26/11/2022 08:14 GMT+7

Cả thôn khâm phục ý chí của cô học trò nghèo đỗ thủ khoa

Bài và ảnh: LÂM THIÊN
Bài và ảnh: LÂM THIÊN

TTO - Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, Nguyễn Thị Bốn vẫn khiến tất cả bà con lối xóm, bạn bè và thầy cô vô cùng thán phục khi trở thành thủ khoa đầu vào ngành giáo dục tiểu học và mầm non Trường ĐH Quy Nhơn, với số điểm 27,75.

Cả thôn khâm phục ý chí của cô học trò nghèo đỗ thủ khoa - Ảnh 1.

Bốn nhóm lửa nấu cơm cho mẹ và ba

"Ở đây ai mà chẳng biết nó. Nhà nó khổ nhưng nó học giỏi lắm", một người lớn tuổi tại thôn Bình Long chia sẻ về Nguyễn Thị Bốn (ở tại thôn Bình Long, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định).

Chuyện cổ tích của cả thôn

Những ngày này, thôn Bình Long ai nấy cũng truyền tai nhau câu chuyện cổ tích của Nguyễn Thị Bốn. Theo mọi người, em chính là điều kỳ diệu nhất từ trước tới nay tại thôn khi trở thành thủ khoa.

Ngôi nhà nhỏ của Nguyễn Thị Bốn nằm cạnh đường ray xe lửa. Người ta nói nhà em nghèo đến mức không còn mồng tơi để mà rớt quả thật rất đúng. Ba bị bệnh tâm thần. 14 năm qua, mẹ suốt ngày chỉ biết đưa ba vào viện chữa trị rồi lại đưa về nhà chăm.

Gặp được chúng tôi và bà con hàng xóm, bà Lê Thị Thuận (40 tuổi) - mẹ của Bốn - cho biết đã lâu rồi mới có khách ghé nhà chơi. Trong ngôi nhà này, mọi thứ đều cũ kỹ, rách nát. Từ trên xuống dưới, nhà cửa trống trơn, không có vật gì giá trị, không giếng, không nhà vệ sinh.

Bốn cho biết 14 năm nay, toàn bộ tài sản, của cải trong nhà đều đem bán đi để lấy tiền mua thuốc chữa trị cho ba của em. Mỗi tháng mẹ em phải chạy vạy đủ nơi để vay mượn tiền mua thuốc, điều trị cho ba và lúc nào mẹ cũng phải ở cạnh bên chồng mình để canh chừng khiến cho gia đình ngày càng suy kiệt. 

"Khi vừa học hết lớp 9, vì nhà quá khó khăn, mẹ em định cho em nghỉ học để đi làm kiếm tiền. Khi nghe mẹ nói vậy, em chỉ biết ôm mẹ và khóc. Em biết vì sao mẹ lại có ý định đó và em cũng biết sẽ sớm có ngày này. Tuy nhiên, em không muốn như vậy vì đi học là niềm an ủi, niềm hạnh phúc duy nhất của em từ trước tới giờ", Bốn chia sẻ.

Ngồi nghe đứa con bé bỏng của mình tâm sự, bà Thuận vội quay đi, hai tay bà ôm mặt rồi khóc nức nở. "Tui nào muốn như vậy đâu. Trong nhà giờ không còn gì, miếng ăn cũng không có thì lấy đâu cho con đi học", bà Thuận nói.

Theo bà Phạm Thị Bỉ (80 tuổi - bà nội của Bốn), vì quá thương cháu, ba năm qua bà đã chắt chiu từng đồng tiền nuôi bò và khoản tiền chế độ cho người có công cách mạng, nuôi Bốn ăn học cho tới bây giờ.

"Nghĩ đời mình đã khổ mà tới con mình cũng khổ nên tui ráng làm hết sức để đời cháu mình khác hơn. Tui nghĩ chỉ có cái chữ mới thay đổi được số phận, chứ không còn đường nào nữa", bà Bỉ cho biết.

Trong 3 năm THPT, Bốn luôn là học sinh xuất sắc dẫn đầu lớp và được thầy cô, bạn bè vô cùng thương mến. 

Bốn là học sinh có nghị lực, rất kiên cường và mạnh mẽ. Dù hoàn cảnh gia đình vô cùng khổ cực nhưng em lại rất ham học và học rất giỏi. Ở lớp, Bốn chính là tấm gương sáng cho các bạn học hỏi.

Thầy Nguyễn Văn Thành, giáo viên chủ nhiệm lớp 12

Trong khi đó, trong xóm, nhiều người không giấu được sự tự hào, mến yêu đối với em: "Trời ơi, không ngờ nhà cháu như vậy mà cháu giỏi quá. Con tôi học chung lớp với cháu. Đi học về là nó lại kể chuyện của cháu trên lớp cho tôi nghe. Tôi rất khâm phục ý chí vươn lên của cháu", bà Nguyễn Thị Nga, hàng xóm của Bốn, cho biết.

Gian nan đường tới giảng đường

Cả thôn khâm phục ý chí của cô học trò nghèo đỗ thủ khoa - Ảnh 3.

Mẹ, bà nội và em trai động viên Bốn khi em bật khóc vì lo sợ việc học của mình bị gián đoạn do nhà quá khó khăn

Theo bà Lê Thị Thuận, lúc hay tin con gái mình đậu đại học, bà đang đưa chồng đi điều trị tại bệnh viện tâm thần. Bà đã bật khóc khi nói chuyện điện thoại với con gái.

Quá xót thương cho hoàn cảnh của cô học trò thân yêu, thầy Nguyễn Văn Thành tha thiết nói: "Thật lòng, tôi rất vui và rất mong Bốn có thể tiếp tục con đường học tập của mình. Để có được ngày hôm nay thật không dễ dàng gì đối với em ấy. Tôi hy vọng sẽ có người giúp đỡ em để em hoàn thành được ước mơ và có được tương lai tươi sáng hơn, hạnh phúc hơn".

Như một cách trấn an mình, Bốn nức nở nói: "Em biết 14 năm qua là thời gian quá cực khổ của mẹ và bà nội em. Đến bây giờ em vẫn còn được đi học là cả một giấc mơ đối với em. Em thương mẹ và bà nội lắm. 

Em cũng cảm ơn các thầy cô, bạn bè đã luôn động viên em trong suốt thời gian qua. Em sẽ đi làm thêm để kiếm tiền đi học. Em mong bà nội và mẹ luôn khỏe mạnh để làm chỗ dựa vững chắc cho em sau này".

Dù còn nhỏ tuổi nhưng cậu em trai Nguyễn Trung Hiếu (đang học lớp 1) của Bốn lại rất tình cảm. Thấy chị gái khóc nức nở, cậu nhẹ nhàng cầm lấy tay chị vỗ về: "Chị Hai đừng khóc nữa. Chị ráng lên. Ở nhà em sẽ nghe lời bà nội, sẽ ráng học giỏi như chị Hai. Em thương chị Hai lắm", nói rồi Hiếu ôm lấy chị mình vào lòng.

75 học bổng cho tân sinh viên

Hôm nay (26-11), 75 tân sinh viên khó khăn của Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Định sẽ được nhận học bổng Tiếp sức đến trường tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn và Sở Giáo dục - Đào tạo ba tỉnh tổ chức.

Mỗi suất học bổng 15 triệu đồng với tổng kinh phí hơn 1,1 tỉ đồng do Quỹ khuyến học khuyến tài Khánh Hòa, Tổng công ty Khánh Việt, Công ty TNHH nhà nước MTV yến sào Khánh Hòa, Công ty cổ phần chế biến lâm thủy sản Khánh Hòa, Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết Khánh Hòa và bạn đọc báo Tuổi Trẻ tài trợ.

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng cho tân sinh viên, Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tặng hai laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn.

Cả thôn khâm phục ý chí của cô học trò nghèo đỗ thủ khoa - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Gói mì bẻ đôi nuôi giấc mơ vươn xa Gói mì bẻ đôi nuôi giấc mơ vươn xa

TTO - Từ ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa cánh rừng cao su bạt ngàn tại một huyện vùng biên của tỉnh Tây Ninh, cô học trò Nguyễn Thị Hồng Nhung khao khát những chuyến đi xa để khám phá thế giới, khai phá bản thân.

Bài và ảnh: LÂM THIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên