Sau khi Tuổi Trẻ Online có bài viết về tình trạng suy thoái của rạn san hô Hòn Chồng, ngày 24-7, Ban quản lý vịnh Nha Trang thông tin một số vấn đề liên quan đến sự suy thoái của rạn san hô ở khu vực biển Hòn Chồng và đề xuất hướng bảo vệ trong thời gian tới.
Nguyên nhân khiến san hô Hòn Chồng suy thoái
Theo Ban quản lý vịnh Nha Trang, khảo sát nhanh tại khu vực biển Hòn Chồng, cuối đường Đặng Tất đầu tháng 7-2023 cho thấy có một số khu vực rạn san hô bị tẩy trắng, gãy do cơ học, lưới đánh cá cũ mắc trên rạn nhưng không đáng kể.
Điều đáng chú ý là có nhiều hải miên (bọt biển), tảo xanh đang phát triển trên một số vùng rạn san hô đang sống và trên nền đáy san hô đã chết, có trầm tích bám lên rạn san hô.
Điều này cho thấy chất lượng nước trong khu vực có xu hướng giảm (hàm lượng trầm tích và chất dinh dưỡng trong nước tăng).
Theo đó, những tác động chính đến rạn san hô Hòn Chồng phải kể đến khu vực biển này chịu ảnh hưởng của các cống thoát nước mưa (cống Hòn Chồng, Đặng Tất và Hòn Một).
Khi có mưa lớn, cống thoát nước mưa chảy trực tiếp ra biển kéo theo lượng trầm tích ảnh hưởng trực tiếp đến san hô do vùng rạn gần sát với đất liền. Gần đây nhất vào tháng 5-2023 có tình trạng nước thải sinh hoạt ở cống Hòn Một chảy ra biển.
Theo bản đồ phân bố dòng chảy tầng mặt, vào mùa gió mùa tây nam, khu vực này chịu ảnh hưởng của lượng phù sa trên sông Cái chảy ra.
Hòn Một có bãi neo đậu tàu thuyền của ngư dân địa phương, rác thải trên tàu xả xuống biển.
Bãi tắm sát với rạn san hô nên người dân lội ra bắt cua, ốc… vào ngày nước thủy triều xuống thấp, mặc dù tổ tuyên truyền nhắc nhở và thu cua, ốc… thả xuống biển. Một số người dân vẫn còn chèo xuồng kayak ra vùng san hô.
Phân khu vực bảo vệ san hô và khu vực tắm biển
Ông Huỳnh Bình Thái - trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang - cho hay trước những nguy cơ tác động xấu đến hệ sinh thái san hô tại khu vực Hòn Chồng, ban đề xuất ý kiến đến cơ quan chức năng sớm thực hiện các giải pháp như khoanh vùng khu vực biển Hòn Chồng - Đặng Tất thành khu bảo vệ nghiêm ngặt.
Lắp đặt phao phân vùng và cắm biển cảnh báo để cảnh báo người dân không bơi, lội ra ngoài khu vực bãi tắm an toàn; tuần tra và xử lý các trường hợp bẻ san hô, bắt các loài thủy sản.
"Khu vực san hô dễ bị tổn thương nhất nằm ở gần bờ, san hô xa bờ ít chịu tác động hơn. Điểm đặc biệt của san hô Hòn Chồng là khu vực bãi triều lên xuống và là bãi tắm của người dân.
Vì vậy để bảo tồn san hô, ngoài phân vùng bảo vệ nghiêm ngặt san hô sẽ phân vùng lại bãi tắm cho người dân để tác động ít nhất đến san hô. Đặc biệt khi triều rút sẽ nghiêm cấm việc người dân leo ra đây bắt cá hoặc lội, tắm" - ông Thái nói.
Ban quản lý vịnh Nha Trang cũng đề xuất tổ chức các đợt thu dọn rác dưới đáy biển; kiểm tra các cống thoát nước mưa, không để tình trạng người dân đấu nối ống nước thải sinh hoạt với đường ống thoát nước mưa của thành phố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận