29/11/2017 11:42 GMT+7

Các nghị quyết Trung ương 6 'vừa cơ bản, vừa cấp bách'

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - 4 nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 đề cập nhiều vấn đề rộng lớn, hệ trọng của đất nước - trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng nói.

Các nghị quyết Trung ương 6 vừa cơ bản, vừa cấp bách - Ảnh 1.

Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng - Ảnh: N.B

Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Bí thư về học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, khóa XII khai mạc sáng nay 29-11, dự kiến diễn ra trong 1,5 ngày, với sự tham dự của đông đảo cán bộ chủ chốt các ban, bộ, ngành trung ương và tất cả các tỉnh, TP tại các đầu cầu địa phương. 

Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng yêu cầu việc học tập, quán triệt phải tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện.

"Lắng nghe, đào sâu nghiên cứu"

"Bốn nghị quyết mà Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 ban hành là những quyết sách quan trọng của Đảng, đề cập đến nhiều vấn đề rộng lớn, hệ trọng của đất nước, vừa cơ bản, vừa cấp bách và là sự cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra", ông Thưởng nhấn mạnh.

Trưởng ban Tuyên giáo trung ương nhắc lại 4 nghị quyết, gồm: Nghị quyết về "một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; Nghị quyết về "tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập";

Nghị quyết về "tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới"; Nghị quyết về "công tác dân số trong tình hình mới".

Ông Võ Văn Thưởng đề nghị các đại biểu "tập trung lắng nghe, đào sâu nghiên cứu, nắm thật chắc những nội dung cơ bản của các nghị quyết, nhất là những điểm mới, những luận điểm cốt lõi, thể hiện sự phát triển về nhận thức và lý luận của Đảng trong các vấn đề".

Không những thế, còn "đòi hỏi mỗi tập thể, cá nhân từ vị trí, trách nhiệm và yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, liên hệ với tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, đề ra biện pháp, xây dựng lộ trình, bố trí nguồn lực, phân công trách nhiệm, xác định quyết tâm, nỗ lực hành động đưa nghị quyết vào cuộc sống".

Các nghị quyết Trung ương 6 vừa cơ bản, vừa cấp bách - Ảnh 2.

Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính - Ảnh: LÊ KIÊN

Bộ máy còn chồng chéo, giẫm chân nhau

Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính "mở hàng" hội nghị học tập, quán triệt bằng việc giới thiệu, phân tích nội dung "một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

"Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, hành động phải quyết liệt thì mới tạo chuyển biến được", ông Phạm Minh Chính lưu ý.

Đề cập đến thực trạng tổ chức bộ máy, ông Chính cho biết các nước trên thế giới trung bình có 12-16 bộ, trong khi Chính phủ Việt Nam hiện có 22 bộ, cơ quan ngang bộ. "Trong số những nước có điều kiện tương đồng về dân số, quy mô lãnh thổ, nước ta vẫn là nước có số đầu mối bộ, ngành cao nhất", ông nói.

Đối với hệ thống chính quyền địa phương, năm 1986, thời điểm bắt đầu đổi mới, cả nước có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, đến nay đã có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Sau 30 năm đổi mới, số đơn vị hành chính cấp tỉnh tăng thêm 19, tăng 178 đơn vị cấp huyện, 1136 đơn vị cấp xã.

Một thực trạng tương đối phổ biển đang diễn ra ở một số cơ quan nhà nước là chưa phân cấp mạnh mẽ, còn có biểu hiện làm thay việc hoặc bỏ sót việc. "Nhiều cơ quan mà cùng làm một việc thì dễ bỏ sót, lại dễ chồng chéo, dẫm chân nhau", ông Chính nêu.

Hơn nữa, sự khác biệt giữa các đơn vị hành chính về quy mô dân số, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội lại chưa được làm rõ.

Ông Chính phân tích: "Phân định chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo tuy Hiến pháp 2013 đã quy định, nhưng Luật Chính quyền địa phương lại chưa thể hiện rõ. Việt Nam hiện nay có 80 huyện đảo, tôi lấy ví dụ như tòa án, viện kiểm sát vẫn phải có bộ máy nhưng cả năm không có việc gì làm. Nhưng mô hình thì vẫn như trong đất liền".

Ông nêu ví dụ trước đây quyết định Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, khi đặt vấn đề thì rất nhiều khó khăn, từ truyền thống văn hoá, đến tổ chức cán bộ, nhưng Trung ương quyết định là sáp nhập để mở rộng không gian phát triển.

"Sau 5 năm sáp nhập, tổng kết lại thì khẳng định tính đúng đắn, mọi khó khăn đều được vượt qua", trưởng ban Tổ chức trung ương nhận xét.

Hội nghị trung ương 6: Mở đường cho cải cách sâu rộng hơn Hội nghị trung ương 6: Mở đường cho cải cách sâu rộng hơn

TTO - Vấn đề kiên quyết tinh gọn bộ máy mà Hội nghị trung ương 6 đặt ra cần được hiểu như một cải cách chính trị then chốt, mở đường cho cải cách khác sâu rộng hơn.

Đã có ai bị kỷ luật vì để tăng biên chế?

Về tình trạng biên chế có xu hướng phình ra, giảm biên chế rất khó khăn, cả nghị quyết Trung ương và nghị quyết Quốc hội đều đã đề cập rõ tình trạng, nguyên nhân và đưa ra giải pháp.

Ông Phạm Minh Chính nêu câu hỏi: "Trong những năm qua có ai bị kỷ luật vì để tăng biên chế, có ai được khen vì giảm biên chế thành công hay không?"

Rồi tự trả lời: "Chúng tôi rà soát thì chưa thấy ai được khen, chưa thấy ai bị kỷ luật. Chủ trương của Đảng mà khi thực hiện không có khen, có chê, có kỷ luật thì rất khó. Xu hướng chung vẫn là xin tăng biên chế, vì sao vậy, vì tăng biên chế thì được tăng ngân sách chi thường xuyên".

"Mục tiêu của nghị quyết là từ nay đến năm 2021 phải giảm 10% biên chế, nếu vậy thì chúng ta giảm được 400.000 biên chế và giảm chi tiêu thường xuyên khoảng 5%, tương đương 45.000 tỷ đồng. Nếu giảm được như vậy thì chúng ta làm sân bay Long Thành cũng nhẹ nhàng thôi", trưởng ban Tổ chức trung ương phân tích.

Các nghị quyết Trung ương 6 vừa cơ bản, vừa cấp bách - Ảnh 4.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên