Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang gửi đến trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
Nhiều bộ phim do Nhà nước đặt hàng có chất lượng tốt
Cử tri kiến nghị bộ nghiên cứu, xây dựng, ban hành quy định về nội dung của các phim truyền hình, điện ảnh của Việt Nam được công chiếu phải mang tính lịch sử, giáo dục truyền thống dân tộc nhằm tuyên truyền, lan tỏa các giá trị tốt đẹp của đất nước đến người dân, bạn bè quốc tế.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay nhằm tuyên truyền, lan tỏa lịch sử, giáo dục truyền thống, các giá trị tốt đẹp của dân tộc đến đông đảo người dân trong nước, quốc tế.
Đồng thời thực hiện các nhiệm vụ chính trị thường xuyên và đột xuất, hằng năm bộ đều chủ động định hướng sáng tác, tổ chức các cuộc thi kịch bản, trại sáng tác, đầu tư chiều sâu, trọng tâm trọng điểm tới các nhà biên kịch, nhà văn, đạo diễn, nghệ sĩ trẻ có tài năng sáng tạo và phát động trên phạm vi cả nước.
Vì vậy đã có không ít các bộ phim truyện, tài liệu, khoa học, hoạt hình có chất lượng tốt, đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân trong những dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước và dân tộc.
Nhiều bộ phim do Nhà nước đặt hàng có chất lượng nghệ thuật và nội dung tư tưởng được phổ biến đến khán giả cả nước thông qua các tuần phim, đợt phim thực hiện nhiệm vụ chính trị và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước.
Đó là các phim Truyền thuyết về Quán Tiên; Bình minh đỏ; Lính chiến; Đào, phở và piano; Đường xuyên rừng; Những người viết huyền thoại (đề tài chống Mỹ cứu nước, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng)...
Thầu Chín ở Xiêm, Vầng trăng thơ ấu (về Chủ tịch Hồ Chí Minh); các phim Thạch Thảo; Cô bé tóc xanh; Phượng cháy (đề tài thanh thiếu niên, gia đình).
Những người con của làng, Cơn giông (đề tài xây dựng đời sống mới, xóa bỏ hận thù); Hồng Hà nữ sĩ (về nhà thơ, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm)…
Cùng với đó là các phim tài liệu thể hiện nhiều vấn đề của đời sống, bảo vệ biển đảo, phản ánh lịch sử chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Như phim Ở nơi cửa ngõ Hoàng Sa; Phía sau những cuộc đàm phán lịch sử; Chủ tịch Hồ Chí Minh với Điện ảnh cách mạng Việt Nam; Viết tiếp những chặng đường; Người con núi Ấn sông Trà; Một lần được sống; Nghĩa tình và khát vọng; Cuộc trường chinh qua những miền dân ca…
Các phim hoạt hình cũng được định hướng sáng tác để góp phần giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc.
Chất lượng nghệ thuật và công nghệ sản xuất phim hoạt hình của Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ, nhiều phim hay, phim tốt đề tài lịch sử và bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc như: Anh hùng núi Tản; Đinh Tiên Hoàng đế; Kỳ tích Đầm Dạ Trạch; Lời hứa Điện Biên…
Phim chiếu rạp phong phú, đáp ứng nhu cầu khán giả
Cùng với các phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất, Luật Điện ảnh, các văn bản dưới luật đều có những quy định để huy động và tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị tham gia sản xuất phim bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
Nội dung, chủ đề, đề tài do các nhà đầu tư, các đơn vị sản xuất tự quyết định. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nhiệm vụ phân loại phim để cấp giấy phép theo quy định của luật.
Hầu hết các phim Việt Nam sản xuất đều được cấp giấy phép phân loại phim. Quá trình thực hiện cho thấy phim truyện chiếu rạp phong phú về đề tài, đáp ứng được nhu cầu của công chúng khán giả.
Các nhóm đề tài phong phú, có yếu tố phiêu lưu, điều tra, kỳ ảo, hồi hộp, giả tưởng, hài, và phản ánh đời sống xã hội được chuyển tải với nhiều hình thức hấp dẫn, công nghệ hiện đại, thu hút đông đảo công chúng với những vấn đề được quan tâm.
Bộ đánh giá đó là sự tích cực trong đời sống xã hội, sự tác động hiệu quả của điện ảnh Việt Nam, đóng góp chung trong sự nghiệp xây dựng công nghiệp điện ảnh giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn.
Với phim phát sóng trên truyền hình, Luật Điện ảnh quy định quyền hạn, trách nhiệm kiểm duyệt nội dung thuộc người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận