Thế nhưng từ đầu năm 2014 đến nay, hàng chục doanh nghiệp ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang... đang “khóc ròng” vì không thể xuất khẩu do Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang không cấp giấy chứng nhận xuất xứ khi các doanh nghiệp này mua hàng.
Cụ thể, Công ty CP thủy sản Sông Tiền đã ký hợp đồng xuất chín container với 844 tấn nhưng chưa mua được hàng; Công ty CP Gò Đàng ký hợp đồng xuất hơn 1.000 tấn nhưng chỉ mới mua được vài chục tấn. Hạn giao hàng đã trễ, các khách hàng châu Âu đang hối thúc và dọa sẽ kiện đòi bồi thường hợp đồng càng khiến họ “lên ruột”.
Theo các doanh nghiệp, năm nào họ cũng mua một số lượng lớn nghêu lụa ở tỉnh Kiên Giang có giấy chứng nhận khai thác. Giấy này Sở NN&PTNT cấp cho các cơ sở, doanh nghiệp thu mua trong tỉnh. Chính vì thế khi tỉnh Kiên Giang thông báo công khai lịch mùa vụ khai thác thì các doanh nghiệp cũng lo tìm khách hàng ký hợp đồng vì đinh ninh sẽ mua được nguyên liệu như các năm trước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Quảng Trọng Thao - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang - nói sở đã làm đúng quy định. Chỉ những tàu có đăng ký, đăng kiểm mới được sở cấp phép khai thác nhuyễn thể hai mảnh vỏ và chỉ có nguyên liệu do các tàu này khai thác thì mới được cấp giấy chứng nhận xuất xứ. Năm 2013, sở có linh động giải quyết cấp chứng nhận xuất xứ cho một lượng nguyên liệu tồn đọng, nhưng năm nay chỉ cấp cho những lô hàng được cấp phép khai thác.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc quy định sáu tháng khai thác, sáu tháng ngưng nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản là đúng. Tuy nhiên, nếu chỉ cấp phép khai thác cho tàu lớn và chỉ cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho sản lượng của những tàu này khai thác thì hơi cứng nhắc. Chính vì vậy mà đến nay tỉnh chỉ mới cấp phép cho ba tàu khai thác nghêu lụa. Ông Nguyễn Văn Đạo, tổng giám đốc Công ty CP Gò Đàng, bức xúc: “Một khi ngành nông nghiệp cho phép khai thác tức là kích cỡ nghêu lụa đã lớn, đủ điều kiện xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Cho dù tàu lớn hay tàu nhỏ khai thác thì cũng thu được nghêu có kích cỡ tương đương nhau. Doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu không đòi hỏi phải chứng nhận con nghêu này do tàu 90CV hay 20CV khai thác. Càng không thể có chuyện tàu lớn mới bắt được, tàu nhỏ thì không; không thể có chuyện doanh nghiệp chở nghêu từ tỉnh khác tới Kiên Giang đổ đống xin giấy chứng nhận xuất xứ. Vấn đề ở đây là nghêu lụa chỉ có ở quần đảo Bà Lụa (Kiên Giang), là nơi được châu Âu thừa nhận. Cho nên ngành nông nghiệp không cần phải quy định quá chặt gây khó khăn cho ngư dân và doanh nghiệp như vậy”.
Không chỉ có doanh nghiệp kêu trời mà chính quyền huyện Kiên Lương cũng lên tiếng. Ông Trần Hồng Hải, phó chủ tịch UBND huyện, đã ký văn bản gửi Sở NN&PTNT nói rằng hằng năm huyện này khai thác hàng chục ngàn tấn nhuyễn thể hai mảnh vỏ, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Tuy nhiên gần đây các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do không được sở cấp giấy chứng nhận xuất xứ khai thác. Số này rơi vào trường hợp người dân khai thác bằng tàu nhỏ dưới 20CV, không có đăng ký, không có giấy phép của sở. Tại huyện Kiên Lương có hai doanh nghiệp đang tồn đọng hàng ngàn tấn nguyên liệu chưa xuất đi được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận