28/10/2013 09:57 GMT+7

Có sai sót khi tiêm văcxin Quinvaxem

VÂN TRƯỜNG thực hiện
VÂN TRƯỜNG thực hiện

TT - Ngày 27-10, ông Lê Hoàng San - phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - đến huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) kiểm tra vụ hàng loạt trẻ nhập viện sau khi tiêm văcxin Quinvaxem. Trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ, ông San nói:

19 trẻ nhập viện sau khi tiêm vắcxin Quinvaxem tại Tiền GiangChưa có kết luận nguyên nhân gây tử vongTrẻ nhập viện sau tiêm văcxin Quinvaxem ở Tiền Giang tăng

DJq3TCv0.jpgPhóng to
Bác sĩ Lê Hoàng San - Ảnh: Tr.Giang

- Tỉ lệ trẻ bị phản ứng sau tiêm nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên một số trạm y tế có sai sót, cần rút kinh nghiệm.

Không ai tư vấn trước khi tiêm

Trưa 27-10, tại khoa nhi Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy, chị Nguyễn Thị Diễm My (ở xã Long Khánh) kể: “Tôi không hề được nhân viên trạm y tế nói gì về việc có thể bị sốt cao, tím tái sau khi tiêm văcxin này. 7g30 ngày 25-10, tôi đưa con 6 tháng tuổi đến trạm y tế tiêm. Đến khoảng 11g thì con tôi sốt cao, môi tím tái, toàn thân tái nhợt và mềm nhũn. Tôi sợ quá nên đưa con đến bệnh viện”.

Còn chị Nguyễn Thị Thu Hiền (ở xã Thanh Hòa) cũng nói không hề nghe nhân viên trạm y tế tư vấn trước khi tiêm. “Nếu họ nói sau khi tiêm con tôi có thể bị sốt cao, co giật, tiêu chảy... thì có lẽ tôi đã không chịu tiêm. Sau khi tiêm họ bảo chờ chút xíu theo dõi rồi về. Đến tối thì con tôi bị sốt rất cao phải nhập viện. Đến trưa 27-10 vẫn còn sốt, còn buổi sáng bé sốt tới 39OC”.

* Thưa ông, trong đợt tiêm chủng mở rộng ngày 25 và 26-10, văcxin Quinvaxem được tiêm ở tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng chỉ có tỉnh Tiền Giang ghi nhận nhiều trẻ nhập viện sau tiêm. Ông nói gì về điều này?

- Văcxin là chất lạ đưa vào cơ thể, nên khi tiêm sẽ có phản ứng sau tiêm. Các triệu chứng hay gặp là: nóng sốt, phản ứng tại chỗ hoặc toàn thân nhẹ hay nặng hoặc tác dụng phụ không mong muốn. Văcxin Quinvaxem khi đưa vào VN đã thử nghiệm tại tỉnh Long An và cho kết quả an toàn nên Bộ Y tế mới cho sử dụng rộng rãi. Còn số lượng trẻ nhập viện sau tiêm tại tỉnh Tiền Giang, nhất là huyện Cai Lậy, theo báo cáo ban đầu được xem là nhiều nên Viện Pasteur phải đến kiểm tra.

Số liệu thống kê, phân tích tại huyện Cai Lậy cho thấy số trẻ sốt trên 38OC chiếm 1,33% (tỉ lệ của Tổ chức Y tế thế giới - WHO - là 23,7%), nôn ói 0,66% (WHO 0,8%), tiêu chảy 0,28% (WHO 1,5%), khóc dai dẳng 0,44% (WHO 1,5%)... Do đó, tỉ lệ trẻ bị phản ứng sau tiêm tại Tiền Giang nằm trong giới hạn của WHO. Còn các tỉnh khác cũng có thể có trẻ bị sốt, sưng tại chỗ tiêm... nhưng phụ huynh không đưa con đến bệnh viện khám nhiều như ở Tiền Giang.

* Ông nói tỉ lệ bị phản ứng sau tiêm nằm trong giới hạn. Vậy vì sao họ đưa con vào bệnh viện nhiều như vậy, trong khi hai tỉnh kia không có thông tin gì?

- Có những trẻ chỉ bị một triệu chứng sốt cao, cũng có những trẻ bị 2-3 triệu chứng như sốt cao, co giật, sưng tại chỗ tiêm... Chúng ta cũng biết trước đây VN tạm ngưng tiêm văcxin Quinvaxem do một số sự cố. Nay Bộ Y tế cho sử dụng lại sau khi được WHO hỗ trợ xét nghiệm, đánh giá mức độ an toàn. Với hiệu quả của công tác truyền thông hiện nay thì đa số phụ huynh đều biết về văcxin Quinvaxem nên khi con họ bị sốt, bị phản ứng lạ thì họ đưa đến bệnh viện ngay. Đây được xem là mặt tích cực cần ghi nhận.

* Khi kiểm tra tại các trạm y tế, ông có phát hiện sai sót trong quá trình tiêm văcxin Quinvaxem?

- Theo quy định của Bộ Y tế thì một bàn không tiêm quá 50 mũi. Tuy nhiên, một số nơi vi phạm quy định khi tiêm nhiều hơn số này. Có tình trạng nhân viên tiêm chủng dễ dãi với người dân, tiêm quá nhiều so với quy định nên không có thời gian hướng dẫn, tư vấn. Chúng tôi đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh Tiền Giang chấn chỉnh, rút kinh nghiệm tất cả các trạm y tế.

boqcsZ68.jpgPhóng to
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy - Tiền Giang kiểm tra sức khỏe một trẻ bị sốt sau khi tiêm văcxin Quinvaxem - Ảnh: Thúy Hằng

* Qua trao đổi với các bà mẹ có con nhập viện, họ bảo rằng không được nhân viên tiêm chủng tư vấn về những phản ứng có thể xảy ra sau khi tiêm văcxin Quinvaxem, chỉ yêu cầu sau khi tiêm nên ở lại trạm vài phút để theo dõi. Ông có biết chuyện này không?

- Bộ Y tế quy định nhân viên tiêm chủng phải tư vấn, giải thích những phản ứng có thể xảy ra khi tiêm văcxin này. Những phản ứng đó cũng ghi rõ trong tờ hướng dẫn sử dụng văcxin. Có thể là sốt, sưng, rối loạn ăn uống, hay quấy khóc, cáu kỉnh, buồn ngủ... Tôi sẽ yêu cầu kiểm tra lại có đúng như vậy không. Nếu đúng thì nhân viên tiêm chủng đã vi phạm, cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và ngành y tế phải hướng dẫn lại cho họ.

* Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số trẻ bị phản ứng sau tiêm là dưới 1 tuổi. Ông giải thích thế nào về hiện tượng này?

- Văcxin Quinvaxem tiêm ba mũi. Trong đó mũi 1 có tỉ lệ bị phản ứng sau tiêm cao nhất. Phần lớn trẻ nhập viện tại Cai Lậy vừa qua là tiêm mũi 1. Sang mũi 2, mũi 3 thì tỉ lệ phản ứng sẽ giảm.

* Dù ông cho rằng tỉ lệ trẻ bị phản ứng sau tiêm văcxin nằm trong giới hạn, nhưng thực tế người dân rất lo lắng khi văcxin Quinvaxem được sử dụng lại...

- Đúng là người dân có lo lắng, nhưng nhìn lại số liệu trẻ nhập viện tại tỉnh Tiền Giang cho thấy chỉ có huyện Cai Lậy là nhiều nhất với 24 trẻ, còn lại các huyện khác chỉ 1-3 trường hợp. Ngay tại huyện Cai Lậy cũng chỉ có 11/28 xã, thị trấn có trẻ nhập viện, không phải nơi nào cũng có trẻ bị phản ứng sau tiêm. Do đó, đợt tiêm chủng mở rộng tháng 11-2013 tỉnh Tiền Giang và huyện Cai Lậy vẫn sẽ tiếp tục tiêm văcxin này.

Sáng 27-10, chúng tôi có mời bác sĩ khoa nhi Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang đến Cai Lậy khám sàng lọc cho tất cả trẻ đang nằm theo dõi. Sau khi khám thì bác sĩ chỉ định cho xuất viện hơn phân nửa. Đến cuối giờ chiều tôi nhận được thông tin cho xuất viện hết rồi. Chỉ có hai trẻ có kèm theo bệnh khác được chuyển lên tuyến trên điều trị.

* Trẻ trong diện tiêm chủng có thể tiêm văcxin khác được không, thưa ông?

- Trên thị trường cũng có một số văcxin ngừa các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên giá tiêm dịch vụ khá cao, không phải người dân nào cũng có thể tiếp cận được.

Bác sĩ phải khám cho trẻ trước khi tiêm

TS.BS Lê Bích Liên (phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết: “Cho tới nay văcxin vẫn là phương pháp phòng ngừa chủ động cho trẻ tốt nhất. Văcxin không phải bảo vệ tuyệt đối nhưng khả năng bảo vệ của văcxin cũng rất tốt, tùy theo từng loại văcxin. Nếu vì lo ngại có những tai biến mà không tiêm văcxin cho trẻ thì nguy cơ trẻ mắc những bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng rất cao.

Nếu trẻ chưa dùng văcxin Quinvaxem thì có thể dùng văcxin khác tương tự. Còn nếu đã chích Quinvaxem rồi, giờ ngưng chuyển qua một loại văcxin khác thì chúng tôi khuyên không nên. Vì mỗi công ty sản xuất văcxin có một công nghệ khác nhau, mỗi loại văcxin có tác dụng kích thích hệ miễn dịch khác nhau. Muốn chích qua thuốc mới thì bắt buộc phải chích lại từ đầu, không thể chích mũi 1 Quinvaxem, chích mũi nhắc lại lần 2 thì lại thay thế một loại văcxin khác. Đó không phải là phương án tốt, theo thuốc nào thì theo lịch trình của thuốc đó.

Nhân viên y tế tại các bệnh viện thực hành tiêm chủng phải được tập huấn thực hành, tuân thủ theo đúng quy trình tiêm chủng Bộ Y tế đã ban hành. Bác sĩ phải khám đánh giá sức khỏe của bé trước khi quyết định tiêm cho bé như: trẻ có bị sốt, có đang sử dụng một số thuốc mà có thể làm giảm hệ miễn dịch hay không, trẻ có đang bị bệnh gì hay không... Nếu có thì không nên tiêm chủng, phải chờ trẻ hết bệnh hoặc chờ trẻ hết sử dụng thuốc đó mới tiêm. Về phía người dân nên cho trẻ tham gia theo đúng lịch. Sau tiêm chủng vẫn phải theo dõi trẻ để kịp thời phát hiện trẻ có những biểu hiện phản ứng gì không. Trẻ có thể có một số phản ứng, nhẹ thì sốt, đau do vết tiêm, quấy khóc... Nặng thì có những phản ứng kiểu sốc phản vệ. Nếu có những dấu hiệu bất thường thì lập tức đưa đến bệnh viện”.

MY LĂNG

VÂN TRƯỜNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên