Giao thừa 2021 sẽ rất khác biệt với các lệnh phong tỏa, giới hạn đi lại và giờ giới nghiêm tại nhiều quốc gia - Ảnh: THE GUARDIAN
Đại dịch COVID-19 hiện vẫn là mối đe dọa lớn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Giao thừa 2021 sẽ đánh dấu một năm kể từ ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lần đầu tiên công bố căn bệnh viêm phổi bí ẩn xuất hiện tại Trung Quốc, sau này đã trở thành dịch bệnh COVID-19.
Đại dịch này đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,79 triệu người trên toàn thế giới, đẩy kinh tế toàn cầu vào cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Vương quốc Anh
Anh đang đối mặt với nguy cơ bùng dịch do biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Quốc gia này đã có 981 người tử vong vì COVID-19. Hôm 30-12, giám đốc y tế của Cơ quan Y tế quốc gia Anh Stephen Powis đã kêu gọi người dân đón giao thừa ở nhà vì "COVID thích đám đông".
"Chúng tôi biết đây là thời điểm cuối năm, là lúc mọi người muốn ra ngoài ăn mừng. Nhưng việc tất cả mọi người phải tuân thủ yêu cầu ở nhà và không tụ họp là tối quan trọng trong năm nay...
Hành động này sẽ giúp giảm lây nhiễm, giải tỏa áp lực cho các bệnh viện, đồng thời là cách mọi người có thể cứu mạng người. COVID thích đám đông, vì thế xin hãy để các bữa tiệc là cho ngày tháng sau này", ông Powis kêu gọi.
Người dân Anh được kêu gọi đón giao thừa ở nhà vì “COVID thích đám đông” - Ảnh: REUTERS
Đức
Quốc gia này hiện đang áp lệnh phong tỏa bán phần. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố 2020 là năm khó khăn nhất trong sự nghiệp lãnh đạo 15 năm của bà, nhưng vắc xin sẽ đem lại nguồn hi vọng mới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng Đức sẽ có "một giao thừa yên ắng nhất" trong ký ức của ông.
Pháp
100.000 cảnh sát và hiến binh Pháp sẽ ngăn chặn các hoạt động tiệc tùng, tụ tập, đốt xe trong đêm giao thừa. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin thông báo các sĩ quan sẽ thực thi nghiêm ngặt lệnh giới nghiêm từ 20h đến 6h sáng hôm sau để "chống lại các cuộc tụ tập công khai bất hợp pháp và tình trạng bạo lực đô thị".
Theo Guardian, lực lượng cảnh sát Pháp sẽ tập trung tại trung tâm các thành phố và những khu dân cư "nhạy cảm".
Các sĩ quan cảnh sát Pháp sẽ thực thi nghiêm ngặt lệnh giới nghiêm từ 20h đến 6h sáng - Ảnh: REUTERS
Mỹ
Quả cầu pha lê tại Quảng trường Thời đại vẫn sẽ được thả xuống vào đúng thời điểm giao thừa tại New York, Mỹ. Thế nhưng, hàng triệu người sẽ đón thời khắc mang tính truyền thống này qua màn hình, thay vì trên những con phố đông đúc của Quảng trường Thời đại như mọi năm.
Chính quyền New York đã tuyên bố quảng trường sẽ không mở cửa cho công chúng. Những ai muốn chứng kiến lễ thả quả cầu pha lê sẽ phải xem trực tuyến hoặc qua truyền hình.
Công tác chuẩn bị cho lễ thả quả cầu pha lê tại Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ - Ảnh: REUTERS
Úc và New Zealand
Tại Sydney, Úc, đại dịch COVID-19 vẫn lây lan từng ngày. Người dân đã được yêu cầu ở nhà và tránh đến xem pháo hoa tại khu cảng nổi tiếng. Các giới hạn tương tự cũng được áp đặt tại tiểu bang Victoria của nước này.
Trong khi đó, nước láng giềng New Zealand vẫn sẽ đón năm mới như thường lệ vì đã kiểm soát thành công virus, sau 7 tuần phong tỏa nghiêm ngặt.
Một góc vắng vẻ của thành phố cảng Sydney, Úc, với tấm bảng kêu gọi người dân thực hiện giãn cách xã hội - Ảnh: REUTERS
Thăm dò ý kiến
Chào 2021, bạn ước mong gì cho năm mới?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận