18/06/2021 18:15 GMT+7

Các biến thể virus SARS-CoV-2 dùng 'chiêu' nào để lây nhiễm?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Nghiên cứu mới phát hiện các tế bào bị nhiễm kết hợp với nhau để tạo ra "siêu tế bào" (hợp bào). Dù vậy, vắc xin COVID-19 vẫn đạt hiệu quả tiêu diệt "siêu tế bào" này.

Các biến thể virus SARS-CoV-2 dùng chiêu nào để lây nhiễm? - Ảnh 1.

Tế bào phế quản của người (đã nhuộm màu xanh) bị nhiễm virus SARS-CoV-2 (màu cam) - Ảnh: VIỆN PASTEUR PHÁP

Trong quá trình lây nhiễm, virus bám vào tế bào vật chủ, xâm nhập vào tế bào đó rồi sản sinh vật liệu di truyền và protein cấu trúc của chúng trong tế bào bị nhiễm.

Một khi các hạt virus đã hoàn chỉnh cấu trúc (virion), chúng thoát khỏi tế bào đó để lây nhiễm tế bào khác.

Kịch bản lây nhiễm này xảy ra cho nhiều loại virus, trong đó có virus SARS-CoV-2.

Khi ra ngoài tế bào, các virion phải canh chừng hệ miễn dịch. Chúng có thể bị các kháng thể trung hòa do hệ miễn dịch sản sinh tiêu diệt trước khi chúng lây lan cho tế bào khác.

Song trong quá trình tiến hóa, virus SARS-CoV-2 đã sử dụng mọi mánh khóe để đánh lừa hệ miễn dịch.

Chúng có thể thay đổi cấu trúc nhằm biến thành các biến thể để kháng thể trung hòa không thể nhận ra.

Chúng có thể lây nhiễm tế bào mới mà không giải phóng hạt virion ra ngoài tế bào, nên virion không bị kháng thể tìm thấy.

Tuy nhiên, các nhà khoa học ở Mỹ, Anh, Đức, Nam Phi đã nghiên cứu và phát hiện các biến thể SARS-CoV-2 còn áp dụng chiến lược biến hình phức tạp hơn nhiều.

Họ quan sát các tế bào phổi mắc COVID-19 và sử dụng kỹ thuật tua nhanh để theo dõi quá trình tiến hóa.

Từ đó, họ phát hiện các tế bào bị nhiễm còn kết hợp với các tế bào bị nhiễm khác để tạo ra các "siêu tế bào", được gọi là hợp bào (syncytium).

Hợp bào lớn hơn tế bào bình thường và chứa nhiều nhân. Cứ mỗi nhân là một đơn vị tế bào bị nhiễm hợp nhất.

6 tiếng sau khi nhiễm virus, hợp bào bắt đầu hình thành. 36 tiếng sau khi nhiễm, 20% nhân tế bào đã nằm trong hợp bào.

Kết quả nghiên cứu mới chưa qua bình duyệt đã được công bố trên trang web bioRxiv đầu tháng 6-2021.

Với chiêu thức lây nhiễm nêu trên, tiêm vắc xin COVID-19 có phát huy hiệu quả không?

Nhóm nghiên cứu quốc tế ghi nhận biến thể Alpha (B.1.1.7) và biến thể Beta (B.1.351) vẫn nhạy cảm với kháng thể trung hòa do vắc xin tạo ra. Mức hiệu quả đối với biến thể Beta có thấp hơn.

Song kháng thể trung hòa không ngăn được các biến thể lây lan từ tế bào này sang tế bào khác thông qua các hợp bào.

May mắn thay, điều này không có nghĩa vắc xin không phát huy hiệu quả vì hai yếu tố.

Một, hiện tượng lây từ tế bào này sang tế bào khác (đặc biệt ở phổi) không phải là con đường chính để virus lây lan.

Hai, vắc xin COVID-19 không chỉ kích hoạt sản sinh kháng thể trung hòa mà còn kích thích hình thành tế bào bạch cầu. Tế bào này biết cách phát hiện và tiêu diệt hợp bào.

Ngược lại, nhóm nghiên cứu cho rằng các hợp bào có thể liên quan đến tình trạng nhiễm virus dai dẳng nhiều tháng, đặc biệt nơi người bị suy giảm miễn dịch.

Các biến thể virus SARS-CoV-2 dùng chiêu nào để lây nhiễm? - Ảnh 2.

Tiêm chủng ở Bucarest (Romania). Vắc xin COVID-19 vẫn tạo ra tế bào bạch cầu tiêu diệt các hợp bào - Ảnh: SIPA

Anh: Tỉ lệ mắc COVID-19 tăng 50% vì biến thể Delta Anh: Tỉ lệ mắc COVID-19 tăng 50% vì biến thể Delta

TTO - Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta khiến tỉ lệ mắc COVID-19 hiện nay ở Anh tăng 50% từ tháng 5, theo nghiên cứu do Đại học Hoàng gia London công bố ngày 17-6.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên