29/11/2017 16:07 GMT+7

Đơn vị sự nghiệp: đa số vẫn 'ăn bám' ngân sách

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói đơn vị sự nghiệp công lập nào hoạt động không hiệu quả thì giải thể, đơn vị hoạt động hiệu quả có thể chuyển thành công ty cổ phần.

Đơn vị sự nghiệp: đa số vẫn ăn bám ngân sách - Ảnh 1.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Ảnh: T.C

Các nghị quyết Trung ương 6 Các nghị quyết Trung ương 6 'vừa cơ bản, vừa cấp bách'

TTO - 4 nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 đề cập nhiều vấn đề rộng lớn, hệ trọng của đất nước - trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng nói.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 hôm nay 29-11, phó thủ tướng Vương Đình Huệ giới thiệu nghị quyết về "tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập".

Đa số vẫn "ăn bám" ngân sách

Ông Vương Đình Huệ cho biết hiện cả nước có 57.995 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó trung ương là 1.206 đơn vị, địa phương là 56.789. Tổng số biên chế là gần 2,45 triệu (trong đó hai ngành y tế và giáo dục chiếm gần 70% số biên chế). Khối đơn vị sự nghiệp chiếm tới 38% tổng quỹ lương ngân sách.

Số lượng nhiều như vậy, nhưng chỉ 123 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 1.934 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên; 12.968 đơn vị đảm bảo một phần chi thường xuyên; 42.146 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo hoàn toàn hoạt động.

Theo phó thủ tướng, hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập của Việt Nam có quá trình lịch sử phát triển, đóng góp lớn đối với sự nghiệp phát triển đất nước, đảm bảo an sinh xã hội. Nhưng điểm tồn tại rất lớn là hệ thống đơn vị sự nghiệp hoạt động gắn với hệ thống hành chính, doanh nghiệp, đoàn thể.

"Nhiều nơi vận hành không khác gì thời bao cấp. Tâm lý bao cấp, trông chờ ngân sách nhà nước vẫn phổ biến", ông Huệ nói.

Phó thủ tướng đề cập đến thời điểm trước năm 2015, khi các địa phương được phân cấp quản lý biên chế trong các đơn vị sự nghiệp, đã làm tăng số lượng đơn vị và nhân sự lên rất nhiều.

Ông nhận xét: "Tình trạng tham ô, lãng phí trong các đơn vị sự nghiệp công không phải là ít. Do đó, sau này chúng tôi mới yêu cầu công tác kiểm tra, kiểm toán trong các bệnh viện, trường học cũng phải làm không khác gì so với doanh nghiệp".

Thời điểm chín muồi của "cuộc cách mạng"

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định nghị quyết của Trung ương coi việc đổi mới, xã hội hoá, sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài đối với các cấp uỷ đảng, chính quyền.

"Nói cấp bách là việc phải làm ngay, không thể để tồn tại như cũ. Đó không chỉ là nhiệm vụ của chính các đơn vị sự nghiệp, mà là nhiệm vụ của tất cả các cấp uỷ đảng, chính quyền", ông Huệ nói.

Vẫn theo phó thủ tướng, với những ngành, địa bàn mà thị trường làm tốt thì tăng cường xã hội hoá, "bàn giao" cho xã hội làm. Tuy nhiên, phải lưu ý là xã hội hoá nhưng không phải thương mại hoá, bởi đây là các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho xã hội, đặc biệt là hai lĩnh vực giáo dục và y tế.

Nghị quyết đặt mục tiêu giảm 10% biên chế sử dụng ngân sách nhà nước. Phó thủ tướng cho biết, vừa qua khi làm việc với Hà Nội và TP.HCM thì hai TP này có thể giảm 20% số lượng đơn vị. Đây là các đơn vị tự chủ được tài chính, một số có thể chuyển sang hình thức công ty cổ phần.

Cũng qua rà soát tại hai TP này, việc chuyển đổi không chỉ giảm chi thường xuyên cho ngân sách, mà còn giúp thu lại cho nhà nước hàng ngàn ha đất từ hàng trăm đơn vị để đem đấu giá.

Khâu bố trí, sắp xếp cán bộ vẫn là "nhạy cảm" nhất, bởi khi sáp nhập 4-5 đơn vị thì giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ không đơn giản.

"Nhưng vừa rồi Hà Nội có kinh nghiệm sắp xếp là cấp trưởng không điều hành, nghĩa là khi sáp nhập có 4-5 ông trưởng thì chỉ một ông trưởng điều hành thôi, 4 ông còn lại vẫn nhận chế độ cấp trưởng nhưng không điều hành", ông Huệ nêu ví dụ.

Phó thủ tướng nhấn mạnh: "Đương nhiên đây là một cuộc cách mạng, chúng ta phải dày công tuyên truyền, giáo dục, bởi đây cũng là thời điểm chín muồi. Chúng tôi tham khảo thì lãnh đạo các địa phương ủng hộ tuyệt đối".

5 nguyên tắc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập:

Một, pháp luật chuyên ngành không quy định việc thành lập tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập.

Hai, trường hợp cần thiết phải thành lập mới thì đơn vị đó phải đảm bảo toàn bộ về tài chính (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu).

Ba, một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ cùng loại, nhằm giảm mạnh đầu mối.

Bốn, cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả.

Năm, đẩy mạnh xã hội hoá, chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần khi đủ điều kiện.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên