Theo các chuyên gia, cách làm của Q.Thủ Đức chưa đúng trong thực tế lẫn cả về lý thuyết.
* KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG (Hội Kiến trúc sư TP.HCM):
Cụ thể hóa quy hoạch 1/2000
Cách áp dụng mật độ xây dựng như Q.Thủ Đức là rất máy móc. Trong một khu vực hay một con đường có miếng đất rộng 300m2 nhưng có lô đất chỉ rộng 50m2 mà áp dụng cách tính mật độ xây dựng như vậy thì sau khi xây dựng, nhìn mặt tiền đường rất nhếch nhác, xấu xí.
Quy hoạch 1/2000 chỉ tính mật độ xây dựng chung, chứ không tính mật độ cho từng lô đất. Trong quy hoạch 1/2000 có những chỉ tiêu như dân số, mật độ cây xanh, giao thông, công trình công cộng...
Từ quy hoạch 1/2000, các quận mới tính chi tiết ra khu vực dành đất chỗ nào cho công viên, nơi nào đất dự trữ, chỗ nào làm giao thông, trường học và khu vực dành cho đất ở. Với diện tích đất ở đó, cho từng ấy dân số mới tính ra mật độ, hệ số xây dựng cho từng khu ở ra sao...
Không ai đem áp mật độ xây dựng của toàn khu cho từng lô đất. Nếu cần thiết thì UBND các quận, huyện nên xây dựng những tiêu chí quy hoạch xây dựng cơ bản chung để quản lý xây dựng trong đô thị.
* KTS VÕ KIM CƯƠNG (nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP):
Q.Thủ Đức làm không đúng
Cách lấy chỉ tiêu mật độ từ đồ án 1/2000 để áp dụng máy móc cho từng lô đất như Q.Thủ Đức là không đúng.
Từ đồ án 1/2000, UBND quận phải làm thêm quy hoạch 1/500 để công bố trở lại, cụ thể hơn cho từng lô đất, xác định chỗ nào là đường, cây xanh, xác định nền nhà cụ thể, xác định mật độ xây dựng của từng nền nhà.
Ví dụ như quy hoạch 1/2000 quy định toàn khu có mật độ xây dựng là 40% thì những khu nhà giáp mặt phố có thể được xây dựng với mật độ lên đến 100%, những khu khác như công viên cây xanh thì mật độ xây dựng thấp (5% chẳng hạn), còn đường giao thông thì mật độ xây dựng là 0%... Làm sao để trung bình cộng mật độ xây dựng của toàn khu vực bảo đảm chỉ tiêu 40%.
Hiện nay, quy định bắt buộc các quận phải làm quy hoạch 1/500 mới có cơ sở để cấp giấy phép xây dựng. Chính UBND các quận phải làm việc này.
Những khu vực đã có sẵn đường giao thông, cấp điện, nước thì có thể áp dụng quy chuẩn về nhà liên kế của Bộ Xây dựng hoặc các quyết định 135, 45 của UBND TP về thiết kế nhà liên kế để xác định các tiêu chí quy hoạch cơ bản như tầng cao, khoảng lùi, mật độ, vạt góc...
Còn những khu vực đất trống lớn, chưa có hạ tầng thì nhất quyết phải làm quy hoạch 1/500 trước khi cho xây dựng. Các cơ quan chuyên môn và UBND các quận, huyện phải lập đồ án quy hoạch 1/500. Đừng nói thấy khó quá mà không làm. Đây là quy định bắt buộc của Luật xây dựng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận