12/11/2021 09:39 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Bàn cách huy động tiền cho gói hỗ trợ

N.AN
N.AN

TTO - Sáng 12-11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cùng với phần giải trình thêm của thống đốc Ngân hàng Nhà nước và bộ trưởng Bộ Tài chính liên quan các gói hỗ trợ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Bàn cách huy động tiền cho gói hỗ trợ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Nguồn: VTV

Đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) bày tỏ lo ngại về việc bộ trưởng nói tăng bội chi, nợ công khi xét trong mối quan hệ với cách tính GDP mới cần phải thận trọng, tính toán các gói hỗ trợ. Theo đó, cần tăng cường quản trị hiệu quả nguồn lực hiện có, đẩy nhanh tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công, hạn chế tình trạng có nơi có tiền chưa tiêu được, có chỗ khi cần vẫn phải vay.

Tiếp tục tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng qua nghiên cứu các báo cáo của Chính phủ thì chưa có một gói hỗ trợ tổng thể, yêu cầu đặt ra cần có kế hoạch tổng thể, dự tính các nguồn lực của toàn xã hội, là kế hoạch quan trọng để hoạch định, điều hành kinh tế vĩ mô hiệu quả hơn.

Trả lời, ông Dũng cho hay hiện Chính phủ đang giao cho các bộ ngành liên quan tính toán những dư địa còn lại để có thể huy động nguồn lực cho gói hỗ trợ. Theo ông, đây là vấn đề quan trọng để đảm bảo cân đối vĩ mô, các cân đối lớn, nên khi tính toán phải hết sức thận trọng để tận dụng cơ hội, đảm bảo mục tiêu, an toàn.

Các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng cần đánh giá kỹ hơn tình trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là cơ sở để nhìn nhận lại các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ tín dụng, tiếp cận vốn.

Với nghị quyết 105 đã giúp tinh thần các doanh nghiệp phấn khởi hơn, hơn 70% đã khôi phục hoạt động trở lại, khả năng cuối năm 100% quay trở lại hoạt động. Doanh nghiệp vẫn đối diện thách thức như dòng tiền, sự thiếu thống nhất trong quy định phòng chống dịch, các ưu đãi mới tập trung cho doanh nghiệp có doanh thu, dòng tiền. "Chúng tôi lưu ý vấn đề này để có chính sách cần thiết hỗ trợ cho doanh nghiệp không có doanh thu, lợi nhuận, tránh đổ vỡ" - ông Dũng nói.

Về băn khoăn việc nới trần nợ công và bội chi, ông Dũng cho rằng nếu không nới thì khó có nguồn lực, mà nếu nới ở mức cao có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô, nguy hiểm hơn rất nhiều. "Vấn đề là nới bao nhiêu, 1% hay 2%, làm sao phù hợp. Hiện các bộ ngành đang đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng" - ông nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho hay để hỗ trợ doanh nghiệp, từ năm 2020 đã giảm 3 lần lãi suất với mức từ 1,5 - 2%, mặt bằng lãi suất cho vay giảm 1,66%, tổ chức tín dụng cũng đã giảm với tổng mức là 30.000 tỉ đồng; giảm phí là hơn 2.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, bà Hồng cho rằng năm 2022 rủi ro lạm phát áp lực rất lớn nên áp lực điều hành chính sách tiền tệ lớn. Nợ xấu của ngân hàng cũng gia tăng, nếu để tình hình tài chính các tổ chức tín dụng suy giảm ảnh hưởng, rủi ro lạm phát quay trở lại.

Tính toán huy động 180.000 tỉ đồng nguồn tiền trong dân

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay tới đây sẽ đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm, hoãn thuế (hiện đã được 115.000 tỉ đồng); giảm 30 loại phí, giảm thuế xăng dầu hàng không; miễn giảm các loại thuế: 30% VAT, 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế các hộ kinh doanh, miễn tiền chậm nộp… Đồng thời tập trung thu thuế trên nền tảng số, thương mại điện tử, phát hành hóa đơn điện tử, tránh trốn thuế, chống chuyển giá, khoản thu trong bất động sản, chuyển nhượng…

Về các gói sắp tới, ông Phớc cho rằng nếu ta bỏ ra mỗi năm 20.000 tỉ đồng, lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp là 4%, sẽ huy động được 1 triệu tỉ đồng cho nền kinh tế, không làm tăng bội chi ngân sách, nợ công; thêm nữa là phát hành trái phiếu Chính phủ, công trái, trái phiếu bằng ngoại tệ huy động tiền trong dân với 180.000 tỉ đồng, mỗi năm tăng bội chi là 1%, sẽ giữ bội chi trong cả giai đoạn.

"Điều băn khoăn là khi có tiền rồi, nền kinh tế có hấp thụ được không, vào lĩnh vực nào?" - ông cho rằng cần tập trung vào lĩnh vực đầu tư công dẫn dắt đầu tư, lĩnh vực kinh tế lớn tạo đột phá, nên cần phải lập dự án nhanh, triển khai ngay mới tiêu được tiền và thực hiện đồng bộ gói tài khóa, tiền tệ… Gắn với đó sẽ thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, nâng cao hiệu quả chi đầu tư phát triển, tập trung cho đầu tư và chống dịch.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đang trình Chính phủ gói 2 tỉ USD cho ĐBSCL Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đang trình Chính phủ gói 2 tỉ USD cho ĐBSCL

TTO - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định triển khai các gói hỗ trợ có thể làm tăng bội chi 1%, nhưng sẽ giúp giải quyết việc tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm...

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên