02/12/2018 15:55 GMT+7

Một cuộc gặp

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

TTO - Tôi nhận ra Trâm ngay. Trâm không già đi. Hai mươi năm trước, chúng tôi rời giảng đường đại học.

Một cuộc gặp - Ảnh 1.

Minh họa: TRẦN NGỌC SINH

- Ừ, hai mươi năm rồi, Lạc.

- Hình như lần cuối mình gặp nhau ở Dốc Đá.

- Mình không nhớ được ở đâu. Chỉ biết là trong một quán cơm sinh viên.

- Một quán cơm sinh viên, phải rồi. Quán đó nằm ở Dốc Đá. Khi đó Lạc ốm lắm, mặc áo khoác xanh rộng thùng thình và để tóc dài. Còn mình mặc bộ váy đẹp nhất để dự lễ tốt nghiệp. Mà hình như trong lễ tốt nghiệp không có mặt Lạc. Lạc đã đi đâu?

- Sao Trâm lại có thể nhớ kỹ như vậy? Mình cũng không nhớ rõ là mình đã đi đâu trong buổi sáng ấy. Chỉ nhớ không khí quán cơm sinh viên. Thậm chí, Trâm đừng buồn, mình còn không nhớ Trâm đã mặc bộ đồ gì. Nhớ nhất là mình đã hỏi Trâm sẽ làm gì sau khi ra trường.

- Lạc có hỏi mình câu đó à?

- Có. Trâm ngần ngừ một lúc rồi nói rằng sẽ về làm phòng văn hóa thông tin ở ngoài quê. Mà nói thật, mình cũng quên hỏi quê Trâm ở đâu.

- Có lẽ mình đã nói vậy thật. Dự định của mình lúc đó là quay về quê, chạy chân văn thư trong phòng văn hóa thông tin huyện. Mà này Lạc, có phải lúc đó Lạc chỉ hỏi thoáng qua như đã từng hỏi mọi bạn khác không?

- Bọn sinh viên sắp ra trường đều hỏi thăm nhau như vậy. Mình cũng không nhớ là có quan tâm thật không. Cũng có thể là không. Vì lúc đó bọn mình đâu có biết nhau nhiều.

- Phải rồi, không biết nhau nhiều, ngoài cái tên. Mình thường thấy Lạc ở thư viện. Mình có lén nhìn Lạc từ rất xa. Nhớ nhất là Lạc để tóc dài khá luộm thuộm, đôi mắt u hoài lúc nào cũng như vừa mới bị phụ tình và mặc toàn áo khoác rộng quá khổ.

- Ừ, lúc đó mình chán đời. Nhiều chuyện đã xảy ra…

- Mà công nhận Lạc khó gần thật. Vẻ mặt lúc nào cũng tỏ ra khinh khỉnh lạnh lùng. Cũng may là mình có gặp lại nhau lần cuối ở Dốc Đá, để có chút kỷ niệm hôm nay còn nhắc lại.

- Ừ, thì cũng là một chút kỷ niệm vui vui.

Câu chuyện với Trâm giúp tôi vá lại từng mảng miếng ký ức rời rạc về một mối quan hệ quá sơ sài. Và cho đến cuối buổi gặp hôm đó, tôi cũng quên hỏi Trâm lý do vì sao Trâm ở lại thành phố này mà không về quê làm văn thư phòng văn hóa thông tin như dự tính. Trên đường đi bộ về khách sạn, tôi đã hư cấu một nguyên do có vẻ hợp lý, rằng có thể Trâm lấy một anh chồng người thành phố này rồi ở lại đây lập nghiệp luôn.

Tôi đi qua hàng hiên thấp và lạnh, những chùm phong lữ thảo nở hồng trên đầu. Tôi ngước nhìn lên một cửa sổ, thấy thấp thoáng một ông cụ gầy gò, tóc bạc, mặc pyjama xanh nhạt đang ngồi nhìn mây tư lự. Bầu trời có mấy đám mây xốp bay không hẳn bay, dừng không hẳn dừng.

Tôi đứng tựa cột đèn và lại nghĩ về cuộc gặp gỡ. Hay thật, cuối cùng chúng tôi chỉ nhắc lại cuộc gặp gần nhất, không ai hỏi gì về hiện tại như nghề nghiệp, gia đình, đời sống vui buồn của nhau. Cũng không có thông tin nào về những bước ngoặt đã xảy ra từ sau lần gặp cuối, tạm tin là trong quán cơm sinh viên ở Dốc Đá. 

Và vẻ mừng rỡ của Trâm khi tình cờ nhận ra tôi ngồi uống cà phê một mình bên cửa sổ ngôi quán trong một buổi sáng có mưa hóa ra cuối cùng cũng chỉ để mang đến một vài dữ kiện mà trí nhớ xuống cấp của tôi đã phai nhạt. Nếu khá hơn, chỉ là cung cấp cho tôi cái nhìn của một người khác về tôi của tuổi hai mươi: một đứa lập dị và lạnh lùng. Cái nhìn đó, ít ra cũng tương đồng với cách mà chính tôi, trong thời hiện tại đang nghĩ về tuổi trẻ của mình, không có gì bất ngờ. Và cũng như đã giải thích với Trâm, tôi luôn có lý do gói gọn chúng trong hai chữ: chán đời.

Cứ như thời gian đã không trôi và mối quan hệ giữa hai người bạn chung lớp không có một tiến triển nào. Trâm đặt vào tay tôi một danh thiếp và giải thích rằng đó là thông tin cửa hàng bán hoa khô của gia đình. Nếu tôi còn ở đây lâu và có thể gặp lại cà phê thì gọi số này này hoặc số này này. Tôi lướt mắt hờ hững trên tấm danh thiếp dày đặc chữ như thu gọn nội dung một tờ rơi quảng cáo. Tôi làm như chú ý đến số điện thoại sẽ gọi, dù chẳng xác định được gì, kể cả cuộc gặp lại. Tôi cũng không đủ xởi lởi để nói rằng mình sẽ rảnh trong những ngày tới và rằng sẽ gọi lại cho cái hẹn cà phê.

- Mình vẫn đọc những gì Lạc viết chỗ này chỗ kia.

- Cảm ơn Trâm.

- Mình vẫn nhắc về Lạc khi gặp bạn bè cùng lớp. Lớp

mình chỉ có Lạc theo đuổi văn chương.

- Cũng như mọi nghề khác thôi, Trâm! - tôi nói. Cách nói quen thuộc khi có ai đó quan tâm đến nghề nghiệp của mình.

- Lạc phải giữ sức khỏe. Bao nhiêu năm, Lạc vẫn vậy, luôn có vẻ lãng tử. Chỉ có điều không còn mặc áo khoác thùng thình nữa và không để tóc dài nữa. Trâm cười nhẹ.

Trâm đeo túi xách da và mặc áo khoác cổ lông cừu đi về cuối sảnh, rồi sực nhớ, quay lại bắt tay tôi, nói: Mong rằng mọi việc hanh thông với Lạc.

Lúc đó tôi định buột miệng nói: "Sao Trâm có thể trẻ lâu vậy?", nhưng đã kịp khựng lại.

Dưới cột điện, tôi đốt thuốc và thở khói lên trời. Tôi rít hai hơi liên tiếp và gí điếu thuốc cháy dở dưới mũi giày. Tôi xỏ tay vào áo măngtô tìm cái danh thiếp tiệm hoa khô mà lúc nãy Trâm vừa gửi, nhưng nó đã biến mất. Có thể lúc đi bộ qua đoạn dốc, gió đã thổi nó bay ra lề đường ẩm ướt như đúng số phận của những tờ rơi.

Ông già ngắm mây trên cửa sổ biến mất, cánh cửa màu xanh vừa khép. Nhưng những đám mây trên cửa sổ vẫn còn đó. Lửng lơ. Không hẳn bay, không hẳn dừng. Mấy chậu phong lữ thảo vẫn hồng bên hiên nhà ẩm thấp, chỗ góc ngã ba.

Từ bỏ - một truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư Từ bỏ - một truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư

TTO - Lần đó đi thăm cậu Năm, ông ngoại dắt tôi theo. Chín tuổi, tôi nhỏ nhất nhà, từ khi sinh ra chưa từng gặp cậu.

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên