08/10/2019 14:48 GMT+7

Cái ôm gây tranh cãi giữa thẩm phán da màu và bị cáo da trắng

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Một người là cựu cảnh sát da trắng, mang tội sát nhân vì bắn chết một người da màu. Người kia là một thẩm phán da màu chủ trì phiên xét xử. Trước mọi chỉ trích, nữ thẩm phán nhẹ nhàng khuyên răn nữ bị cáo.

Cái ôm gây tranh cãi giữa thẩm phán da màu và bị cáo da trắng - Ảnh 1.

Thẩm phán Tammy Kemp (phải) ôm và động viên bị cáo Amber Guyger sau phiên xét xử - Ảnh chụp màn hình AP

Sự việc thu hút sự chú ý của dư luận Mỹ trong bối cảnh những căng thẳng giữa người da màu và cảnh sát da trắng được ví như "thùng thuốc súng" sẵn sàng bùng nổ khi có mồi lửa.

Vụ án của Amber Guyger, cựu cảnh sát thành phố Dallas, là một trong nhiều minh chứng cho bi kịch súng đạn ở Mỹ.

Buổi tối tháng 9-2018, sau một ca làm việc dài và mệt mỏi, sĩ quan cảnh sát Guyger đẩy cửa bước vào căn hộ của mình.

Cửa mở toang và nữ cảnh sát thấy một gã đàn ông da màu lạ hoắc đang ngồi trong nhà mình. Cho rằng đó là trộm, Guyger rút súng và bắn chết người này. Nhưng điều tai hại nhất không dừng ở đây.

Chính Guyger đã đi nhầm nhà và nổ súng giết chết người hàng xóm của mình. Căn hộ của cô nằm ngay bên dưới căn hộ của nạn nhân Botham Jean khi đó đang là một nhân viên kế toán cần mẫn 26 tuổi.

Nữ cảnh sát thừa nhận sự nhầm lẫn đã dẫn tới sai sót chết người. Cô bị tuyên án 10 năm tù trong phiên tòa ngày 2-10 do thẩm phán Tammy Kemp chủ trì. Cái ôm của hai người đã trở thành chuyện gây tranh cãi, buộc thẩm phán Kemp phải lên tiếng ngày 7-10.

Kemp, nữ thẩm phán da màu, tâm sự cô chưa từng nói mình theo Kito giáo và đưa Kinh thánh cho bất kỳ bị cáo nào trước đây nhưng Guyger đã khiến bà mủi lòng. Cựu cảnh sát đã suy sụp vào phút chót và nói rằng không biết liệu Chúa có tha thứ cho hành động đáng trách của mình hay không.

"Tôi không thể từ chối một cái ôm. Tôi sẽ vô cùng khó hiểu nếu người ta giận dữ với hành động của tôi vì niềm tin tôn giáo hay sự khác biệt chủng tộc", bà Kemp tâm sự với Hãng thông tấn AP.

Cái ôm gây tranh cãi giữa thẩm phán da màu và bị cáo da trắng - Ảnh 2.

Anh trai nạn nhân ôm cựu cảnh sát và nói lời tha thứ cho tội lỗi của cô - Ảnh chụp màn hình AP

Phóng viên AP đã tường thuật lại sự việc: Sau khi tòa kết thúc tuyên án, người thân của nạn nhân được phép nói chuyện trực tiếp với bị cáo.

Brandt Jean, anh trai của Botham Jean, nói anh tha thứ cho cựu cảnh sát, rằng em trai anh sẽ rất vui nếu cựu cảnh sát dành cuộc đời còn lại vì Kito giáo. Cả hai bước đến và ôm chầm nhau trong nước mắt.

Nữ thẩm phán bước xuống và đứng trước bục bị cáo, đối diện với Guyger, người mà bà miêu tả là đã thay đổi hoàn toàn từ sau sự cố.

"Cô ấy hỏi có thể ôm tôi được không và hỏi đến hai lần", bà Kemp kể lại. Sau thoáng chút do dự, nữ thẩm phán da màu đã ôm lấy cựu cảnh sát da trắng và đọc một dòng trong kinh thánh nói rằng Chúa vẫn sẽ che chở cho cô.

Cái ôm đã khiến bà Kemp nhận gạch đá. Họ nhấn mạnh việc một thẩm phán ôm bị cáo và đọc kinh thánh là hành động phi đạo đức. Một nhóm người thậm chí còn đệ đơn khiếu nại, yêu cầu mở một cuộc điều tra vì hành vi trái với tư pháp của nữ thẩm phán.

"Nếu cô ấy đã quyết định bắt đầu cuộc đời mới bằng Kinh thánh, tôi sẽ không để cô ấy quay lại nhà tù một lần nữa, chìm trong sự tự trách bản thân và nghi ngờ. Cô ấy vẫn còn nhiều cuộc đời mới phía trước và tôi hi vọng đó sẽ là những cuộc đời có chủ đích", nữ thẩm phán trải lòng với AP.

Người da màu bị bắn chết trong dịp tưởng niệm Luther King Người da màu bị bắn chết trong dịp tưởng niệm Luther King

TTO - Nước Mỹ đang trong thời điểm tưởng niệm 50 năm mục sư da màu Martin Luther King qua đời. Vậy mà lại xảy ra vụ bắn chết người da màu khiến cộng đồng da màu lại sôi sục.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên