Nên cùng nông dân tìm kiếm các giải pháp phù hợp với điều kiện sống của chính họ để đạt được kết quả như mong đợi -Ảnh: Hoàng Đông
Tín dụng đen, cho vay nặng lãi lâu nay hướng đến người nghèo. Phần lớn người nghèo cũng là những người học vấn không cao, sống ở nơi thiếu điều kiện kinh tế, xã hội... và vì thế nhận thức của họ cũng không thể cao như mong đợi.
Khó khăn, nghèo khổ mới đi vay. Nguyên nhân khách quan dẫn đến cảnh nghèo khó có thể là do thiên tai, bệnh tật, mất mùa...
Những năm gần đây, do sự biến đổi khí hậu dẫn tới tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn khiến hoạt động nông nghiệp truyền thống không thể tiếp tục giúp họ kiếm sống bằng nghề nông truyền thống được nữa.
Nhiều người di cư tìm nguồn sinh kế khác ở những địa phương khác hoặc phải vay mượn vốn hi vọng đổi nghề, đổi việc. Vì thế, họ càng có nguy cơ vướng vào vòng vây "tín dụng đen".
Tình trạng người dân sống nghèo túng thường gắn với việc họ đang sống ở những khu vực còn nhiều khó khăn về hạ tầng, đường sá, nền kinh tế tại địa phương nói chung còn kém do sự thiếu đa dạng trong hoạt động kinh tế.
Những người dân sống ở các xã, các khu vực đặc biệt khó khăn thì việc tìm kiếm hay thay đổi loại hình sinh kế là cũng cực kỳ khó khăn bởi họ đang sống ở những khu vực mà tình hình lẫn phương tiện sản xuất lạc hậu, năng suất thấp, hệ thống phân phối hàng hóa còn hạn chế hoặc không hiệu quả...
Không phải họ không có ý thức vượt nghèo nhưng chính cái khó khăn khách quan cũng là nguyên nhân "bó cái khôn" của họ.
Chúng ta cần có chính sách làm thay đổi nhận thức của người nghèo, giúp họ nhận ra được những khả năng vượt nghèo của mình.
Hình như chúng ta chỉ muốn giảm nghèo bằng các giải pháp dễ dàng là chỉ hỗ trợ vật chất cho người nghèo chứ không cùng họ tìm kiếm các giải pháp phù hợp với điều kiện sống của chính họ nên đã không đạt được kết quả như mong đợi.
Điều này cũng vô cùng cần thiết như các chính sách trợ giúp về hạ tầng cho địa phương nghèo, việc làm cho người nghèo vậy.
Nhiều người cứ mãi sống trong thân phận nghèo vì họ nghĩ họ nghèo, họ nghĩ họ không có khả năng thay đổi số phận của mình.
Cần thêm nhiều nguồn vốn cho vay ở các cộng đồng dân cư, kịp thời hỗ trợ người dân để họ không phải tìm đến "tín dụng đen" lãi suất cao. Vay nặng lãi bên ngoài cũng là một nguyên nhân khiến người nghèo càng nghèo hơn, khổ càng khổ hơn.
Một số nước, người ta thành lập các quỹ tín dụng vi mô (micro-credit) dựa trên chính nguồn tiền tiết kiệm của cộng đồng để cho các thành viên khác gặp khó khăn về nguồn vốn sản xuất hay chi phí y tế, học tập của con cái... vay với lãi suất thấp.
Quỹ tín dụng vi mô đã được áp dụng tại nhiều nước (như Bangladesh chẳng hạn), được đánh giá là đã giúp cải thiện đời sống cho phụ nữ nghèo ở các quốc gia này.
Việt Nam chúng ta cũng từng áp dụng cách làm này ở một số dự án giảm nghèo nhưng chúng không được áp dụng rộng rãi là một điều đáng tiếc.
Để thay đổi nhận thức người dân, giúp họ thoát tình trạng nghèo túng, chúng ta cần có cả hai nhóm giải pháp chứ không chỉ là chuyển từ "cho con cá" sang "cho cái cần câu".
Tức là, bên cạnh việc hỗ trợ các điều kiện cần cho sinh kế như nguồn vốn hay các phương tiện kiếm sống khác, chúng ta còn cần phải có những cách thức làm thay đổi nhận thức của người nghèo về khả năng thoát nghèo, cách thức làm sao để họ thoát nghèo.
Túng thiếu thì nghĩ đến vay mượn, thấy khó thì cho vay - đó không phải là cách giúp nhau thoát nghèo khổ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận