Công nhân thu gom rác thải nhựa và các vật dụng gia đình tại họng thoát nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Đặc biệt, rác thải nhựa là loại khó phân hủy nên vào những ngày trời mưa hoặc nắng nóng, mùi nước hôi thối bốc lên khắp nơi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, nên nếu muốn kênh sạch thì hãy bắt đầu bằng việc không còn rác thải nhựa.
Khó phân hủy, nghẽn dòng chảy, gây hại môi trường nước
Gia đình tôi hiện cư ngụ tại quận Gò Vấp, cạnh con kênh ngang qua đường Trần Bá Giao. Tại đây, cư dân chúng tôi phải chịu đựng mỗi ngày hàng đống rác thải nhựa trôi lềnh bềnh trên kênh, ngập tràn bên bờ kè.
Đặc biệt vào mùa nắng nóng, hàng loạt bao ni lông, chai nhựa, thùng xốp, lon bia... thi nhau nổi trên mặt nước đen ngòm, đặc quánh.
Tất nhiên tình trạng này kéo theo việc ruồi nhặng sinh sôi, bu bám thức ăn, làm ô nhiễm nguồn nước, gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xung quanh.
Các loại túi ni lông được làm từ các nguyên liệu khác nhau nhưng chủ yếu được sản xuất từ hạt nhựa polyetilen (PE) và polypropilen (PP) có nguồn gốc từ dầu mỏ nguyên chất cùng với một số hóa chất phụ gia khác nên khi không được phân hủy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước.
Tôi đã từng đọc một thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, ước tính mỗi ngày người dân ở TP thải ra hơn 9.000 tấn rác sinh hoạt, trong đó có 1.800 tấn rác thải nhựa (chiếm tỉ lệ hơn 20%).
Tuy vậy, chỉ có 200 tấn được thu hồi tái chế, chiếm khoảng 11% rác thải nhựa. Như vậy một lượng lớn rác thải bị xả ra đường phố, kênh rạch và các miệng cống. Chính điều này dẫn đến tình trạng tắc nghẽn các đường thoát nước, góp phần gây ngập nặng hơn mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường.
Thế giới ứng xử thế nào với đồ nhựa?
Có thể thấy, trước mắt không chỉ riêng ở nước ta mà cả thế giới vẫn còn phải phụ thuộc vào các đồ dùng, vật dụng làm bằng nhựa để phục vụ đời sống.
Tuy nhiên, một số quốc gia đã tìm được biện pháp xử lý vấn đề này. Điển hình như ở Na Uy, vòng đời của một chai nhựa có thể lên đến 50 lần tái chế.
Để kêu gọi sự chung tay của mọi người nhằm bảo vệ môi trường, Chính phủ Na Uy đang tiến hành đánh thuế các sản phẩm nhựa.
Điều này sẽ giúp tăng cường ý thức của người dân trong quá trình sử dụng các vật phẩm bằng nhựa, thay thế vật dụng bằng các nguyên liệu khác, hạn chế xả rác thải nhựa ra môi trường bên ngoài.
Đức được coi là nước hàng đầu châu Âu trong việc xử lý, tái chế rác thải nhựa. Đặc biệt, nước này sử dụng rất ít nhựa nguyên sinh và có chính sách đồng bộ sử dụng chai nhựa.
Đức áp dụng chính sách mua một đồ uống chai nhựa thì người tiêu dùng sẽ phải trả tiền thêm cho một chai nhựa nữa.
Sau có đó thể đem chai đến siêu thị, cửa hàng... để được nhận lại tiền. Mục tiêu đề ra của Đức là cố gắng tái chế sử dụng được 98% số chai nhựa trong các siêu thị, tăng cường sử dụng bao bì thân thiện với môi trường...
Trở lại với thực tế này ở nước ta, mỗi năm TP.HCM phải chi rất nhiều ngân sách cho việc xử lý rác, nhất là rác thải nhựa trên các kênh rạch, sông ngòi.
Từ việc thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi, nhiều người đã góp phần biến nhiều kênh rạch của TP.HCM thành những con kênh đen, gây ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của cộng đồng.
Dù biết rằng loại rác nào cũng độc hại, nhưng rõ ràng rác thải nhựa là vấn đề khó xử lý và gây hại lâu dài cho môi trường sống.
Tôi rất hy vọng cơ quan chức năng phối hợp chính quyền địa phương triển khai chặt chẽ việc phân loại rác tại nguồn, xử phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi xả rác, đặc biệt rác thải nhựa, đang gây ô nhiễm trầm trọng ở các dòng kênh.
TP.HCM dừng sản xuất bao bì nhựa, dừng nhập khẩu sản phẩm nhựa dùng một lần
UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trên địa bàn TP.HCM giai đoạn năm 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, TP.HCM phấn đấu đến năm 2030 hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học. Dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa...
Đồng thời, TP.HCM sẽ giảm thiểu 75% chất thải nhựa phát sinh trên biển Cần Giờ. Yêu cầu thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 100% ngư cụ khai thác thủy sản thải bỏ, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển Cần Giờ. (LÊ PHAN)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận