Những người dân Ireland phản đối Brexit - Ảnh: REUTERS |
Tờ báo Anh Sunday Telegraph số ra ngày 6-8 đã tung quả bom “chi phí li dị” lên đến 40 tỉ euro mà Anh phải chi trả kiểu đền bồi cho EU.
Dẫu con số này không bằng các ước tính trước đây của một số quan chức EU lên đến 100 tỉ nhưng cũng gây sóng gió bởi các bên tham gia đàm phán đều thống nhất không tiết lộ con số chính xác.
Sẽ đền bồi
Tờ báo của Anh khẳng định có các nguồn tin (giấu tên) từ chính quyền cho biết mỗi năm London sẽ phải 10 tỉ euro cho EU để có được quyền bàn đến Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU.
Vì thế sau công bố của tờ Sunday Telegraph, ngay trong ngày 6-8, Văn phòng Thủ tướng Anh phải tuyên bố London có đồng ý trả tiền cho Liên minh Châu Âu (EU) để có được các cuộc thỏa thuận đàm phán thương mại và việc Anh rời khối này, hay còn gọi là Brexit, nhưng bác con số 40 tỉ euro (36 tỉ bảng) mà tờ Sunday Telegraph đưa ra.
Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh khẳng định con số mà tờ Sunday Telegraph cho rằng EU yêu cầu Anh phải cho Brexit là "tin đồn không chính xác".
Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, việc London quyết định đưa ra đính chính nhằm trấn an lo ngại của dư luận Anh rằng chính phủ sẽ chấp nhận trả cho EU số tiền lớn nhằm có được thỏa thuận thương mại với EU.
Chính quyền Anh cho biết vấn đề mức đóng góp tài chính của Anh cho EU cần một sự thỏa hiệp từ cả hai phía. Vấn đề này hiện là một vấn đề chính trị lớn đối với London, một phần là do trong chiến dịch kêu gọi cử tri bỏ phiếu ủng hộ Brexit, phe ủng hộ đã tuyên bố nếu không ở trong EU nữa, Anh sẽ thu lại từ EU khoảng 350 triệu bảng/tuần cho ngân sách dịch vụ y tế công, vốn đang thiếu trầm trọng.
Trong khi đó, EU được cho là sẽ không chuyển sang bước đàm phán tiếp theo về quan hệ tương lai với Anh, nếu như vấn đề đóng góp tài chính của Anh vẫn chưa ngã ngũ.
Hồi cuối tháng 7, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier từng cảnh báo bước tiếp theo của tiến trình đàm phán có thể sẽ bị hoãn đến tháng 12 do Anh vẫn chưa đưa ra quyết định sẽ đóng bao nhiêu cho EU.
Theo AFP, ông Barnier cũng không đưa ra con số chính xác về số tiền Anh phải trả nhưng khẳng định cách thức tính tiền đền bồi sẽ được thiết lập trong giai đoạn đầu của quá trình đàm phán về chuyện Anh Brexit vốn sẽ kết thúc vào cuối tháng 10 tới.
Hiện cả Thủ tướng Anh Theresa May và Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis đều nhất trí London sẽ trả tiền cho EU, nhưng cho hay quyết định đưa ra sẽ được tính toán cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ của nước Anh hậu Brexit.
Châu Âu có bị thiếu tiền
Việc Anh rời EU đã gây thiệt hại không ít cho EU qua xác nhận của ông Günther Oettinger, Cao ủy châu Âu về vấn đề ngân sách, với nhật báo Bild của Đức. Theo đó ngân sách của EU bị hụt 10-12 tỉ euro mỗi năm.
Theo ông Oettinger, để bù đắp thâm hụt này, EU sẽ phải cắt giảm ngân sách của một số chương trình và buộc các thành viên đóng góp nhiều hơn.
Bên cạnh đó, ông Oettinger khẳng định dù có rời EU từ tháng 3-2019 thì Anh vẫn phải tiếp tục góp tiền cho các chương trình dài hơi đã ký kết với EU trước khi có kết quả trưng cầu dân ý hồi tháng 6-2106. Như vậy ít nhất đến năm 2020, London sẽ vẫn còn phải đóng góp tiền cho các chương trình chung đã cam kết.
Trước đó, phát biểu trên đài BBC ngày 28-7, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho biết sau tháng 3-2019 - thời điểm được ấn định cho việc nước Anh chính thức rời khỏi EU, tình hình tại Anh sẽ không có nhiều thay đổi và dòng lưu chuyển hàng hóa giữa Anh và EU sẽ "không khác nhiều so với hiện tại".
Ông Hammond cũng cho biết "có một sự đồng thuận rộng rãi" rằng giai đoạn quá độ hậu Brexit sẽ kết thúc vào thời điểm Anh tổ chức tổng tuyển cử, dự kiến vào tháng 6-2022.
Liên quan đến một vấn đề gai góc trong các cuộc đàm phán Brexit là quyền của các công dân EU đến và sinh sống tại Anh. Bộ trưởng Hammond cho biết trong giai đoạn chuyển tiếp, các công dân EU vẫn có thể đến Anh song họ sẽ cần phải đăng ký với chính quyền để nhà chức trách Anh có thể kiểm soát dòng người ra vào nước này.
Theo quan chức trên, sẽ cần một thời gian nữa trước khi Anh và EU có thể đạt được cơ chế kiểm soát người di cư hoàn thiện giữa hai bên.
Về vấn đề kinh tế, Bộ trưởng Hammond cho biết Anh muốn tránh một "kịch bản bế tắc" cho Brexit - một kích bản sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn cho hoạt động thương mại, song ông khẳng định rời khỏi EU đồng nghĩa với việc rời khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan.
Bộ trưởng Hammond nhấn mạnh vì lợi ích của EU và Anh, cần có một thời kỳ chuyển tiếp để cho phép các nền kinh tế điều chỉnh. Bên cạnh đó, Anh cần phải hiểu rõ những thách thức mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt hậu Brexit.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận