Phóng to |
Người dân xã Yên Lâm, huyện Yên Định (Thanh Hóa) căng lều canh “vật chứng” là các hố chôn lấp thùng đựng hóa chất độc hại tại Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái - Ảnh: Hà Đồng |
Về mặt lý thuyết, một khi được sửa, luật phải hoàn thiện hơn: những khuyết tật đã bộc lộ trong quá trình áp dụng luật được khắc phục; luật trở nên chặt chẽ, hợp lý, khả thi hơn và nhất là làm cho tình hình chuyển biến tích cực hơn. Luật bảo vệ môi trường sau mỗi lần sửa đổi phải trở thành khung pháp lý vững chắc hơn trước, bảo đảm tốt sự toàn vẹn của môi trường sống, nhất là cho phép hạn chế, ngăn chặn, xử lý hữu hiệu hơn các vụ xâm hại môi trường.
Luật hiện hành có ghi nhận khả năng quy trách nhiệm hình sự của cá nhân trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, còn đối với pháp nhân thì không. Rốt cuộc, các vi phạm pháp luật môi trường, dù nghiêm trọng đến mức nào, cho đến nay chỉ bị xử phạt về mặt hành chính |
Nhưng sự thật là sau bao nhiêu lần sửa đổi luật, môi trường vẫn tiếp tục bị hủy hoại nặng nề. Thậm chí xét về tần suất, mức độ tinh vi, tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm pháp và những thiệt hại gây ra thì các ghi nhận của năm sau còn cao hơn năm trước.
Nhiều người đã nói nhiều về những điểm bất hợp lý của luật hiện hành, bao gồm luật và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Nhưng việc sửa luật ở các điểm này vẫn chưa được thực hiện hoặc chỉ được làm chiếu lệ.
Trong phần lớn các trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng về bảo vệ môi trường, hành vi vi phạm không được coi là hành vi của cá nhân người đứng đầu doanh nghiệp, cũng không phải của người thừa hành ở các vị trí cụ thể, nó được gán cho doanh nghiệp, nghĩa là do doanh nghiệp thực hiện.
Thông thường doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, là một tổ chức được hình dung như một con người, có tài sản, có quyền ứng xử và có khả năng tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Đáng lý ra, cũng giống như người, pháp nhân cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự một khi có hành vi vi phạm luật hình. Tất nhiên không ai bỏ tù được pháp nhân, nhưng ở các nước người ta có thể áp dụng những chế tài vật chất như phạt tiền, tịch thu tài sản hoặc cấm cửa vĩnh viễn đối với pháp nhân trong một lĩnh vực hoạt động nào đó. Những biện pháp trấn áp mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của pháp nhân có thể khiến doanh nghiệp, đúng hơn là những con người cụ thể trong doanh nghiệp, run sợ và không dám tái phạm.
Hiện nay, biện pháp chế tài hành chính nặng nhất là phạt tiền. Một cách hợp lý, đã gọi là phạt thì số tiền chi trả phải lớn hơn, thậm chí gấp nhiều lần số lợi thu được, thì tính chất “phạt” mang ý nghĩa răn đe mới rõ ràng. Tuy nhiên, không ít vụ vi phạm pháp luật môi trường đem lại cho doanh nghiệp nhiều tỉ đồng nhờ không phải chi phí cho những việc phải làm, như bảo đảm điều kiện vệ sinh, xử lý chất thải. Trong khi đó, mức phạt tiền nặng nhất hiện nay chỉ là 500 triệu đồng.
Đáng nói nữa là tình trạng nhờn luật. Lần đầu có hành vi xâm hại môi trường, người vi phạm nhận một chế tài, đối với họ, chấp nhận được; tái phạm, họ lại bị chế tài và vẫn sống sót, khỏe. Theo thời gian, người vi phạm phát hiện rằng trong khung cảnh pháp lý, những lỗi lầm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có thể được chuộc lại dễ dàng bằng một số tiền, gọi là tiền phạt; đôi khi kèm theo đó là tạm đóng cửa doanh nghiệp trong một thời gian. Hơn nữa, nếu khéo xoay xở thì số tiền nộp phạt có thể nhỏ hơn nhiều so với số lợi thu được từ hành vi trái pháp luật.
Vậy thì tội gì mà không làm trái. Các vi phạm có hệ thống, lặp đi lặp lại và kéo dài trong nhiều năm của Hào Dương, mà báo chí, công luận phanh phui trong thời gian gần đây, là ví dụ tiêu biểu về kiểu suy nghĩ và ứng xử này. Và đâu chỉ có Hào Dương: những dòng sông, kênh, rạch chết, những làng ung thư xuất hiện ngày càng nhiều cho thấy có hẳn một trào lưu, xu thế trục lợi trên sức khỏe, sinh mệnh của môi trường sống và của con người đáng báo động đỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận