28/05/2021 21:18 GMT+7

Các doanh nghiệp muốn góp tay tìm vắc xin vì có kinh nghiệm lẫn quan hệ

N.AN
N.AN

TTO - Cho rằng việc lo nguồn vắc xin để sớm tiêm cho người dân trên diện rộng là cấp bách, đang trong tình thế "nước sôi lửa bỏng", cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế để doanh nghiệp đồng hành.

Các doanh nghiệp muốn góp tay tìm vắc xin vì có kinh nghiệm lẫn quan hệ - Ảnh 1.

Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị được làm việc trực tiếp với Chính phủ để bàn các giải pháp xã hội hóa vắc xin - Ảnh chụp cuộc họp trực tuyến qua màn hình

Thông tin được nêu ra tại hội nghị trực tuyến do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cùng hàng chục hiệp hội, doanh nghiệp tham gia có chủ đề: "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong chương trình tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch COVID-19" ngày 28-5.

Bà Hồng Hạnh, thành viên Hiệp hội Dệt may Việt Nam và là thành viên nhóm công tác Liên hiệp hội dệt may Việt Nam - Hoa Kỳ, cho hay qua mạng lưới của doanh nghiệp và liên hiệp hội, có những doanh nghiệp sẵn sàng kết nối với các đơn vị sản xuất vắc xin, đảm bảo những điều kiện tối ưu.

Đơn cử như có đơn vị đàm phán nhà cung cấp có thể đưa vắc xin về tận sân bay, kiểm nghiệm chất lượng mới phải thanh toán. Hoặc thậm chí có thể đàm phán để chuyển giao công nghệ.

Do đó, bà Hạnh đề xuất cơ chế doanh nghiệp có thể tham gia, tạo thuận lợi cho các công ty, tập đoàn tư nhân, các FDI có các mối quan hệ được cùng Chính phủ tìm kiếm nguồn cung vắc xin và thương thảo hợp đồng. Nguyên tắc thực hiện là Bộ Y tế sẽ kiểm định chất lượng, cấp phép và triển khai mọi hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tiêm.

Ông Nguyễn Hồng Uy - đại diện Eurocham - cho rằng lực lượng lao động hoạt động trong doanh nghiệp cần là đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin. Từ đó, Chính phủ cùng doanh nghiệp đồng hành để tìm nguồn vắc xin sớm nhất, chia sẻ chi phí và ngân sách tiêm chủng cho người lao động.

Nêu sáng kiến cụ thể, ông Uy cho rằng cần phân loại rõ các mức độ ưu tiên theo quản lý rủi ro với những vùng có nguy cơ cao và mức độ rủi ro về kinh tế. Trong đó, với các vùng có nguy cơ cao có thể xem xét mức độ ưu tiên theo thứ tự như ưu tiên trước hết cho những vùng có dịch, nơi có khả năng bùng phát dịch lớn và sau đó mới đến những vùng có nguy cơ thấp.

Với mức độ rủi ro về kinh tế, cần ưu tiên trước hết cho các khu công nghiệp lớn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp lớn có quy mô hơn 500 người lao động, sau đó đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các khu công nghiệp nhỏ và cuối cùng là những doanh nghiệp nhỏ lẻ, hộ gia đình.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ lan nhanh, nhiều doanh nghiệp phải tính đến ngừng hoạt động, gây gián đoạn chuỗi cung ứng, thì việc tiêm chủng vắc xin là yếu tố then chốt đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Mặc dù cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh Chính phủ trong chủ động tìm nguồn vắc xin, lo vắc xin tiêm miễn phí cho người dân, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì việc chung tay và tham gia đóng góp của cả xã hội là cần thiết.

"VCCI sẽ tổng hợp các ý kiến để kiến nghị và đề xuất có buổi làm việc với Thủ tướng, Ban chỉ đạo COVID-19 và Bộ Y tế để sớm có giải pháp thiết thực nhất" - ông Phòng nói.

Cuối tháng 7-2021, 10% dân số được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 Cuối tháng 7-2021, 10% dân số được tiêm vắc xin ngừa COVID-19

TTO - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chủ trì bộ phận thường trực chống dịch tại điểm nóng Bắc Ninh chiều 27-5 để tiến hành tiêm vắc xin tại đây.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên