03/04/2023 11:43 GMT+7

Cấm, phạt hay để thị trường sàng lọc với phim chiếu mạng xấu độc?

Khi tình trạng phim chiếu mạng có nội dung "xấu, độc" được phản ánh, Cục Điện ảnh cho biết sẽ phối hợp Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát xử lý.

Hình ảnh phim Sugar Daddy & Sugar Baby - Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Hình ảnh phim Sugar Daddy & Sugar Baby - Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng khó kiểm soát và hậu kiểm phim chiếu mạng.

Một số phim chiếu mạng vừa qua gây tranh cãi như Sugar Daddy & Sugar Baby, Gái ngàn đô, Đại Cathay, Lan Quế phường với nội dung liên quan tình dục, bạo lực, giới giang hồ với nhiều cảnh nóng, cảnh hở hang... dù chưa được kết luận là "xấu, độc" nhưng cũng khiến khán giả đặt câu hỏi về việc hậu kiểm.

Vậy Luật điện ảnh hiện hành quy định ra sao về vấn đề này, cũng như việc thực thi luật đang gặp những vướng mắc gì?

Luật có, nhưng thực tế lỏng lẻo

Điều 21 của Luật điện ảnh đã có quy định rõ về "phổ biến phim trên không gian mạng". Cụ thể hơn, trước khi phát hành phim chiếu mạng, danh sách phim và kết quả phân loại phim phải được thông báo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Còn sau khi phát hành, nếu phát hiện vi phạm các quy định theo điều 9 của Luật điện ảnh thì phim sẽ bị gỡ bỏ, ngăn chặn truy cập.

Ông Hoàng Quân, nhà sản xuất nhiều phim Việt chiếu rạp và chiếu mạng - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Hoàng Quân, nhà sản xuất nhiều phim Việt chiếu rạp và chiếu mạng - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo ông Hoàng Quân, giám đốc công ty sản xuất phim ProductionQ, luật quy định như vậy là đã rất rõ ràng. Trách nhiệm lớn thuộc về những người làm nội dung và phía phát hành phải chủ động phân loại, quy định độ tuổi người xem.

Đây là hai phần quan trọng nhất. Thực tế, chưa có ranh giới rõ ràng giữa phim "xấu, độc" và các phim còn lại.

Ông Hoàng Quân phân tích: "Việc định giá một bộ phim kém chất lượng thì khó hơn. Nếu như không vi phạm luật, phim đó cũng sẽ tìm được nhóm khán giả của riêng nó. Nếu có những bộ phim quá bạo lực, quá sexy thì khó có ranh giới như thế nào là "quá".

Cũng không có tiêu chuẩn phân biệt rõ giữa các nền tảng VOD và phim chiếu mạng trên YouTube. Vì tất cả đều là nền tảng trực tuyến nên khán giả đều có cách truy cập và tiếp cận. Các phim này đều theo luật chung là hậu kiểm".

Bà Hằng Trịnh, giám đốc Công ty giải trí Silver Moonlight - nơi phát hành nhiều phim Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại - nhận định:

"Việc hậu kiểm hiện nay vẫn là cách làm hợp lý nhất cho việc sáng tạo nội dung. Nhưng nếu so sánh toàn cảnh hơn thì có sự khập khiễng nhất định giữa phim chiếu rạp và phim chiếu mạng, cần giải pháp toàn cảnh hơn thì mới công bằng được.

Chẳng hạn, với phim chiếu rạp, việc kiểm duyệt rất vất vả, rất nhiều quy định. Còn với phim chiếu mạng thì việc phân loại quá nhẹ tay. Đặc biệt, phim YouTube đang rất tràn lan và được quản lý lỏng lẻo, lại có khả năng lan rộng hơn so với số lượng người mua vé xem phim rạp. Như vậy không công bằng lắm".

Còn bất lợi của phim chiếu mạng là gì? Theo ông Hoàng Quân, chính vì sự lỏng lẻo trong kiểm duyệt nên nhà phát hành cũng có rủi ro lớn về việc bị gỡ phim và xử phạt.

"Với phim rạp, trong quá trình kiểm duyệt, người ta có cơ hội chỉnh sửa để đưa phim ra rạp mà không bị phạt. Còn phim chiếu mạng là hậu kiểm. Trong trường hợp bị cấm chiếu, gỡ xuống, cấm phát hành thì tất cả những nỗ lực thành con số không" - ông Quân nói.

Xã hội góp phần sàng lọc

Về giải pháp, ông Hoàng Quân cho rằng mọi điều luật mới đều cần có thời gian làm quen, áp dụng. Chế tài cho phim chiếu mạng trong luật đã được quy định rõ. Nhưng hiện tại, trách nhiệm tự kiểm duyệt của người làm nội dung là rất lớn. Họ cần làm việc trách nhiệm hơn.

Bà Hằng Trịnh góp phần đưa nhiều phim Việt lên nền tảng VOD - Ảnh:  Đoàn phim cung cấp

Bà Hằng Trịnh góp phần đưa nhiều phim Việt lên nền tảng VOD - Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Ngày trước, việc kiểm duyệt phụ thuộc hầu hết vào một bộ phận, thì hiện nay, đó là sự kiểm duyệt chung của xã hội.

Nội dung nào không tốt, không được xã hội chấp nhận thì chắc chắn sẽ khó tồn tại.

Việc báo chí phản ánh những nội dung xấu, độc cũng nằm trong quá trình kiểm tra, đánh giá của xã hội.

Bà Hằng Trịnh cũng cho rằng không nên dồn trách nhiệm hậu kiểm vào một cơ quan, chẳng hạn Cục Điện ảnh:

"Không thể dồn tất cả phim chiếu mạng về một nơi để kiểm duyệt, như cổ chai vậy đó. Chúng ta đang nương tựa vào một số ít người để kiểm duyệt số lượng phim rất lớn.

Nhà nước có thể làm việc với các đơn vị phát sóng để tiêu chí phân loại phù hợp hơn, thực tế hơn. Thị trường sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc sàng lọc chất lượng phim. Luật về hậu kiểm vừa đưa vào áp dụng, cần đợi xem cách thực thi của các đơn vị phát hành như thế nào".


Để so sánh, khi phim Việt Nam chiếu trên các nền tảng VOD nước ngoài, nhà sản xuất cũng phải tuân thủ những quy định phát hành ở quốc gia đó.

Chẳng hạn, khi các phim của ProductionQ được đưa sang Singapore, Myanmar, Mỹ..., nếu một số phân cảnh bị đánh giá là không phù hợp thì vẫn phải chỉnh sửa trước khi chiếu.

Nhưng dù sao hệ thống phân loại ở các quốc gia đó đã được xây dựng ổn định và hợp lý nên điều này không gây ra rắc rối lớn cho phim Việt.

Netflix bị kiện vì ám chỉ một thợ lặn giết vợNetflix bị kiện vì ám chỉ một thợ lặn giết vợ

Netflix bị kiện vì No Limit - một phim hư cấu dựa trên chuyện có thật. Phim kể về một thợ lặn cố tình làm vợ mình chết đuối.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên