31/03/2014 10:22 GMT+7

Cà chua Đà Lạt "khủng" 0,5 - 3kg/trái chịu nỗi oan

MAI VINH
MAI VINH

TT - Nhiều nông dân Đà Lạt (Lâm Đồng) đang đau đầu vì một số loại rau củ sản xuất theo quy trình công nghệ cao bí đường ra thị trường, thậm chí đã xuất bán đi còn bị nhà phân phối gửi trả do người tiêu dùng nhầm tưởng là rau củ Trung Quốc.

Rau Đà Lạt lại đổ cho bò ăn Làm giàu từ chuối, cà chua, cá tầmNông dân bỏ tiền túi ra nước ngoài học trồng cà chua

gbDHHDrG.jpgPhóng to
Ông Lê Công Thôn (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) với vườn cà chua Beef, trái chưa đến thời điểm thu hoạch nhưng đạt trọng lượng 3 trái/kg - Ảnh: Mai Vinh

Nhiều tiểu thương cho biết một số người cứ nghĩ rằng rau củ trong nước chỉ là những loại có kích cỡ trung bình như trước giờ vẫn thấy. Họ không thừa nhận những loại cà chua Beef xuất xứ Hà Lan có trọng lượng khoảng 0,5 kg/quả, khoai tây 3 củ/kg hay bắp sú nặng khoảng 3 kg/bắp là rau củ Đà Lạt. Nghịch lý đã xảy ra, rau củ đúng chuẩn chỉ bán được với giá thấp, những loại không đạt chuẩn: quả nhỏ, thu hoạch sớm thì được mua với giá cao. Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, toàn vùng rau Đà Lạt và phụ cận có khoảng 30ha rau đang trong tình trạng này.

Ông Lê Công Thôn (Đức Trọng, Lâm Đồng) trồng khoảng 1ha cà chua Beef trên giá thể và chăm sóc trong nhà kính, cà chua cho ra quả chắc, nặng cân. Sau một thời gian chăm sóc đúng quy trình để có quả đạt chuẩn lại phải điều chỉnh quy trình để cà chua ra trái nhỏ, thậm chí chỉ bằng những loại cà chua thông dụng đang bán trên thị trường. “Muốn làm cho ngon lành cũng khó, người tiêu dùng chưa phân biệt được cà chua chất lượng cao, giống tốt nên tưởng nhầm hàng Trung Quốc” - ông Thôn nói.

Bà Phạm Thị Thu Cúc (Lạc Dương, Lâm Đồng) bảo cà chua Beef đầu tư 1ha tốn gấp 5 lần cà chua thông dụng nhưng thu hoạch hiện chỉ đủ vốn. Bà kể nghịch lý mà bà đang gặp phải: cà chua đúng chuẩn thì bán với giá rẻ, cà chua lỗi trái nhỏ hơn thì được mua với giá cao, trong khi đó cả vườn của bà chỉ có khoảng 20% loại cà chua thứ cấp. Mới đây, ông Nguyễn Công Thừa - tổng giám đốc Hợp tác xã rau sạch Anh Đào (Đà Lạt) - phải tìm cách xoay xở bán rẻ lô hàng 4 tấn khoai tây và bắp sú Đà Lạt bị nhà phân phối trả về do to quá cỡ, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Trước câu chuyện này, bà Nguyễn Thị Cẩm Huyền - trưởng đại diện Fresh Studio Đà Lạt (Hà Lan), một công ty chuyên sản xuất và hỗ trợ, tư vấn nông dân sản xuất nông sản công nghệ cao - cho rằng đã sản xuất công nghệ cao thì việc có những giống mới xuất hiện, khác biệt so với những giống cũ là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, để được người tiêu dùng đón nhận, ngành nông nghiệp phải liên tục có các hoạt động giới thiệu sản phẩm mới bên cạnh duy trì chất lượng sản phẩm. “Câu chuyện cà chua Beef bị hiểu nhầm là cà chua Trung Quốc là điều đáng tiếc vì giống này đã ứng dụng ở châu Âu hơn 20 năm, rõ ràng kênh quảng bá của nông sản Đà Lạt chưa hiệu quả” - bà Huyền nói.

Chuyên gia nông nghiệp Lê Hữu Phan cho rằng rau củ Đà Lạt phân phối đi khắp cả nước và chủng loại mới xuất hiện thường xuyên nên ngành nông nghiệp Đà Lạt cần phải xây dựng kênh thông tin về nông sản của mình, phải cho người tiêu dùng biết một cách đầy đủ quy trình sản xuất, giống, sản phẩm đúng chuẩn. Giải thích rõ cho mọi người hiểu đây là sản phẩm của công nghệ sinh học, không phải đột biến gen. “Làm càng sớm càng tốt để tránh những hiểu lầm gây tổn hại đến thương hiệu rau Đà Lạt” - ông Phan nói.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Vạ lây vì bán hàng lừa đảo tại nhàMất cơ hội xuất khẩu vì... nguyên tắcDoanh nghiệp kêu hải quan Xa MátVỡ hợp đồng xuất khẩu vì quy địnhLàm mới trước người tiêu dùng

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên