17/06/2015 10:38 GMT+7

Các làng quan họ ở Tây nguyên

TIẾN THÀNH
TIẾN THÀNH

TT - Rời xa quê hương, những "liền anh", "liền chị" mang theo những câu quan họ xứ Kinh Bắc gieo tình yêu quan họ trên xứ sở cồng chiêng.

Các liền anh, liền chị trên đường đến điểm tập luyện hát quan họ - Ảnh: Tiến Thành
Các liền anh, liền chị trên đường đến điểm tập luyện hát quan họ - Ảnh: Tiến Thành

Không bến nước, sân đình nhưng gần 20 năm nay, nhiều người dân xa quê, dân bản địa sống tại các bản làng xa xôi của huyện Krông Năng (Đắk Lắk) vẫn “nghe câu quan họ trên cao nguyên”.

Với những “nghệ sĩ nông dân”, hát quan họ là dịp để nguôi ngoai nỗi nhớ quê và để niềm tự hào về một di sản được nhân rộng.

Sáng hái tiêu, chiều lên sân khấu

Anh Trương Quang Huy, cán bộ Phòng văn hóa - thông tin huyện Krông Năng, nói muốn nghe dân ca quan họ phải băng qua những con đường đất đỏ đến các làng Quyết Tiến (xã Dliê Ya), Tân Hiệp và Tân Bắc (xã Ea Tóh), Lộc Xuân và Lộc Yên (xã Phú Lộc) - nơi có nhiều người con quê Bắc Ninh, Bắc Giang sinh sống từ năm 1988 đến nay.

Từ trung tâm huyện, men theo con đường vào làng Tân Hiệp (xã Ea Tóh) chừng 10km, ấn tượng đầu tiên của tôi là màu xanh non của hồ tiêu và cà phê trải dài ngút ngàn.

Dưới gốc đa cổ thụ đầu làng, dù đang là giữa trưa, mười liền anh, liền chị khăn đóng áo dài đang hát: “Mấy khi khách đến chơi nhà/ Đốt than quạt nước pha trà mời người xơi/ Trà này quý lắm người ơi/ Mỗi người mỗi chén cho em vui lòng...”.

Liền anh nhẹ nhàng thu chiếc ô, đưa hai tay nhận chén trà từ liền chị rồi hát đối lại. Từng động tác cầm nón, xoay ô nhuần nhuyễn, uyển chuyển và đầy tinh tế. Liền anh Nguyễn Kim Trường (quê ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) cho biết đây là buổi luyện hát quan họ thường ngày để biểu diễn trên huyện vào tháng 7 này.

“Sáng ra, các anh chị em chúng tôi đều bận làm cỏ cho hồ tiêu, cà phê nên tranh thủ được lúc nào thì tập lúc ấy” - anh Trường chia sẻ.

Đội hát quan họ của thôn Tân Hiệp hiện có 22 thành viên. Việc tập luyện hát quan họ của đội này hoàn toàn “chay”, không có nhạc phụ họa. Anh Trường cho biết để tập hát được một bài phải mất rất nhiều thời gian.

Ban đầu mọi người trong đội phải nghe các nghệ sĩ hát qua băng đĩa, rồi chép lời ra giấy học thuộc lòng, vừa nghe sao cho “thấm” nhạc nền. Đến khi tập hát thì trong đầu tưởng tượng ra nhạc, rồi cứ thế hát theo cho khớp.

“Có khi học xong được một bài quan họ phải mất cả tháng trời, còn để biểu diễn một tiết mục nhuần nhuyễn phải mất từ sáu tháng đến một năm” - anh Trường tâm sự.

Gợi lại lời ca tiếng hát...

Chị Nguyễn Thị Thu Hồng nhớ lại dịp 30-4-2006, thôn Tân Hiệp đón nhận danh hiệu thôn văn hóa ai cũng phấn khởi vì nhớ quê hương Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang). Muốn gợi lại lời ca tiếng hát quan họ đã thân thuộc từ thuở nhỏ, bốn anh chị em trong thôn đã rủ nhau tập tành hát.

“Ban đầu đi hát ai cũng xấu hổ. Đặc biệt lúc đứng trước cả trăm người nghe, ai cũng tim đập chân run. Trang phục biểu diễn thì không có, chúng tôi phải tự thiết kế nón quai thao bằng... những chiếc mẹt nuôi tằm, còn áo tứ thân thì lồng hai chiếc áo dài làm một rồi đi biểu diễn. Mặc xong thì không ai dám nhìn vì ngại. Ấy thế mà khi hát xong thì mọi người đều mê” - chị Hồng hào hứng kể.

Thấm thoát đã gần mười năm, đến nay đội dân ca quan họ thôn Tân Hiệp đã giành nhiều giải thưởng từ các cuộc thi và giao lưu hát quan họ từ thôn tới tỉnh với nhiều tiết mục như Người ở đừng về, Mời nước mời trầu, Buôn bấc buôn dầu...

Các liền anh, liền chị trong đội đã tự sắm trang phục “xịn” từ Bắc Ninh trên 1,2 triệu đồng/ bộ. Nhà nào cũng có một dàn karaoke để luyện hát quan họ mỗi ngày.

Cách thôn Tân Hiệp không xa, không khí tập luyện hát quan họ ở thôn Tân Bắc cũng náo nhiệt không kém.

Hầu như từ 19g30 - 22g hằng ngày, hơn 20 liền anh, liền chị trong thôn lại tề tựu về nhà chị Nguyễn Thị Sắc. Tại đây họ cùng say sưa tập luyện các tiết mục quan họ trước khi đi giao lưu, biểu diễn.

Anh Nguyễn Văn Nguyên, chủ nhiệm câu lạc bộ hát quan họ của thôn, cho biết càng hát càng thấy quan họ như ngấm vào máu, không thể bỏ được.

“Đến hẹn lại lên, câu quan họ dùng dằng người đi người ở. Thành thử, cứ nghe được đi giao lưu là anh chị em ai cũng hào hứng, chăm chỉ tập luyện, sáng tất bật làm rẫy, tối đến tranh thủ đi tập mà chẳng ngại mệt mỏi” - anh Nguyên nói.

...Nên duyên nhờ quan họ

Ở thôn Quyết Tiến (xã Dliê Ya), vợ chồng ông Tạ Văn Đức (60 tuổi) và bà Nguyễn Thị Liên (58 tuổi) là đôi liền anh, liền chị đã gắn bó lâu năm nhất với quan họ. Ông bà cũng là một trong những người thầy khởi xướng phong trào hát quan họ ở huyện Krông Năng.

Ông Đức cho biết từ nhỏ đã được nghe cha hát quan họ, thành thử cái duyên quan họ như đã ngấm vào máu. Đến năm 1976, chàng trai ở làng quan họ cổ Giá Sơn đã phải lòng tiếng hát của cô gái làng Hữu Nghi kề bên (cùng xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang) rồi hai người nên duyên vợ chồng.

Năm 1996, vợ chồng ông Đức, bà Liên cùng vào Đắk Lắk lập nghiệp và tiếp tục khởi xướng hát quan họ tại đây. Ở tuổi 58 nhưng bà Liên vẫn giữ được chất giọng ngọt ngào và trong trẻo. Bà hồi tưởng năm 1999 khi còn làm chi hội trưởng hội phụ nữ thôn Quyết Tiến, hằng ngày bà đạp chiếc xe cọc cạch đi khắp các thôn tới xã để vận động chị em cùng giao lưu hát quan họ.

“Có bữa mưa dầm dề cả ngày, giao lưu xong đến đêm vợ chồng tôi mới về tới nhà. Người ướt sũng nhưng chẳng biết mệt bởi tiếng hát đã át đi lúc nào không hay” - bà Liên thủ thỉ.

Ông Trần Văn Vụ - phụ trách đội hát quan họ thôn Quyết Tiến - cho biết thêm trước đây khi chưa có lưới điện quốc gia, các thành viên trong đội văn nghệ của thôn vẫn đi hát bằng chiếc loa phóng thanh với bình ăcquy 12V, vậy mà hết biểu diễn trong thôn, ngoài xã rồi đi ra huyện, không lúc nào ngơi.

“Lúc thì hát trong đám cưới, khi hát mừng nhà mới, mừng thọ các cụ cao tuổi... Chúng tôi tâm niệm hát để sống vui, sống khỏe và sống có ích. Thậm chí trong đội có nhiều cụ đã trên 70 tuổi, sức khỏe yếu, có khi hát được vài bài là mệt nhưng vẫn mê hát” - ông Vụ kể.

Ở thôn Tân Bắc còn có nhiều đôi vợ chồng trẻ theo hát quan họ. Như trường hợp anh Phan Văn Dũng (35 tuổi) và chị Trần Thị Lý (26 tuổi) nên duyên nhờ những buổi tập luyện quan họ. Anh Dũng tâm sự có khi vợ gần đến kỳ sinh nở hai vợ chồng vẫn cùng nhau đi biểu diễn.

“Cũng có lúc tôi ham hát quan họ quá, đến khi lên sân khấu biểu diễn mới chột dạ nhớ đến vợ đang ở nhà sinh đẻ” - anh Dũng gãi đầu gãi tai.

Hay như vợ chồng chị Nguyễn Thị Mai (29 tuổi), mới đầu chỉ thích nghe hát quan họ. Nhờ sự động viên của các thành viên trong câu lạc bộ hát quan họ của thôn, anh chị mới mạnh dạn học hát và chăm chỉ tập luyện.

Kết quả là trong lần đi thi đầu tiên, đội của anh chị đã đoạt giải nhì tiết mục Người ở đừng về tại Liên hoan hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc tỉnh Đắk Lắk vào tháng 11-2014. Duyên quan họ đến với họ từ ấy...

Các liền anh, liền chị ở thôn Quyết Tiến hát giao duyên quan họ tại nhà - Ảnh: Tiến Thành
Các liền anh, liền chị ở thôn Quyết Tiến hát giao duyên quan họ tại nhà - Ảnh: Tiến Thành

Câu lạc bộ “3 tự”

Ông Trương Quang Huy, người đề xuất ý tưởng thành lập câu lạc bộ hát quan họ ở huyện Krông Năng, cho biết hiện câu lạc bộ có hơn 100 liền anh, liền chị.

Câu lạc bộ này ra đời tạo sân chơi chuyên nghiệp hơn cho những người đam mê hát quan họ, qua đó góp phần gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể này.

Ông Phan Văn Sung, thành viên của câu lạc bộ, nói: “Chúng tôi không giới hạn thành viên tham gia, miễn ai có niềm đam mê hát quan họ đều có thể làm đơn gia nhập. Người trước sẽ truyền cho lớp sau, người biết hát sẽ dạy cho người chưa biết.

Tuy là câu lạc bộ trực thuộc huyện đoàn nhưng các thành viên đều tuân thủ nguyên tắc “ba tự”: tự nguyện, tự giác và tự túc về kinh phí, phương tiện âm thanh cũng như trang phục biểu diễn”.

TIẾN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên