Campuchia yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn, ông Thaksin lên tiếng

Thủ tướng Campuchia yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn cấp, trong khi ông Thaksin cũng lần đầu lên tiếng sau khi xung đột Thái Lan - Campuchia leo thang trong sáng 24-7.

Thái Lan - Ảnh 1.

Thủ tướng Campuchia Hun Manet - Ảnh: AFP

Campuchia yêu cầu Hội đồng Bảo an họp

Trưa 24-7, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã gửi thư yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập họp khẩn về diễn biến xung đột.

Trong bức thư, ông Hun Manet chỉ trích các động thái của phía Thái Lan và khẳng định quân đội Campuchia đã buộc phải "đáp trả tự vệ" để bảo vệ chủ quyền.

Thủ tướng Campuchia trích dẫn lịch sử, khẳng định "căng thẳng biên giới và các cuộc giao tranh vũ trang vẫn tiếp tục dai dẳng giữa Campuchia và Thái Lan, bất chấp sự tồn tại của các văn kiện quốc tế về lãnh thổ hai nước từ đầu thế kỷ 20 đến nay".

Theo ông Hun Manet, tình hình xung đột hiện tại "xuất phát từ việc Thái Lan khăng khăng tuyên bố chủ quyền đối với các khu vực biên giới, sử dụng bản đồ do họ đơn phương vẽ và trái ngược với cam kết của họ" trong quá khứ.

Thủ tướng Campuchia cũng phủ nhận những cáo buộc của Bangkok liên quan đến vụ nổ mìn hôm 23-7 khiến một binh sĩ Thái Lan mất chân phải.

Ông Hun Manet khẳng định Bangkok đã "lợi dụng vụ việc làm cớ" để tấn công nước láng giềng.

Thái Lan - Ảnh 2.

Bức thư gửi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của Campuchia

Thái Lan - Ảnh 3.

Bức thư gửi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của Campuchia

Ông Thaksin lên tiếng

Trưa cùng ngày, cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra cũng lên tiếng trên mạng xã hội X. Theo ông Thaksin, việc phía Campuchia bắn vào lãnh thổ Thái Lan từ sáng sớm và đặt bẫy nổ dọc biên giới được coi là vi phạm luật pháp quốc tế và đạo đức láng giềng tốt, dẫn đến hai binh sĩ Thái Lan và nhiều dân thường bị thương.

Ông Thaksin khẳng định Thái Lan đã thể hiện sự kiên nhẫn và kiềm chế, tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế và hoàn thành nghĩa vụ như một người láng giềng tốt. 

Ông cũng nói từ giờ trở đi, binh sĩ Thái Lan có thể đáp trả theo kế hoạch chiến lược và Bộ Ngoại giao có thể thực hiện các biện pháp khác nhau một cách chính đáng.

Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Thái Lan (đang bị đình chỉ) kiêm Bộ trưởng Văn hóa Paetongtarn Shinawatra tuyên bố tình hình xung đột Thái Lan - Campuchia đã vượt qua giai đoạn đàm phán ngoại giao. 

Bà khẳng định chính phủ và quân đội Thái Lan đã luôn tìm kiếm các giải pháp hòa bình nhưng hành động của Campuchia đã khiến Thái Lan "không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả".

Bà Paetongtarn cũng tuyên bố dù không loại trừ khả năng đáp trả quân sự nhưng Bangkok vẫn tiếp tục tập trung vào nỗ lực ngoại giao. 

Tuy nhiên bà nói rõ rằng Thái Lan sẽ không chấp nhận để tình hình leo thang, gây hại thêm cho dân thường. Thủ tướng Thái Lan cũng cáo buộc "Campuchia sử dụng vũ khí chống lại dân thường không vũ trang là không thể chấp nhận được".

Ông Hun Manet gửi thư lên Liên hợp quốc, ông Thaksin cũng lên tiếng - Ảnh 5.Tuyên bố chính thức của Thái Lan và Campuchia về xung đột biên giới

Quân đội Thái Lan và Campuchia đều đã đưa ra nội dung tường thuật vụ xung đột tại biên giới vào ngày 24-7 của mỗi nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên