28/10/2013 10:16 GMT+7

Vẫn tiếp tục dùng Quinvaxem

LAN ANH
LAN ANH

TT - Hơn năm tháng tạm dừng vì nghi ngờ tai biến, 12 tỉnh thành triển khai tiêm ngừa trở lại trong hai ngày 25 và 26-10 đã có 53 trẻ nhập viện theo dõi do có phản ứng sau tiêm. Đặc biệt, tại tỉnh Tiền Giang nhiều trẻ có biểu hiện sốt, co giật, tiêu chảy sau tiêm.

Trẻ nhập viện sau tiêm văcxin Quinvaxem ở Tiền Giang tăng 19 trẻ nhập viện sau khi tiêm vắcxin Quinvaxem tại Tiền GiangChưa có kết luận nguyên nhân gây tử vong

jpCd5dZb.jpgPhóng to
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy (Tiền Giang) khám cho một cháu bé bị phản ứng sau khi tiêm văcxin Quinvaxem - Ảnh: Tr.Giang

Tuy nhiên ngày 27-10, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết vẫn tiếp tục triển khai tiêm ngừa Quinvaxem.

Phản ứng nhẹ

Theo ông Trần Đắc Phu, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã trao đổi với Viện Pasteur TP.HCM và tạm dừng tiêm Quinvaxem do nhiều trường hợp có phản ứng sau tiêm. Ngoài Tiền Giang, 11 tỉnh thành khác triển khai tiêm ngừa Quinvaxem cũng ghi nhận một số trường hợp phản ứng tương tự. Ngay sau đó Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, Cục Y tế dự phòng đã thống nhất với Viện Pasteur TP.HCM và quyết định tiếp tục tiêm ngừa Quinvaxem. Lý do là các bé gặp phản ứng sau tiêm đều là các phản ứng thông thường, phản ứng nhẹ sau tiêm văcxin. “Cục Y tế dự phòng và các viện chuyên môn chủ trương không chủ quan, làm ào ào, nhưng trong trường hợp có phản ứng nhẹ như trên thì tiếp tục cho tiêm” - ông Phu cho biết.Ông Phu nói phản ứng lo lắng của các bậc cha mẹ sau khi sử dụng lại Quinvaxem là có lý do, điều này liên quan đến nhiều trường hợp tai biến sau tiêm chủng, trong đó có những trường hợp tử vong.

Một số điểm tiêm chủng chưa an toàn

Theo cục trưởng Trần Đắc Phu, từ tháng 9 đến nay Bộ Y tế và các sở y tế tỉnh thành, các viện chuyên môn kiểm tra được 60% của 17.000 điểm tiêm chủng trong cả nước. Trong số này, tỉ lệ đạt yêu cầu là 90,14%, số còn lại chưa đạt yêu cầu và phải khắc phục ngay. Số chưa được kiểm tra, ông Phu cho biết cơ sở tự kiểm tra, nếu đạt các tiêu chí thì được phép tiêm ngừa, nếu chưa đạt phải tạm dừng để khắc phục, chuyển sang tiêm Quinvaxem sau tháng 11.

Theo ông Phu, qua kiểm tra các điểm tiêm chủng, cơ sở chưa đạt tiêu chuẩn chủ yếu là chưa đủ ba phòng là tư vấn, tiêm chủng và lưu trẻ sau tiêm; chưa đủ tài liệu hướng dẫn tuyên truyền cho cha mẹ trẻ về các bước tiêm chủng, quy tắc an toàn; chưa đủ cán bộ được tập huấn và tập huấn lại. Tại các bệnh viện có triển khai tiêm ngừa mũi sơ sinh, lỗi chủ yếu là chưa có tủ lạnh bảo quản văcxin riêng và chưa có phòng tiêm riêng, nên tiêm ngừa luôn tại bệnh phòng.

Theo ông Phu, dùng lại văcxin Quinvaxem cũng phải kèm thêm khuyến cáo cha mẹ chú ý theo dõi diễn biến của trẻ sau tiêm chủng, vì có những trẻ chỉ sốt 38OC đã có co giật, nhưng có bé sốt đến 39OC thì hết sốt vẫn chơi bình thường và cha mẹ không để ý. Vì vậy, ngay khi thấy trẻ có bất thường sau tiêm chủng như quấy khóc, bỏ bú, sốt, tiêu chảy..., các gia đình nên đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế.

Văcxin Quinvaxem

Được sử dụng tại VN từ năm 2006, là văcxin được Liên minh Văcxin và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) hỗ trợ VN thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc. Mỗi năm VN sử dụng tới 4,5 triệu liều văcxin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng. So với các văcxin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 hiện có trên thị trường, Quinvaxem được coi là văcxin thế hệ cũ, giá rẻ do có thành phần ho gà toàn tế bào dễ gây dị ứng hơn so với thành phần ho gà vô bào.

Từ tháng 11-2012, liên tiếp xuất hiện các trường hợp tai biến sau tiêm Quinvaxem tại VN, ngày 4-5-2013 Cục Quản lý dược, Bộ Y tế có quyết định tạm ngưng sử dụng văcxin Quinvaxem để kiểm tra độ an toàn.

Tháng 6-2013, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tại VN cùng tổ chức họp báo thông báo sau khi kiểm tra tại phòng thí nghiệm chuẩn thức Vương quốc Anh, văcxin Quinvaxem được công nhận đảm bảo an toàn. Bộ Y tế đã quyết định dùng lại văcxin Quinvaxem từ tháng 10-2013 sau khi chuẩn bị các điều kiện về cơ sở tiêm chủng, kiểm định văcxin Quinvaxem đã có và mới nhập, tập huấn lại cán bộ...

40% phản ứng sau tiêm Quinvaxem chưa rõ nguyên nhân

Theo thống kê của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, từ năm 2006 đến nay mỗi năm có 10-36 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng được báo cáo. Trong đó năm nhiều nhất là 36 bé (năm 2006). Năm có số tử vong cao nhất liên quan đến tai biến sau tiêm chủng là năm 2007 với 21 trường hợp. Những năm gần đây, năm 2012 có 30 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm, trong đó có 15 ca tử vong, năm 2013 có 22 trường hợp phản ứng nặng, tử vong 13 bé. Về căn nguyên tai biến, phần lớn kết luận không liên quan đến văcxin, trong đó có tới 40% các trường hợp phản ứng sau tiêm Quinvaxem không xác định được nguyên nhân rõ ràng.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên