Ông Bùi Danh Liên - chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội - cho biết như vậy trong văn bản gửi đến báo chí liên quan đến chủ trương hạn chế, cấm xe máy theo khởi thảo đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội” mà Sở GTVT Hà Nội đang cùng Viện Chiến lược và phát triển GTVT xây dựng.
Theo ông Liên, hiện nay đường phố chật hẹp, dân cư tăng theo cấp số cộng, phương tiện cá nhân tăng theo, gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Có lẽ đã đến thời điểm mọi người dân và Nhà nước phải tính đến giảm phương tiện cá nhân và thay thế bằng loại hình vận tải khác để nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho người dân.
Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội và bản thân ông đồng tình và ủng hộ việc thực hiện đề án hạn chế xe máy và hạn chế ôtô một cách hợp lý.
“Tuy nhiên không thể cấm ngay được. Cấm xe máy thì dân đi bằng phương tiện gì? Đó là thách thức không những đối với cơ quan nhà nước mà là hệ thống chính trị vì đây là chính sách liên quan đến an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, ôtô cá nhân cũng là đối tượng gây ách tắc giao thông. Xe máy là tài sản của người dân có thu nhập trung bình, ôtô là phương tiện của người dân thu nhập trên trung bình, nó an toàn và văn minh hơn, do đó để hài hòa và công bằng thì cấm xe máy cũng phải hạn chế ôtô cá nhân” - ông Liên đề xuất.
Ông Liên cho rằng mục tiêu đi đến (cấm xe máy - PV) có lẽ là để người dân tự nguyện loại bỏ xe máy, đối với ôtô tiến hành hạn chế hợp lý bằng giải pháp điều tiết thu nhập và diện tích đỗ xe.
“Chúng tôi khẳng định cấm xe máy chỉ được thực hiện khi đại đa số người dân tự nguyện loại bỏ và chấp nhận phương tiện giao thông công cộng. Kinh nghiệm các nước cho thấy phát triển giao thông công cộng chất lượng tốt, giá thành hạ, hạn chế có lộ trình sẽ đạt được mục tiêu cấm xe máy” - ông Liên nói.
Ông Liên kiến nghị TP Hà Nội cần tiếp tục thực hiện chủ trương di chuyển nhà máy, trường học ra khỏi nội đô. Cải tạo, xây dựng trụ sở, chung cư cao tầng có số tầng một cách hợp lý, không làm tăng dân số nội đô, tiếp thu thực hiện đề án giảm tải dân cư khu phố cổ. Đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch các diện tích sân chơi, trường học, bãi đỗ xe, siêu thị để giảm bớt mật độ tham gia giao thông.
Đồng thời đẩy nhanh đầu tư hạ tầng giao thông, phát triển nhanh các loại hình giao thông công cộng.
Việc chậm tiến độ các dự án đường sắt đô thị làm mất lòng tin của người dân. Việc kết nối phương tiện giao thông giữa các khu dân cư, các bến xe, các trục đường hướng tâm, các khu công nghiệp, sân bay, nhà ga, các đô thị liền kề… phải được triển khai trước một bước. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc thực hiện các công việc trên.
Về đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, ông Liên cho rằng cần được Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, các tổ chức thành viên để hoàn chỉnh, bổ sung trước lúc trình HĐND thành phố biểu quyết.
Đề án cần có lộ trình, có giải pháp để trả lời người dân: Cấm xe máy thì người dân đi làm bằng cái gì?
Sau khi có nghị quyết, thành phố cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành xây dựng thực hiện kế hoạch lâu dài, tránh việc chỉ triển khai theo nhiệm kỳ, hoặc chỉ thực hiện theo ý kiến của lãnh đạo trong nhiệm kỳ.
Các sở phải xây dựng đề án chi tiết theo chuyên ngành của mình. Hằng năm phải tự kiểm tra tiến độ, chất lượng việc thực hiện kế hoạch và đề xuất thêm các... dự án.
Cũng theo ông Liên, đầu tư hạ tầng giao thông và vận tải công cộng tốn kém rất nhiều tiền bạc, là bài toán nan giải trong lúc ngân sách thành phố eo hẹp. Vì vậy cần ưu tiên vốn ngân sách cho phát triển hạ tầng giao thông, xã hội hóa đầu tư vào các loại hình vận tải xe buýt, bãi đỗ xe, bến xe.
Cổ phần hóa Tổng công ty Vận tải Hà Nội để thoái vốn Nhà nước nhằm mục đích xã hội hóa để đầu tư cho hạ tầng giao thông. Cơ cấu lại thị phần vận tải xe buýt để các thành phần kinh tế được tham gia một cách bình đẳng.
Đồng thời đa dạng hóa các loại phương tiện tham gia vận tải hành khách để phù hợp đường sá nội ngoại thành Hà Nội, phát triển mini buýt, tăng thêm loại hình vận tải phù hợp với thực tế kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Ví dụ cho sử dụng xe bán tải hoán cải thành xe chở khách để chở được nhiều người, hoạt động trong phạm vi hạn chế (như ở Pattaya ở Thái Lan), xe 4 bánh gắn động cơ chở hàng hóa, mini buýt dưới 17 chỗ.
“Số lượng taxi trên địa bàn Hà Nội hiện nay đã đạt 22.000 xe, chạy chiều rỗng nhiều, tốn nhiên liệu, gây ô nhiễm, giảm doanh thu. Cần khuyến khích việc đặt xe qua smartphone, liên kết giữa các hãng taxi để tận dụng xe chiều rỗng. Thành phố nghiên cứu cho thành lập các trung tâm cho thuê xe phục vụ dịch vụ công để phục vụ các cơ quan đơn vị và xe đi chung cho cán bộ nhân viên (hoạt động như bán hàng qua điện thoại), góp phần giảm xe công, tiết kiệm chi phí, hạn chế tiêu tiền mặt…”. Ông BÙI DANH LIÊN (chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận