14/06/2023 21:02 GMT+7

Các nước láng giềng Ấn Độ phẫn nộ vì... một bức tranh tường

Bức tranh tường bên trong tòa nhà Quốc hội Ấn Độ chứa bản đồ về một nền văn minh Ấn Độ cổ đại, trải rộng trên khu vực gồm cả Pakistan, Bangladesh, Nepal ngày nay.

Các nước láng giềng Ấn Độ phẫn nộ vì... một bức tranh tường - Ảnh 1.

Quang cảnh tòa nhà Quốc hội mới của Ấn Độ tại New Delhi - Ảnh: HINDUSTAN TIMES

Theo Đài CNN hôm 13-6, một bức tranh tường bên trong tòa nhà Quốc hội mới xây trị giá 110 triệu USD của Ấn Độ đang khiến các nước láng giềng ở khu vực Nam Á phẫn nộ. 

Pakistan, Nepal và Bangladesh đòi New Delhi giải thích về vụ việc.

Bức tranh tường này chứa bản đồ về một nền văn minh Ấn Độ cổ đại, trải rộng trên khu vực gồm cả Pakistan (ở phía bắc) và Bangladesh, Nepal (ở phía đông) ngày nay.

Giải thích trước báo giới hồi đầu tháng này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho biết bản đồ này khắc họa Đế chế Ashoka cổ đại và tượng trưng cho "ý tưởng về quản trị có trách nhiệm và hướng tới người dân mà vua Ashoka (A Dục vương) đã thông qua và truyền bá".

Tuy nhiên, đối với một số chính khách đến từ Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền của Ấn Độ, bản đồ trên dường như đại diện cho một tầm nhìn về tương lai. Đó là tầm nhìn về cái gọi là "Akhand Bharat" (Ấn Độ không bị chia cắt), theo đó hợp nhất Ấn Độ với Afghanistan, Pakistan, Nepal, Bangladesh và Myanmar.

"Quyết tâm rất rõ ràng. Akhand Bharat" - ông Pralhad Joshi, bộ trưởng Các vấn đề Quốc hội Ấn Độ, đăng lên mạng xã hội Twitter kèm ảnh chụp bản đồ trên. 

Còn nghị sĩ BJP Manoj Kotak viết trên Twitter: "Akhand Bharat bên trong tòa nhà Quốc hội mới. Nó đại diện cho Ấn Độ hùng mạnh và tự lực của chúng ta".

Các nước láng giềng Ấn Độ phẫn nộ vì... một bức tranh tường - Ảnh 2.

Bức tranh tường bên trong tòa nhà Quốc hội mới của Ấn Độ - Ảnh: CNN/TWITTER

Tuy nhiên, các nước láng giềng của Ấn Độ phản đối khái niệm "Akhand Bharat", cho rằng đây là biểu hiện của tư duy bành trướng. Pakistan cho biết họ "kinh hoàng trước những phát ngôn" về bức tranh tường nói trên, còn Bangladesh yêu cầu New Delhi làm rõ về vụ việc.

Cựu thủ tướng Nepal Baburam Bhattarai cảnh báo bản đồ trong bức tranh tường này có thể gây ra "cuộc tranh cãi ngoại giao tai hại và không cần thiết".

Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng lời kêu gọi của các chính trị gia BJP về việc ủng hộ "Akhand Bharat" là nguy hiểm.

Khi được hỏi về phản ứng dữ dội của các bên, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar khẳng định vụ bản đồ bên trong tòa nhà Quốc hội Ấn Độ đã được New Delhi làm rõ và vấn đề "không mang tính chính trị".

Đã xác định nguyên nhân vụ tai nạn đường sắt ở Ấn ĐộĐã xác định nguyên nhân vụ tai nạn đường sắt ở Ấn Độ

Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ đã công bố nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn đường sắt thảm khốc khiến gần 300 người chết và hơn 850 người bị thương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên