Phóng to |
Nhân viên y tế TP Đà Lạt kiểm tra thân nhiệt cho trẻ sau khi tiêm văcxin Quinvaxem - Ảnh: Mai Vinh |
Nhưng tỉ lệ có phản ứng sốt, sưng đau chỗ tiêm, tím tái... thì ở văcxin ho gà toàn tế bào như Quinvaxem cao hơn. Ông Phu nói thêm ngoài VN, Quinvaxem được sử dụng ở 90 nước khác trên thế giới, nên không phải chưa được thử nghiệm lâm sàng như nhiều ý kiến băn khoăn.
Đồng Nai, TP.HCM: gần 140 trẻ phản ứng phụ
Sau khi tiêm văcxin Quinvaxem trở lại từ ngày 5-11, bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai - cho biết đã tiêm gần 18.000 liều. Sau tiêm, 134 trẻ có phản ứng phụ như sốt, tím tái. Trong số này ba trẻ bị co giật được phụ huynh cho nhập viện cấp cứu. Có trường hợp co giật chuyển lên TP.HCM nhưng tại đây chẩn đoán tình trạng co giật không phải do tiêm chủng. Bác sĩ Ngưỡng khẳng định: “Tất cả trẻ được nhập viện đã ổn định và xuất viện”.
Theo bác sĩ Ngưỡng, ngành y tế đã lập 11 đoàn đi kiểm tra 171 điểm tiêm chủng ở các xã, phường và tập huấn cho cán bộ y tế. Trong quá trình tiêm, các đoàn cũng đi giám sát các điểm tiêm đều đảm bảo tiêm chủng cho 50 trẻ/buổi. Tuy nhiên, bác sĩ Ngưỡng cho hay sau “sự cố” văcxin Quinvaxem, nhiều phụ huynh còn lo lắng nên số trẻ đi tiêm chủng đợt này ở Đồng Nai chỉ đạt 38% so với dự kiến.
Còn tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, có hai trẻ bị phản ứng sau tiêm Quinvaxem. Một trẻ được tiêm ngừa tại trạm y tế xã Đa Phước (không phải nhập viện - PV) và một trẻ tiêm tại trạm y tế xã Bình Chánh. Cả hai đều được tiêm trong ngày 14-11. Trước đó, tại trạm y tế P.11, Q.Gò Vấp cũng có một trẻ sau khi tiêm Quinvaxem ngày 11-11 bị phản ứng, đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị và đã xuất viện. Các bé này có những triệu chứng sốt vừa đến sốt cao (38-39OC), quấy khóc, hơi tím chi, sưng đỏ chỗ tiêm... Gia đình các bé theo dõi sát và phát hiện kịp thời, đưa đến trạm y tế và bệnh viện ngay để được can thiệp về y tế.
Tuy nhiên, đến 17g ngày 14-11, bé Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (5 tháng tuổi) vẫn đang được theo dõi tại phòng chăm sóc đặc biệt, khoa nhi Bệnh viện huyện Bình Chánh. Chị Trần Thị Ngọc Trinh, mẹ của bé Quỳnh, cho biết từ lúc sinh ra con của chị khỏe mạnh. 9g sáng cùng ngày, bé Quỳnh được trạm y tế xã Bình Chánh tiêm văcxin Quinvaxem. Trước khi tiêm văcxin, chị có nói rõ tình trạng sức khỏe của con cho bác sĩ. Chị cũng được tư vấn về những rủi ro bé Quỳnh có thể gặp sau khi tiêm văcxin này. Sau khi tiêm, bé Quỳnh được theo dõi 30 phút trước khi về nhà. “Đến 12g30, con tôi ngủ dậy thì khóc ré, người giật liên tục, hai chân tím tái, mình nổi nhiều mảng đỏ như bị phỏng. Kèm theo đó hai tay lạnh, toát mồ hôi, mặt tái xanh. Ông ngoại liền chở cháu vào Bệnh viện Bình Chánh cấp cứu” - chị Trinh cho biết. Đến 15g, cơ thể bé Quỳnh không còn bị nổi mẩn đỏ. Chân phải chỉ còn một vết tím. Chị Trinh cho biết thêm đây là lần đầu con chị tiêm Quinvaxem.
Ngân sách cho tiêm chủng mở rộng có thể bị cắt giảm?
Trao đổi về những ca phản ứng sau tiêm Quinvaxem tại TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ - phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP - cho biết sau bốn ngày triển khai tiêm trở lại văcxin Quinvaxem, các quận huyện đã tổ chức tiêm ngừa cho gần 5.000 trẻ, nhưng chỉ bốn ca phản ứng nhẹ vừa và sức khỏe các bé đến nay đều ổn định. Bác sĩ Thọ khẳng định đây là những phản ứng bình thường của trẻ sau tiêm văcxin Quinvaxem. Do được bác sĩ tư vấn kỹ nên khi thấy trẻ có vài biểu hiện khác lạ là gia đình đưa trẻ đến bệnh viện theo dõi.
Bên cạnh đó, thông cáo báo chí ngày 14-11 của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết đến nay có 36 địa phương triển khai tiêm Quinvaxem trở lại, với 300.000 trẻ được tiêm ngừa. Về số lượng phản ứng sau tiêm, tại tám tỉnh thành đầu tiên tiêm ngừa lại có 81 bé có phản ứng sau tiêm, Hà Nội có tám bé có phản ứng sau tiêm, tỉ lệ có tím tái khoảng 20%. Theo ông Trần Đắc Phu, tỉ lệ phản ứng vừa qua là trong giới hạn Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo! Ông Phu nhấn mạnh việc cần tập trung hiện nay là giám sát khám sàng lọc trước tiêm và phản ứng nặng sau tiêm.
Một vấn đề đáng quan tâm khác, theo thông tin của Tuổi Trẻ, năm 2013 ngân sách nhà nước dành 240 tỉ đồng cho chương trình tiêm chủng mở rộng, khoản ngân sách này đáp ứng 45% nhu cầu cho chương trình, 55% còn lại là tài trợ quốc tế. Năm 2014 do khó khăn chung, có tin cho rằng ngân sách các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có cả tiêm chủng mở rộng sẽ bị cắt giảm 40% kinh phí, chỉ còn trên 140 tỉ đồng.
Thế nhưng, nói về đầu tư cho tăng cường an toàn tiêm chủng sau hàng loạt tai biến tiêm ngừa, cho đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có thống kê, cũng chưa có số lượng cán bộ, nhân viên được tập huấn lại, hướng dẫn lại về an toàn tiêm chủng, chưa có thống kê về tình hình khắc phục gần 10% điểm tiêm ngừa chưa đạt yêu cầu đã phát hiện được qua kiểm tra vừa qua.
Buổi tiêm chủng lo âu TP Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa triển khai tiêm trở lại vào ngày 14-11. Đây là địa bàn có hai ca tử vong sau khi tiêm văcxin Quinvaxem vào tháng 11-2012 và tháng 3-2013 nên sự chuẩn bị kỹ càng của các cơ quan chức năng từ nhiều ngày trước đợt tiêm chủng cũng không làm phụ huynh bớt lo âu. Tại Trung tâm y tế P.1, các phụ huynh đều hỏi ý kiến bác sĩ rất kỹ trước khi đồng ý hoặc không đồng ý cho con tiêm chủng. Câu hỏi lặp đi lặp lại nhiều lần ở hầu hết các phụ huynh: “Con tôi đang rất khỏe mạnh, tiêm có an toàn hay không?”. Đáp lại là câu trả lời trung dung: “Không ai dám khẳng định chắc chắn an toàn, sẽ có trẻ bị phản ứng nặng hoặc nhẹ thì tùy cơ địa”. Nhiều phụ huynh sau khi được tư vấn đã lưỡng lự. Chị Lưu Thị Kim Dung, mẹ của bé gái Lê Trần Mỹ Diệp, nghe tư vấn xong liền ôm con ra hội ý với người nhà. Sau gần 15 phút trao đổi, chị Dung mới quyết định ký vào giấy xác nhận đồng ý tiêm văcxin. Chị Dung cho biết: “Phó mặc may rủi vậy, tôi không còn giải pháp nào khác”. Tiêm văcxin Quinvaxem xong, trẻ được theo dõi tại trung tâm y tế trong khoảng một giờ. Sau khoảng 15 phút, nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt các cháu bé một lần. Song chị Đặng Thị Tuyết Như vẫn lo lắng cho con mình là bé Ngô Đức Toàn, đôi tay không rời trán con trai. Trong khi đó, chị Đoàn Thị Thảo Vân, mẹ của bé Đặng Phương Anh, quyết định không tiêm và ký cam kết với Trung tâm y tế P.1 sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về sức khỏe của con mình. Để có quyết định đó, chị Vân đã gọi điện thoại trao đổi với gia đình hơn 10 phút. Chị Vân nói: “Tôi không muốn ân hận và không dám đánh cược sinh mạng con cái cho may rủi”. Theo thống kê của Trung tâm Y tế TP Đà Lạt cuối ngày 14-11, có 13/940 phụ huynh từ chối cho con tiêm văcxin Quinvaxem sau khi được tư vấn, 48 phụ huynh chọn tiêm loại văcxin khác có công dụng tương tự tại Viện Pasteur Đà Lạt. Bác sĩ Nguyễn Minh Hiền, phó giám đốc Trung tâm Y tế TP Đà Lạt, cho biết để tránh những tranh cãi về trách nhiệm có thể xảy ra giữa phụ huynh và đơn vị tiêm chủng, Trung tâm Y tế TP Đà Lạt đã phát hành 5.000 phiếu thông tin. Phụ huynh phải ký vào phiếu nếu đồng ý hoặc không đồng ý tiêm chủng. Các bác sĩ và nhân viên tư vấn cũng phải ký vào phiếu. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Có lựa chọn khác ngoài Quinvaxem?Văcxin Quinvaxem: tiêm mà lo“Đề nghị tiếp tục tiêm Quinvaxem tại Cai Lậy”Có sai sót khi tiêm văcxin QuinvaxemVẫn tiếp tục dùng QuinvaxemTrẻ nhập viện sau tiêm văcxin Quinvaxem ở Tiền Giang tăng 27 trẻ nhập viện sau khi tiêm văcxin QuinvaxemTiếp tục tiêm ngừa văcxin QuinvaxemLâm Đồng: lập đội cấp cứu tai biến Quinvaxem lưu động
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận