28/01/2021 15:50 GMT+7

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Phát triển doanh nghiệp tư nhân thành một động lực quan trọng

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Phát triển các doanh nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp của đất nước.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Phát triển doanh nghiệp tư nhân thành một động lực quan trọng - Ảnh 1.

Ông Trần Tuấn Anh - ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương - Ảnh: daihoi13.dangcongsan.vn

Mục tiêu trên được ông Trần Tuấn Anh - ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương - trình bày trong tham luận tại Đại hội XIII của Đảng, ngày 28-1.

Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, dòng chảy đầu tư của thế giới vốn đang trong quá trình dịch chuyển.

Cộng thêm tác động của dịch COVID-19 càng làm cho đích đến của các nguồn vốn đầu tư chuyển về các địa bàn có môi trường ổn định.

Trong đó Việt Nam đang trở thành điểm sáng, ngày càng chiếm được lòng tin của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thế giới.

Mặt khác, quá trình chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu... vừa tác động trực tiếp tới các hoạt động thương mại, vừa làm thay đổi sâu sắc các phương thức sản xuất truyền thống.

"Đây vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội tốt để những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thể rút ngắn thời gian, bắt kịp các nền kinh tế phát triển", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để tận dụng thời cơ, cần tập trung vào thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại của các ngành công nghiệp.

Phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, củng cố các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong các lĩnh vực sản xuất nền tảng và lĩnh vực mũi nhọn, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao.

Khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy hình thành các tập đoàn kinh tế lớn, đa sở hữu trong lĩnh vực công nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.

Trong đó, các định hướng lớn cần tập trung tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên cơ sở tái cơ cấu mạnh mẽ từng ngành, từng lĩnh vực.

Thực hiện số hóa, công nghệ hóa phương thức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và tăng năng suất, chất lượng lao động trong sản xuất công nghiệp.

Tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác để tăng cơ hội kinh doanh mới, tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, tham gia hệ sinh thái số.

Mặt khác, tận dụng tối đa lợi thế của nước ta đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khai thác triệt để thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lợi thế thương mại để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh.

Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm. Phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá. Chú trọng phát triển công nghiệp xanh.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng Chính phủ kiến tạo, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho đầu tư kinh doanh. Tập trung xem xét xây dựng các luật mới trong một số ngành, lĩnh vực mới để tạo lập nên các cơ chế mới mang tính nền tảng cho phát triển các ngành, lĩnh vực.

Bí thư Đà Nẵng đề nghị tháo gỡ khó khăn trong khắc phục sai phạm Bí thư Đà Nẵng đề nghị tháo gỡ khó khăn trong khắc phục sai phạm

TTO - Phát biểu tại phiên thảo luận Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sáng 28-1, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã nêu đề nghị này.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0