22/07/2010 07:56 GMT+7

Cái bẫy hư danh

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TT - Bài viết “Nhiếp ảnh Việt Nam và những ngộ nhận” (Tuổi Trẻ ngày 21-7) đã thẳng thắn phanh phui một căn bệnh nặng của giới nghệ thuật nước ta. Căn bệnh háo danh, chuộng ngoại, thiếu thông tin. Không riêng gì nhiếp ảnh với FIAP.

Thật lạ là trong thời đại thông tin này, chỉ một cú nhấp chuột vào Google là ra hàng loạt dữ kiện, tư liệu về bất cứ một sự kiện gì, một tổ chức nào, một tác giả tác phẩm nào, vậy mà người ta không làm, người ta lơ đi, người ta cứ phỉnh nịnh nhau, lừa dối nhau, giả trá với nhau khiến lẫn lộn giá trị, và nguy hại hơn, làm băng hoại cả một nền văn học nghệ thuật. Tôi không nói quá.

Trong chiến tranh, khi đất nước còn bị cách biệt với thế giới bên ngoài, khi bản thân chúng ta có lúc có nơi còn cần đến những giá trị cổ vũ, động viên thì tâm lý “ta là ta mà vẫn cứ mê ta” có thể hiểu được và thông cảm. Nhưng thời nay, khi đất nước mở cửa hòa nhập đi ra biển lớn thế giới thì mọi sự ngộ nhận, nhập nhằng, “lập lờ đánh lận con đen” đều trước hết là ta hại ta, ta hạ giá ta, sau đó là làm thế giới xem thường, rẻ rúng ta.

Sự phân biệt chuyên nghiệp và nghiệp dư là dấu chỉ đẳng cấp. “Muốn bình đẳng phải đồng đẳng”, ta không thể chơi được với người trên sân chơi chuyên nghiệp khi ta đang tự đứng, tự mãn và tự dối mình ở sân chơi nghiệp dư.

Văn học nghệ thuật nước ta lâu nay vẫn bị kêu là thiếu chuyên nghiệp, là sáng tạo thưởng thức theo kiểu nghiệp dư, và tình trạng này cứ kéo dài đến mức người ta không thấy mình là nghiệp dư nữa, cứ tưởng mình đã chuyên nghiệp. Nguy hại hơn, người ta lại lấy cái nghiệp dư làm mẫu, làm đích để phấn đấu, cổ vũ, hô hào lên chuyên nghiệp, người ta căn cứ vào cái nghiệp dư như chuẩn mực để xét giải thưởng, phong tặng danh hiệu.

Nguyên nhân chuyện này thì có nhiều nhưng có một nguyên nhân chính là sự ngộ nhận những danh hiệu, những giải thưởng, những phong tặng từ nước ngoài. Không phải các tổ chức nước ngoài họ chơi khăm, chơi xỏ gì ta; quy định, điều lệ, nguyên tắc, luật lệ của họ có đủ cả, rành mạch, rõ ràng. Người ta đến với họ, tham gia với họ cũng biết cả đấy, đọc cả đấy, thâm tâm cũng ý thức được vị thế và vị trí mình ở đâu trong các cuộc thi, cuộc diễn này nọ.

Vậy nhưng về nước thì người ta không thắng nổi tâm lý khoe khoang, tâm lý háo danh. Và người ta cứ mãi loay hoay trong cái hư danh mang nhãn mác “nước ngoài nghiệp dư” như bị mắc vào một cái bẫy khó thoát ra. Cho nên người ta mới dễ bị lừa bởi những cá nhân, tổ chức “nghiệp dư đánh quả”, như kiểu từ điển Who’s who.

Thảm hại hơn là có những người đã từng cầm cái kỷ niệm chương ở một liên hoan phim thể thao về hô hoán ở nhà là huy chương Cành cọ vàng. Nói chi đến một liên hoan phim như Cannes thì có mặt ở đó cũng ba bảy tư cách, tư thế, không dễ nói một câu “tôi đã dự liên hoan phim Cannes” cứ như thể là khách mời chính thức của ban tổ chức.

Pablo Picasso có phân biệt thợ vẽ (painter) và họa sĩ (artist) như sau: thợ vẽ là người vẽ cái hắn bán, còn họa sĩ là người bán cái hắn vẽ. Chuyên nghiệp là họa sĩ. Nghiệp dư là thợ vẽ. Người bán được nhiều tranh chắc gì là họa sĩ. Tiếc rằng văn học nghệ thuật ta hiện nay đang kha khá nhiều thợ vẽ mà tự coi/được coi là họa sĩ. Từ painter sang artist ngắn chỉ một bước chân nhưng dài cả một con đường. Hãy mong cho các văn nghệ sĩ nước ta đang vào kỳ đại hội các hội nghề nghiệp sẽ cùng nhau ý thức được tỉnh táo hơn sân nghề của mình là chuyên nghiệp chứ không phải nghiệp dư.

Ngó sang bóng đá coi. Ông Fabio Capello chuyên nghiệp là thế mà cay cú trước thất bại của đội tuyển Anh đã nói ra một lời bào chữa rất nghiệp dư khi đổ lỗi cho Giải ngoại hạng Anh khốc liệt đã rút cạn sức lực của các cầu thủ. Chuyên nghiệp là khó thế đấy. Mà tránh cái bẫy hư danh cũng khó làm sao!

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên