băn khoăn vì họ không có dáng vẻ của người nghèo chịu thương chịu khó, bạn tôi quyết định tạm hoãn việc giải ngân để về... trình lãnh đạo xem xét lại toàn bộ hồ sơ những người được giới thiệu nhận vốn (do địa phương đưa lên).

Thực tế, có nhiều nguồn vốn ưu đãi cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Khi về đến địa phương vướng ngay cách làm việc quan liêu của người "có quyền" duyệt cấp vốn, thậm chí là sự "ác cảm" với những người có hoàn cảnh nghèo khó. Nhiều người nghèo không có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi dành cho họ. 

Thay vì phổ biến, giúp người nghèo được hưởng quyền lợi, có cơ hội thay đổi cuộc sống, cán bộ địa phương lại chọn cách dễ hơn: cấp vốn ưu đãi cho những hộ có kinh tế khá giả hơn, có khi là "người nhà" của họ.

Vài tháng trước, M.Q., một thanh niên ở quê tôi vừa mãn hạn tù, đến nhờ tôi tìm giúp một việc làm. Q. nói mới ra tù, đi xin việc ở đâu người ta cũng từ chối. Q. muốn có vốn buôn bán trái cây nhưng không biết vay ai và vay ở đâu. 

Trước khi ra trại, Q. được cán bộ trại giam phổ biến chính sách nhưng nghĩ thủ tục sẽ khó khăn, không dám tin được địa phương xét duyệt... Rồi Q. nhờ người làm tờ đơn xin vay vốn, hướng dẫn các giấy tờ cần thiết có liên quan đính kèm, Q. cứ mạnh dạn mang hồ sơ về địa phương trình bày hoàn cảnh. 

Khoảng tháng sau, Q. cho biết hồ sơ đã được giải ngân là 50 triệu đồng, với phương thức trả nợ là mỗi tháng góp 2 triệu, trong vòng hai năm trả dứt nợ sẽ được xét cho vay lại...

10 triệu hay 20 triệu đồng đối với người này chỉ là số tiền nhỏ nhưng với nhiều người khác là số tiền lớn, đôi khi còn là cơ hội giúp họ "đổi đời". Nhưng những trường hợp may mắn như Q. mà tôi biết lại không nhiều!

Thẩm định hộ nghèo tại một địa phương là việc không hề khó. Để nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, khâu thẩm định cần khách quan, công tâm. Có như vậy người nghèo mới có cơ hội được tiếp cận những dịch vụ, chính sách của xã hội một cách công bằng.

Biết vay nóng là "chết" nhưng nông dân nghèo vẫn vay, tại sao? Biết vay nóng là 'chết' nhưng nông dân nghèo vẫn vay, tại sao?

TTO - Gắn bó với người nông dân, bạn đọc Tú Nguyên (Hội Chữ thập đỏ xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) có bài viết lý giải vì sao ho vay nóng. Chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu góc nhìn của anh.

NGỌC HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên