10/12/2014 10:27 GMT+7

​Các bị cáo thừa nhận lách luật

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Hai bị cáo Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB) đã thừa nhận hành vi ủy thác các nhân viên đi gửi tiền vào ngân hàng khác là lách luật.

Trần tình trước tòa về lý do ủy thác nhân viên đi gửi tiền, bị cáo Trịnh Kim Quang cho biết thời điểm năm 2010 hệ thống ngân hàng có sự mất cân đối, sân chơi liên ngân hàng bị tê liệt.

“ACB có khoảng 130.000 tỉ đồng dôi dư nên đã lách luật để nhân viên đi gửi tiền vào ngân hàng khác. Tiền từ ngân hàng thừa vốn qua ngân hàng thiếu vốn thông qua một cá nhân mà không vi phạm pháp luật. Nếu không ủy thác gửi tiền thì hậu quả 130.000 tỉ đồng nằm trong kho, thiệt hại rất lớn cho ACB, cho ngân sách nhà nước và cho các ngân hàng thiếu vốn. Chúng tôi gọi đó là lách luật chứ không phạm luật” - bị cáo Quang nói.

Đề nghị hủy một phần án sơ thẩm

Tại tòa, luật sư Nguyễn Đình Hưng đã đề nghị tòa phúc thẩm hủy một phần án sơ thẩm về hành vi liên quan đến 718 tỉ đồng của ACB bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt để điều tra lại.

Theo luật sư Hưng, hồ sơ vụ án có rất nhiều nhưng lại thiếu toàn bộ chứng cứ khách quan xem 718 tỉ đồng có bị mất hay không.

Bản án sơ thẩm không nhận định xem số tiền đã mất hay chưa mà lại cho rằng số tiền này đã xem xét trong vụ án Huyền Như nên không đề cập đến, trong khi bản án đối với Huỳnh Thị Huyền Như chưa có hiệu lực pháp luật và có thể bị thay đổi ở phiên phúc thẩm sắp tới.

Không thể lấy một cái chưa ổn định của bản án khác để làm căn cứ cho bản án này. Vì vậy đề nghị tòa phải hủy phần này để điều tra lại.

Bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc ACB) cho rằng khi Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực (năm 2011), có khoảng 50 văn bản hướng dẫn luật chưa được ban hành.

“Nếu chờ hướng dẫn thì các ngân hàng không hoạt động được. Nếu dừng hoạt động ủy thác thì sẽ có sự tác động rất xấu, chúng tôi nghĩ nếu luật mới chưa có hướng dẫn thì vẫn áp dụng quy định cũ là được phép thực hiện ủy thác” - ông Hải khai trước tòa.

Bào chữa cho bị cáo Hải, luật sư Lưu Văn Tám cho rằng trước năm 2010, luật không cấm hoạt động ủy thác. Sau năm 2011, Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn thì không thể buộc các ngân hàng không được thực hiện.

“Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn thì các ngân hàng được thực hiện theo quy định cũ. Hành vi thực hiện trước khi có hướng dẫn, chúng ta bắt lỗi họ làm sai, nhưng làm sai thế nào thì chưa có quy định là không thỏa đáng. Chúng ta cứ máy móc bảo các ngân hàng chờ có hướng dẫn mới được làm thì họ sẽ phải đóng cửa để chờ hướng dẫn. Điều này sẽ gây sự xáo trộn cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội” - ông Tám nói.

Cũng như bị cáo Hải, khi tự bào chữa trước tòa, các bị cáo Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang (đều nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB) cho rằng thời điểm ban hành nghị quyết về ủy thác gửi tiền thì pháp luật không cấm.

Các bị cáo cho rằng từ khi ban hành chủ trương đến khi kết thúc, ACB thu về lợi nhuận gần 2.000 tỉ đồng, nếu trừ đi khoản 718 tỉ đồng bị mất tại VietinBank thì ACB vẫn có lợi nhuận chứ không có thiệt hại. Tại tòa, các bị cáo đã trình bày một số tình tiết về nhân thân để xin tòa giảm nhẹ hình phạt, cho hưởng án treo.

Sáng nay (10-12), phiên tòa tiếp tục làm việc.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên