Chia tách các cặp song sinh làm con nuôi
Bà nhớ rất rõ hôm ấy nhằm ngày 4-9-1977, một người bạn nói bà rất giống với một cô gái quen biết tên Lori Pritzl và hỏi có phải bà là con nuôi hay không.
Thông tin về hai người rất trùng hợp như sinh nhật cùng ngày, ngoại hình y như đúc, cả hai đều là con nuôi do cơ quan nhận con nuôi của người Do Thái Louise Wise Services (LWS) giới thiệu đến các gia đình. Bà lập tức gọi điện thoại liên lạc với cô gái Lori Pritzl.
Bà nhớ mình đã không cầm được nước mắt trong lần đầu tiên đoàn tụ với người chị em song sinh. Cả hai đều hút thuốc, cùng có sở thích nghệ thuật giống nhau như khiêu vũ, hội họa, âm nhạc. Bà kể lại trên chuyên mục BBC Reel (Anh): "Thật khó tin. Tôi cảm thấy như nhìn thấy bản sao của mình vậy".
Hai chị em song sinh sống trong hai gia đình nhận con nuôi cách nhau chỉ 24km. Hai gia đình có nhiều người bạn chung. Trước đó một số người quen nhận xét hai người rất giống nhau nhưng ban đầu bà Seckler cứ tưởng người giống người nên không quan tâm. Bà và người chị em song sinh cũng không hề hay biết cha mẹ hai gia đình biết họ là cặp song sinh nhưng vẫn im như thóc.
Mọi chuyện bắt nguồn vào những năm 1960. Cơ quan nhận con nuôi LWS nổi tiếng ở New York lúc bấy giờ đã tách rời các cặp sinh đôi hoặc sinh ba từ lúc còn nhỏ và chuyển cho nhiều gia đình nhận con nuôi.
Đây là ý tưởng nghiên cứu của bác sĩ tâm thần trẻ em Peter Neubauer (1913 - 2008), người phụ trách Trung tâm Phát triển trẻ em (CDC) thuộc Hội đồng Giám hộ Do Thái ở Manhattan. Cùng cộng tác với Neubauer là bác sĩ y khoa Viola Bernard, cố vấn về tâm thần tại LWS.
Nhóm nghiên cứu muốn so sánh các cặp song sinh cùng trứng với các cặp song sinh khác trứng để tìm hiểu xem di truyền hay môi trường là yếu tố ảnh hưởng. Cặp đôi Neubauer-Bernard cho rằng nên tách các cặp song sinh ra để nuôi dạy riêng nhằm phát triển bản sắc cá nhân thay vì cạnh tranh với nhau trong cùng một gia đình để tranh giành tình yêu thương của cha mẹ.
Hai chị em Seckler và Pritzl nằm trong số sáu cặp song sinh và một cặp sinh ba cùng trứng bị chia tách trong khoảng thời gian từ năm 1960 - 1969. Một số cặp song sinh khác trứng được xem là nhóm đối chứng cũng đã được LWS đưa vào nhiều gia đình nhận con nuôi. Các cặp song sinh nào có biểu hiện bất thường về phát triển sẽ bị loại khỏi nghiên cứu.
Các gia đình nhận con nuôi đều là gia đình trung lưu có nền tảng giáo dục và kinh tế - xã hội tương đương ở khu vực đô thị New York để dễ so sánh kết quả. Các gia đình được lựa chọn dựa trên nhiều yếu tố như tuổi tác của cha mẹ nuôi, tình trạng kinh tế - xã hội, trình độ giáo dục, tôn giáo, con cái khác. Trước đó họ đều đã nhận nuôi một trẻ từ LWS.
Các cha mẹ nuôi không được thông báo con nuôi là con sinh đôi hay sinh ba mà chỉ biết họ đang tham gia dự án nghiên cứu về quá trình phát triển trẻ em, do đó không mảy may nghi ngờ khi nhóm nghiên cứu đến thăm nhà định kỳ và kiểm tra tâm lý con nuôi.
Một số cha mẹ nuôi biết chuyện đã được nhóm nghiên cứu yêu cầu giữ bí mật với lý do bảo vệ lợi ích của con nuôi. Các cặp song sinh đã trải qua nhiều lần kiểm tra, bao gồm hàng loạt kiểm tra về trí thông minh và tính cách.
Năm 2065 mới vén màn bí mật
Dự án nghiên cứu của Neubauer-Bernard nhanh chóng gặp trục trặc. Phần do kinh phí cạn kiệt, phần khác nhiều ý kiến lo ngại về đạo đức nên đòi phải có văn bản đồng ý nhận con nuôi. Cha mẹ các gia đình nhận con nuôi được yêu cầu ký lại đơn đồng ý nhưng một số đã từ chối.
Qua thời gian, một số cặp sinh đôi bị tách rời làm con nuôi tình cờ gặp lại nhau như trường hợp của hai chị em Seckler và Pritzl kể trên. Sự việc được phơi bày ra ánh sáng lần đầu tiên vào năm 1980 khi ba thanh niên 19 tuổi tình cờ biết họ là anh em sinh ba. Trang nhất các báo loan tin về cuộc hội ngộ đẫm nước mắt của họ. Ít lâu sau có ý kiến đòi kiện nhóm nghiên cứu Neubauer-Bernard.
TS tâm lý Lawrence Perlman đã từng làm trợ lý cho dự án nghiên cứu của đôi bác sĩ Neubauer-Bernard thời còn là sinh viên năm thứ ba lúc ông 24 tuổi. Sau này ông là một trong các nhà khoa học hiếm hoi kể lại dự án nghiên cứu quái gở ngày trước.
Ông bày tỏ thái độ hoài nghi: "Qua nhiều năm tôi tự hỏi điều gì đã xảy ra với nghiên cứu ấy. Tôi chưa từng nghe có báo cáo tổng kết nào. Đúng ra một nghiên cứu so sánh về bẩm sinh và nuôi dưỡng có triển vọng độc đáo như vậy phải được công bố rộng rãi trong các tài liệu tâm lý học chứ".
Rốt cuộc nhóm nghiên cứu Neubauer-Bernard không hề công bố báo cáo khoa học nào. Cơ quan nhận con nuôi LWS đóng cửa vào năm 2004 và chuyển hồ sơ nhận con nuôi cho cơ quan Spence-Chapin. Bốn năm trước khi qua đời ở tuổi 95 (năm 2008), Neubauer vẫn không tỏ ra hối hận và khăng khăng bảo vệ quan điểm nghiên cứu của mình. Bernard cũng đã qua đời năm 1998.
Năm 1990, với lý do bảo vệ các cặp song sinh con nuôi, Neubauer đã yêu cầu niêm phong mọi dữ liệu nghiên cứu tại Đại học Yale. Dữ liệu này chỉ có thể được công bố vào năm 2065.
TS Nancy L. Segal đã viết cuốn sách Cố tình chia rẽ: Bên trong nghiên cứu gây tranh cãi về các cặp song sinh và sinh ba được nhận nuôi riêng xuất bản vào tháng 11-2021.
Cuốn sách bao gồm các cuộc phỏng vấn sâu rộng và lịch sử cuộc sống của các cặp song sinh và sinh ba, gia đình của họ, phỏng vấn nhiều đối tượng gồm các nhà nghiên cứu, đồng nghiệp của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia liên quan đến nhận con nuôi, phát triển trẻ em, đạo đức sinh học và pháp luật.
Những câu chuyện của họ kèm theo hồ sơ, thư từ và tài liệu đã tiết lộ nguồn gốc và hậu quả đau buồn của dự án nghiên cứu Neubauer-Bernard.
Đối với các gia đình cho và nhận con nuôi, nghiên cứu của Neubauer-Bernard vẫn bao trùm bức màn bí mật. Cuộc đời của các cặp song sinh bị chia tách làm con nuôi đã bị đảo lộn. Cặp sinh ba đã gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần và một người đã tự tử.
Một phụ nữ sinh đôi được cho là đã tự tử. Trong hai trường hợp này, cha mẹ ruột của họ đều có tiền sử mắc bệnh rối loạn tâm thần. Một số con nuôi song sinh khác cảm thấy tức giận, buồn bã và hối hận.
Điều này đã ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ với cha mẹ nuôi và quan trọng hơn là ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các anh chị em song sinh với nhau.
Trong lĩnh vực nghiên cứu các cặp song sinh, không thể không nhắc đến TS Nancy L. Segal - giáo sư tâm lý học, người sáng lập và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sinh đôi tại Đại học bang California (Mỹ). Bà là tác giả của hơn 300 bài báo và bảy cuốn sách nghiên cứu về các cặp song sinh. Điều thú vị hơn, chính bà là cặp sinh đôi khác trứng.
Bà giải thích quá trình nghiên cứu cho thấy giữa di truyền và môi trường nuôi dưỡng, di truyền vẫn giữ vai trò tác động mạnh hơn. Hầu hết hành vi của các cặp song sinh cùng trứng dù được nuôi chung hay chia tách đều giống nhau hơn so với các cặp song sinh khác trứng.
Đặc biệt đối với một số đặc điểm như tính hung hăng, các cặp song sinh cùng trứng được nuôi dưỡng xa nhau vẫn thể hiện tính này ở mức độ gần tương đương với các cặp song sinh chung sống với nhau.
Mặc dù vậy, bà cũng lưu ý các yếu tố xã hội vẫn có tác động. Bà nhận xét: "Hành vi là sự kết hợp phức tạp của cả gene và môi trường. Di truyền không tác động 100%. Mọi thứ đều là kết hợp của cả hai".
------------------------------
Một số cặp sinh đôi bị biến dị, nhưng nhiều cặp song sinh rất đẹp về hình thể và càng lớn họ càng vẹn tròn tài sắc.
Kỳ tới: Những cặp song sinh tài sắc vẹn toàn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận