18/09/2016 13:20 GMT+7

Campuchia - sàn đấu của hai đảng - Kỳ 1: Vừa đấu vừa đàm

TS NGUYỄN THÀNH VĂN (trưởng Phòng nghiên cứu Campuchia, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á)
TS NGUYỄN THÀNH VĂN (trưởng Phòng nghiên cứu Campuchia, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á)

TTO - Cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa hai đảng CPP và CNRP ở Campuchia từ sau cuộc bầu cử năm 2013 đến nay xét cho cùng là cuộc tranh giành lá phiếu của cử tri trong các cuộc bầu cử.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen (phải) bắt tay thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy khi hai bên hòa hoãn - Ảnh: AFP
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (phải) bắt tay thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy khi hai bên hòa hoãn - Ảnh: AFP

Chúng ta có hơn 10.000 quan sát viên trong nước và hơn 100 quan sát viên quốc tế. Họ đã công nhận rằng cuộc bầu cử đã diễn ra hòa bình, không có bạo lực, tự do và công bằng

Ouch Borith (quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia trả lời truyền thông ngày 31-7-2013 về tính chính xác của cuộc bầu cử)

Trên chính trường Campuchia có nhiều đảng phái hoạt động, trong đó có hai đảng lớn là Đảng Nhân dân Campuchia (CPP - cầm quyền) và Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP - đối lập).

CNRP được thành lập vào năm 2012 trên cơ sở sáp nhập hai đảng Sam Rainsy và Nhân quyền.

Mục tiêu giành cử tri

Theo dự kiến, ngày 4-6-2017 cuộc bầu cử hội đồng xã/phường (cuộc bầu cử quan trọng thứ hai) sẽ diễn ra và vào tháng 7-2018, cuộc bầu cử quốc hội (cuộc bầu cử quan trọng nhất) sẽ được tổ chức. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ cả CPP và CNRP phải tìm cách thu hút lá phiếu của cử tri.

Trong cuộc đấu này, mỗi bên có một thế mạnh riêng. CPP đang nắm được chính phủ, quân đội và chính quyền cơ sở.

Còn CNRP, trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2013, số ghế đảng này giành được đã tăng từ 26 lên 55 ghế. Bên cạnh đó, CNRP còn có sự ủng hộ từ bên ngoài, đặc biệt là Mỹ và các nước phương Tây.

Trong tình hình căng thẳng vài tháng qua và đặc biệt là vài ngày qua, các nước phương Tây đã nhanh chóng lên tiếng. Hôm 14-9, tại Geneva (Thụy Sĩ), đại sứ Mỹ tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Keith Harper đã thay mặt 38 quốc gia lên tiếng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước những leo thang căng thẳng chính trị ở Campuchia hiện nay.

Trước đó, vào ngày 12-9, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua quyết định số 728 về việc ủng hộ nhân quyền, dân chủ và nhà nước pháp quyền ở Campuchia.

Việc căng thẳng hiện nay - như ở mức chính quyền điều động binh sĩ quần thảo quanh trụ sở CNRP và phía CNRP tỏ ý thách thức trở lại - có leo thang trở thành bạo lực hay không còn tùy thuộc vào động thái của cả hai đảng.

Chúng tôi cho rằng cả CPP và CNRP đều rất cẩn trọng khi đưa ra quyết định của mình bởi lẽ nếu quyết định sai lầm họ sẽ phải trả giá bằng việc mất đi lá phiếu của cử tri trong các cuộc bầu cử sắp tới.

Chính vì vậy, khả năng đàm phán hòa bình giữa hai đảng vẫn được tính tới thay vì một cuộc xung đột đổ máu. Ngày 16-9 vừa q ua, ông Eng Chhay Eng, quan chức cao cấp của CNRP, tuyên bố CNRP chờ đợi các cuộc đàm phán với CPP để giảm căng thẳng.

Ông cũng khẳng định CNRP đã chờ đợi đàm phán hơn bốn tháng rồi nhưng không có kết quả.

Như một động thái mở lối thoát cho tình hình hiện tại, ông Chhay Eng cho biết thêm rằng “biểu tình hòa bình” là lựa chọn cuối cùng của CNRP để giảm căng thẳng chính trị nhưng không xác định khi nào sẽ diễn ra biểu tình.

Cột mốc năm 2013

Thật ra tình hình căng thẳng hiện nay là hệ quả của cuộc bầu cử quốc hội năm 2013. Cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia nhiệm kỳ V (2013-2018) diễn ra vào ngày 28-7-2013 với sự tham gia của tám đảng.

Tuy nhiên, chỉ có hai đảng giành được ghế: CPP được 68 ghế (giảm 22 ghế so với nhiệm kỳ IV); CNRP giành được 55 ghế (tăng 29 ghế so với nhiệm kỳ IV). Kể từ sau cuộc bầu cử đến nay, chính trường Campuchia là sàn đấu của hai đảng này.

Sau khi kết quả bầu cử được công bố (ngày 8-9-2013), cuộc chiến giành quyền lực giữa CPP và CNRP đã diễn ra gay gắt, quyết liệt, dẫn đến bế tắc chính trị kéo dài gần một năm. Trong cuộc đấu này, mỗi bên đều có chủ trương sách lược riêng của mình.

Với 68 ghế giành được (quá bán), CPP cho rằng mình có thể tự thành lập chính phủ theo điều 82 của Hiến pháp Campuchia. Quốc vương Norodom Sihamoni đã gửi giấy mời triệu tập phiên họp quốc hội đầu tiên đến 123 ứng cử viên trúng cử của hai đảng.

Ngày 23-9-2013, toàn bộ 68 nghị sĩ của CPP tham gia kỳ họp theo thư mời của quốc vương nhưng phía CNRP vắng mặt cả.

Phiên họp quốc hội đầu tiên đã bầu ra bộ máy lãnh đạo như chủ tịch nước, phó chủ tịch nước, chủ nhiệm các ủy ban (chín ủy ban) do người của CPP đảm nhiệm. Ngày 24-9, Quốc vương Sihamoni chỉ định ông Hun Sen giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ V.

Sau đó, Chính phủ nhiệm kỳ V, với toàn bộ thành phần là người của CPP, đã được quốc vương phê chuẩn và đi vào hoạt động bình thường. Mặc dù tự thành lập chính phủ nhưng CPP vẫn tuyên bố sẵn sàng đàm phán và để CNRP tham gia quốc hội và chính phủ.

CNRP tẩy chay phiên họp đầu tiên vì cho rằng bầu cử có nhiều gian lận, bất thường. Chính vì vậy, CNRP thể hiện thái độ không công nhận kết quả bầu cử, tập trung toàn bộ các ứng cử viên trúng cử của mình ở Siem Reap vào ngày 22-9 - tức một ngày trước phiên họp chính thức.

Tại đây, bên CNRP kêu gọi thành lập ủy ban độc lập (có sự tham gia của Liên Hiệp Quốc) để điều tra những bất thường trong bầu cử, yêu cầu CPP đàm phán để cải cách Ủy ban Bầu cử quốc gia (NEC).

Song song đó, CNRP một mặt kêu gọi lực lượng ủng hộ trong nước đình công, biểu tình phản đối chính phủ nhiệm kỳ V, mặt khác kêu gọi cộng đồng quốc tế không công nhận chính phủ nhiệm kỳ V, kêu gọi các nhà đầu tư, các nhà tài trợ quốc tế ngừng đầu tư và viện trợ cho Campuchia...

Một điều đáng chú ý là mặc dù sử dụng chiến thuật khác nhau nhưng cả hai đảng đều tuyên bố sẵn sàng đàm phán để giải quyết bế tắc chính trị.

Đúng 10 tháng sau, họ đã làm được điều đó. Ngày 22-7-2014, CPP và CNRP đã đạt được thỏa thuận với những nội dung cơ bản như CNRP chấm dứt tẩy chay quốc hội; hai đảng thống nhất với nhau về việc chia sẻ quyền lực ở quốc hội; cải cách Ủy ban Bầu cử.

Tiếp đó là giai đoạn có thể gọi là “tuần trăng mật” giữa hai đảng. Ngày 28-7-2014, ông Sam Rainsy - chủ tịch CNRP - được quốc hội công nhận là đại biểu đắc cử của tỉnh Kampong Cham.

Sáng 5-8, toàn bộ 55 ứng cử viên trúng cử của CNRP đã tiến hành tuyên thệ ở hoàng cung trước sự chứng kiến của quốc vương. Ngày 8-8, Quốc hội Campuchia họp phiên bất thường với sự tham gia của đầy đủ 123 thành viên.

Hai bên chấp nhận chia sẻ quyền lực. Ngày 26-8, quốc hội họp và bầu lại các chức danh lãnh đạo của quốc hội theo công thức 7/6, theo đó quốc hội có 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch và 10 ủy ban chuyên trách.

Người của CPP giữ chức chủ tịch (ông Heng Samrin), phó chủ tịch thứ hai (ông Nguon Nhuol) và chủ nhiệm 5 ủy ban chuyên trách, người của CNRP giữ chức phó chủ tịch thứ nhất (ông Kem Sokha, phó chủ tịch CNRP) và chủ nhiệm 5 ủy ban chuyên trách.

Hai bên cũng đã thống nhất sẽ cải cách Ủy ban Bầu cử, theo đó ủy ban sẽ có 9 thành viên, trong đó 4 của CPP, 4 của CNRP và 1 ủy viên trung lập.

Ngày 8-5-2015, hai đảng ra tuyên bố chung với các nội dung chính như lấy văn hóa đối thoại để giải quyết hòa bình các vấn đề bất đồng; tôn trọng lẫn nhau; không nhục mạ nhau bằng các từ như phản quốc, bán nước...; không đe dọa nhau bằng các từ như bắt bỏ tù, chiến tranh sẽ xảy ra...

________________________________

Kỳ tới: Cuộc đấu bản đồ và lãnh thổ

TS NGUYỄN THÀNH VĂN (trưởng Phòng nghiên cứu Campuchia, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên