08/01/2025 09:59 GMT+7

Các nước cảnh giác với vi rút HMPV

NGHI VŨ
và 1 tác giả khác

Dù các chuyên gia khẳng định không cần hoảng sợ về vi rút HMPV, người thuộc nhóm nguy cơ cao vẫn cần đặc biệt cẩn trọng bảo vệ sức khỏe.

Các nước cảnh giác với vi rút HMPV - Ảnh 1.

"Đừng hoảng sợ" - thông điệp từ một giáo viên Trường Nghệ thuật Gurukul (Lalbaug) sau khi Ấn Độ ghi nhận các ca nhiễm HMPV - Ảnh: ANI

Đầu năm 2025, các ca nhiễm vi rút metapneumovirus ở người (HMPV) bùng phát tại Trung Quốc, chủ yếu ở trẻ em, khiến nhiều nước láng giềng như Malaysia, Ấn Độ và Kazakhstan phải tăng cường giám sát dịch bệnh. 

Tình hình này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế về một loại vi rút tuy không mới nhưng có khả năng gây ra các đợt bùng phát đáng kể.

Các nước siết chặt giám sát

Theo truyền thông Trung Quốc, các ca mắc HMPV được phát hiện ở nhiều địa phương, từ thủ đô Bắc Kinh đến các tỉnh phía nam như Trùng Khánh và Quảng Đông. Chính quyền Bắc Kinh đã nhanh chóng ban hành khuyến cáo phòng dịch, trong đó nhấn mạnh việc rửa tay thường xuyên và tăng cường hệ miễn dịch. 

Đáng chú ý, theo Reuters, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc thông báo sẽ triển khai hệ thống mới để giám sát các bệnh hô hấp "không rõ nguồn gốc". Song song với động thái này, CDC Mỹ cũng khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của HMPV tại Mỹ và thường xuyên cập nhật tình hình cho công chúng.

Tại Ấn Độ, trong hai ngày 6 và 7-1 nước này ghi nhận tổng cộng bảy ca nhiễm mới tại nhiều bang khác nhau. Ngày 7-1, một phòng xét nghiệm tư nhân tại thành phố Nagpur, bang Maharashtra xác nhận hai ca mắc HMPV ở trẻ em và cả hai đã hồi phục xuất viện. Trước đó một ngày, năm ca nhiễm được phát hiện tại các bang Karnataka, Ahmedabad và Tamil Nadu, đa phần cũng là trẻ nhỏ.

Bà Punya Salila Srivastava, quan chức thuộc Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ, nhấn mạnh: "Không có lý do gì để lo ngại về HMPV khi vi rút này đã xuất hiện toàn cầu từ năm 2001". Tuy nhiên bà khuyến cáo các bang cần tăng cường theo dõi các ca bệnh giống cúm và bệnh hô hấp cấp tính nặng, đặc biệt trong các tháng mùa đông.

Phản ứng nhanh chóng với tình hình, bang Uttarakhand đã ban hành khuyến cáo phòng ngừa và kiểm soát các bệnh đường hô hấp, bao gồm cả cúm theo mùa và HMPV. Bang này yêu cầu các bệnh viện phải đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất như giường cách ly, giường oxy, giường ICU, máy thở và bình oxy để sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân.

Tại bang Uttar Pradesh, quan chức y tế Brajesh Pathak cam kết với người dân: "Không có lý do gì để hoảng sợ. Chính quyền đang có sự cảnh giác cao và đã sẵn sàng cho mọi tình huống", theo thông tin từ Hãng tin Asian News International.

Chuyên gia quốc tế: "Không cần hoảng sợ"

Theo báo Independent, mặc dù xuất hiện nhiều video về cảnh phòng cấp cứu đông đúc ở miền bắc Trung Quốc, gợi nhớ thời kỳ đại dịch COVID-19, Bộ Ngoại giao nước này đã bác bỏ thông tin về sự gia tăng đột biến các ca nhiễm HMPV. Họ khẳng định "dịch bệnh không nghiêm trọng và có quy mô nhỏ hơn năm trước", đồng thời giải thích rằng các bệnh hô hấp thường đạt đỉnh vào mùa đông.

GS William Schaffner, bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm từ Trung tâm y tế Đại học Vanderbil (Mỹ), nhận định: "Ở châu Á đang có đợt bùng phát lớn, thậm chí có thể gọi là đợt dịch metapneumovirus". Tuy nhiên ông nhấn mạnh chỉ những người thuộc nhóm nguy cơ cao mới cần đặc biệt cẩn trọng, bao gồm người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và trẻ em dưới 5 tuổi.

Hiệp hội Phổi Mỹ cũng đưa ra cảnh báo đối với những người mắc bệnh hô hấp mạn tính như hen suyễn hoặc khí thũng, vì họ có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn khi nhiễm HMPV, theo báo The Hill.

TS John Williams, bác sĩ nhi khoa và giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), cho biết vi rút HMPV đã lưu hành ít nhất 60 năm. 

"HMPV gây ra các đợt dịch theo mùa hằng năm, tương tự như vi rút cúm và RSV. Điển hình của mùa HMPV là từ cuối đông đến đầu xuân. Vì vậy đây không hoàn toàn là điều bất ngờ", ông Williams khẳng định. Về lo ngại khách du lịch từ các nước có tỉ lệ lây nhiễm cao có thể mang HMPV đến Mỹ, GS Schaffner thẳng thắn: "Vi rút đã có sẵn ở đây rồi".

Theo các chuyên gia, HMPV lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh hoặc qua các bề mặt nhiễm vi rút và hiện chưa có vắc xin phòng ngừa. TS Carla Garcia Carreno, giám đốc phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn tại Trung tâm Y tế trẻ em ở Plano, Texas (Mỹ), khuyến nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa tương tự như với COVID-19. 

"Nếu ai đó bị bệnh hãy cố gắng tránh tụ tập đông người để không lây nhiễm cho mọi người, đặc biệt với những người có nguy cơ cao. Nếu buộc phải ra ngoài, cần đeo khẩu trang, che miệng khi ho hắt hơi và rửa tay thật sạch", bà nhấn mạnh.

Vi rút HMPV từng được phát hiện tại TP.HCM

Sở Y tế TP.HCM xác nhận vi rút HMPV đang lây lan ở Trung Quốc không phải là mới và đã được phát hiện tại TP. Theo Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford và các đối tác, HMPV chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ (12,5%) trong các ca viêm phổi ở trẻ em, thấp hơn nhiều so với các tác nhân khác như H. influenzae (71,4%) hay RSV (41,1%).

Mặc dù bệnh hô hấp có xu hướng tăng trong thời tiết lạnh, chưa có biến động bất thường về số ca mắc và mức độ nghiêm trọng. Vi rút HMPV lây qua đường hô hấp, gây các triệu chứng như ho, sổ mũi, sốt và hiện chưa có vắc xin phòng ngừa.

Sở Y tế vẫn duy trì giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh.

Các nước cảnh giác với vi rút HMPV - Ảnh 2.Vi rút HMPV đang gây dịch ở Trung Quốc không mới, từng được phát hiện tại TP.HCM

Sở Y tế TP.HCM thông tin, vi rút HMPV tại Trung Quốc không phải là vi rút mới, đây là một trong những tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em trong các năm 2023 và 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên