Phóng to |
Chăm sóc cây kiểng tại Trung tâm Thanh Tâm - Ảnh: N.Trí |
Đây là một chủ trương đúng, thế nhưng trên thực tế khi quyết định này được triển khai, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cây cảnh lại rơi vào cảnh “sống dở, chết dở” bởi các đơn vị có chức năng chứng nhận nguồn gốc và các vấn đề liên quan lại đá “trái bóng” trách nhiệm cho nhau.
Tiếp xúc với Tuổi Trẻ mới đây, bà Nguyễn Thị Hoàng - giám đốc Trung tâm bonsai Thanh Tâm (P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM) - vẫn chưa hết bức xúc cho biết từ nhiều năm nay trung tâm đã xuất khẩu sang nhiều nước Đông Nam Á và thủ tục chỉ cần giấy kiểm dịch thực vật là có thể xuất thuận lợi. Công việc đang diễn ra thuận lợi, bỗng nhiên từ cuối năm 2013 khi Thanh Tâm tập kết cây cảnh (chủ yếu là mai chiếu thủy, mai vàng và khế) để chuẩn bị chuyển ra cảng Cát Lái (TP.HCM) xuất sang Thái Lan, Singapore và Malaysia thì phía hải quan ách lại. Đơn vị này cho rằng theo quy chế quản lý cây cảnh, cây bóng mát, cổ thụ... vừa được ban hành, doanh nghiệp cần phải có giấy xác nhận của phường về nguồn gốc cây cảnh trong vườn nhà, thời gian trồng và quy cách, kích thước cây.
Ngậm ngùi vì trễ hẹn một ngày so với hợp đồng, bà Hoàng tất tả chạy lên UBND P.Tân Thới Nhất thì nhận được câu trả lời là họ chỉ xác nhận doanh nghiệp nằm trên địa bàn, có giấy phép kinh doanh và hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế. Riêng việc xác nhận nguồn gốc, thời gian trồng và đo quy cách cây UBND phường không có nghĩa vụ và chuyên môn để làm, vì khó xác định được cây này là cây trong vườn nhà trồng, bao nhiêu năm... Trong khi đó, hầu hết những cây cảnh của Thanh Tâm xuất đi là gom từ những nhà vườn ở ĐBSCL, TP.HCM... không thể có ở rừng tự nhiên.
Trong lúc đó, hải quan vẫn khẳng định không làm khó doanh nghiệp và nhất quyết phải có được giấy xác nhận của phường về các điều kiện trên, nếu hợp lệ mới cho xuất khẩu. Lo lắng cho lô hàng của mình, bà Hoàng quay về UBND phường thì lại nhận được kết quả như cũ, không xác nhận. Lên phường, rồi đến hải quan, 10 ngày bà Hoàng quyết định về các đơn vị đã lấy cây cảnh ở miền Tây và nhờ họ xác nhận lại nguồn gốc và thời gian trồng tại vườn để thỏa điều kiện hải quan đưa ra. Tuy nhiên, điều trớ trêu là chính quyền địa phương tại các đơn vị, nhà vườn mà Thanh Tâm mua cũng không chịu xác nhận. Không còn cách nào khác, bà Hoàng đành chở cây về, vì càng để lâu cây càng chết...
“Bao nhiêu năm xuất khẩu thuận lợi, đi biết bao nhiêu nước để tìm kiếm khách hàng, bây giờ cây ra cảng lại chở về cả bốn container, tôi thật sự đau xót” - bà Hoàng nói như khóc.
Với bốn container cây cảnh, trị giá trên 60.000 USD không được xuất khẩu, trong đó một container đầu tiên xuất qua Thái Lan phải nằm tại cảng Cát Lái trong 10 ngày đã khiến bà Hoàng thiệt hại khoảng 30.000 USD vì cây chết, mất tiền cọc, chi phí đội lên do chăm sóc bảo vệ cây ngay tại cảng, chuyên chở, thuê mặt bằng... Tuy nhiên, cái đau hơn chính là uy tín và cơ hội làm ăn với đối tác nước ngoài mà Thanh Tâm tạo dựng bấy lâu...
“Quyết định của Chính phủ, tôi ủng hộ và luôn chấp hành, nhưng việc đá trái bóng trách nhiệm qua lại giữa các cơ quan khiến doanh nghiệp rất khổ sở. Để có được cây bonsai đẹp, người nông dân phải mất hàng chục năm trời, trong khi các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan hằng năm xuất khẩu một lượng cây cảnh lớn, thúc đẩy ngành hoa - cây cảnh phát triển. VN là nước có rất nhiều loại cây cảnh quý hiếm, đặc biệt là mai chiếu thủy và mai vàng được nước ngoài rất chuộng, nếu chỉ vì quy chế mà ảnh hưởng đến doanh nghiệp như vậy thì rất phí nguồn cây cảnh trong dân, thiệt hại thuộc về người nông dân” - bà Hoàng chua xót.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận