Mấy nay, các bô lão có tuổi trong khu phố cứ chộn rộn huyên náo như là Tết đến nơi. Mà thiệt, Tết sắp ló mặt tăm tia vô từng nhà, xem đã sắm sửa gì chưa, hoa lá nở tới đâu rồi.
Y như lời ông Tư Rành trong ban cúng tế nhắc mọi người chuẩn bị đầy đủ hết chưa, mơi là cúng Kỳ Yên rồi nghen. Nếu là dăm chục năm về trước, đáp lại lời nhắc đó là sự loi nhoi của đám nhỏ.
Sắp cúng đình rồi đó bây, sắp được ăn heo quay với xôi bà Năm nấu rồi đó bây, ráng ăn nhiều mau lớn như Thánh Gióng nghen bây! Còn mấy bà già lơ phơ tóc trắng, răng trệu trạo đảo qua đảo lại miếng trầu đỏ tươi, hỏi dồn:
- Nay đoàn nào về hát hả Tư? Ai cầm chầu hả Tư?
- Khi nào hồi chầu hả Tư? Biết để kêu thằng Hai đưa đi cúng đúng bữa!
Mà đâu chỉ đi cúng không thôi, mấy bà còn lúi húi quảy theo cơi trầu, vắt cái khăn đội đầu, lót dép ngồi bệt dưới bãi đất trống ở sân đình, kêu thôi tụi bay có việc thì về trước đi, tao coi vãn tuồng rồi về. Một năm mới gặp Vua Chúa có một lần hà, để tao coi cho trọn!
Những hình ảnh đó, âm thanh náo nức bồi hồi đó, nó vẫn còn lai vãng đâu đây.
Chỉ khác là khi xóm đã lên tầm khu phố, những mảnh sân hoa cau rụng trắng đã lần lượt thay bằng sân ximăng hoặc gạch men bóng, đến nỗi con nít mới tập đi thỉnh thoảng té sấp mặt, khóc la ì xèo thì cái sự bổi hổi bồi hồi xem ra đã vợi đi bội phần, chỉ còn vương nơi những cụ ông cụ bà tóc trắng.
Tư Rành còn nhớ như in những năm cúng đình cách đây vài thập niên, mỗi lần nghe tiếng chiêng trống khua vang, cờ lọng xanh đỏ vàng diễu từ cổng đình đi vô là đám nam thanh nữ tú đặt hết việc nặng nhẹ trong nhà xuống, áo quần chỉn chu, có cô còn kỹ lưỡng bôi chút nước hoa nhè nhẹ lên cổ tay.
Để chi? Để mình không lẫn trong cái đám đầu xanh lô nhô loi nhoi dưới sân đình, mà rủi người thương không thấy, không biết. Hoặc trong thâm tâm cổ, cái mùi nước hoa dịu dàng như hương cau hương bưởi đó biết đâu sẽ len lỏi vào giữa mùi phấn son oi nồng của đám nghệ sĩ lộng lẫy uy nghi trên sân khấu, khiến ông Vua đẹp trai quắc thước đang ra oai trên đó xao lòng. Biết đâu, ờ thì biết đâu!
Cô Hai Hường, con gái lớn Tư Rành, cũng từng như vậy. Trong hộc tủ nhỏ đặt đầu giường lúc nào cũng đầy ắp những lọ nước hoa bé bé xinh xinh, này là mùi hổ phách, mùi gỗ, mùi cỏ xạ hương... Hai Hường yêu quý những lọ nước hoa, tỉ như nó là thứ nước thần, có phép mầu rù quến được Tề Tuyên Vương lãng tử ăn chơi nức tiếng trên sân khấu về với mình.
Hai Hường đẹp đúng chuẩn mực phụ nữ Việt, mặt trái xoan, nước da trắng hồng thuần khiết, mắt bồ câu, mi dày cong lên hờn dỗi, má thắm môi hồng, đôi bàn tay thuôn dài ngà ngọc...
Tề Tuyên Vương nhất định sẽ say, sẽ mê, sẽ không thoát ra khỏi những ám ảnh dịu dàng mà Hai Hường cố tình giăng mắc sau mỗi lần Vua trút bỏ long bào uy quyền.
Tư Rành thương con, nên năm nào cúng đình mà được giao cầm chầu và đúng cái đoàn Hương Mùa Xuân về hát đình, sau mỗi lần ông Vua ấy dứt câu vọng cổ lê thê, nghe mà tái tê hết lòng thì y rằng Tư Rành sẽ hào phóng tặng Tề Tuyên Vương "con rể tương lai" vài hồi trống tưởng thưởng.
Đó, Tư Rành hào sảng vậy, Hai Hường xinh đẹp nhường ấy, mà ông Vua sân khấu kia nào có mảy may. Ông Vua "con rể" cầm tay Tư Rành ra điều hàm ơn sâu sắc, nhưng đành mà rằng: "Nghiệp diễn là xướng ca vô loài, nay vinh quang đó, mai còn như xưa? Cái tình của cha con bác, tôi nhất quyết mang theo trong dạ, còn mọi thứ xin dừng tại nơi này!".
Trời ơi! Ông Vua nói mà như diễn. Như vầy, Hai Hường chịu sao thấu? Hai Hường không cam tâm làm một cành mai chết khô chỉ vì một người không đáng. Hai Hường lấy chồng, không biết có phải phục hận không?
Nhưng sau này, mỗi kỳ cúng đình, cho dù có là đoàn Hương Mùa Xuân hay đoàn khác về, Hai Hường cũng như không nghe, không thấy, mặc ông già nô nức áo quần mũ mão đi đình liền mấy ngày mấy đêm, vui như hội.
Năm nay, đoàn Hương Mùa Xuân lại về, nhờ vậy mà Tư Rành có hẹn cà phê lai rai với mấy anh em nghệ sĩ đáng tuổi con mình. Thằng con rể hụt giờ tóc đã thập thò vài sợi trắng, mắt trũng sâu dù cả khuôn mặt vẫn ăn đèn sân khấu như xưa. Tư Rành nhấp ngụm cà phê đen đặc, không chút vòng vo với thằng rể hụt:
- Lâu mới gặp lại ha, vợ con gì chưa bây?
Ông Vua ngồi vò đầu bứt tai, không phải xấu hổ gì, chỉ là khó nói quá đi!
- Dạ, tình thiệt với bác là con thì mấy đứa nhưng vợ thì... như không!
Thật ra là con thương bà Chung Vô Diệm trong đoàn, thương dữ thần. Bả cũng thương con được vài năm, có với nhau mấy đứa, rồi sau bả theo gánh mới, bả đóng chết vai Phàn Lê Huê, rồi cũng chết tình với cái thằng Tiết Nhơn Quý bên gánh đó. Đám con thành ra côi cút, rồi con cũng... mồ côi vợ luôn tới giờ!
Biết là tình nghệ sĩ nó chênh vênh cám cảnh ghê gớm, nhưng Tư Rành không ngờ. Người đóng Chung Vô Diệm năm xưa dù mang sắc mặt của quỷ nhưng sau sân khấu là hoa khôi của
cả đoàn, biểu sao thằng này không mê. Mà kiếp sống rày đây mai đó cũng khiến người
ta đôi lúc lòng dạ trở nên bẩn chật không lường.
Tư Rành thở hắt, nuốt ngụm cà phê đắng ngắt, chia cho ông Vua ổ bánh mì ăn lót dạ buổi sáng:
- Để dành tiền lo sấp nhỏ nghen bây!
Ông Vua cắn miếng bánh mì, tủi thân ứa nước mắt nghĩ về những kỳ hát cúng đình vài
thập niên về trước, làm Vua Chúa mấy đêm thôi mà đủ sắm cà rá hột xoàn đeo lủng lẳng khoe chơi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận