26/10/2021 12:21 GMT+7

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Rồi mọi chuyện sẽ qua!

TRẦN MẠNH - CHÍ QUỐC - SƠN LÂM - CHÍ TUỆ - HÀ THANH - KHẮC TÂM
TRẦN MẠNH - CHÍ QUỐC - SƠN LÂM - CHÍ TUỆ - HÀ THANH - KHẮC TÂM

TTO - Chuỗi cung ứng đứt gãy, chi phí gia tăng, nhưng "mọi thứ rồi sẽ qua" để hướng tới phục hồi kinh tế một cách bền vững hơn, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan. "Nữ hoàng hột vịt" Ba Huân ví von: "Sau cơn lũ phù sa lại về, sau khó khăn cơ hội sẽ đến".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Rồi mọi chuyện sẽ qua! - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại đầu cầu Hà Nội - Ảnh: CHÍ TUỆ

Ông Lê Minh Hoan, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, kể hai câu chuyện ngụ ngôn về ông vua, một về thanh gươm trên đầu, một là món quà sinh nhật có dòng chữ: Rồi mọi chuyện sẽ qua.

Ông Hoan, trong buổi tọa đàm với chủ đề: Đối thoại cùng các 'vua nông sản' Việt, do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 26-10, nói rằng nhiều khi mình ở bên ngoài làm vua sướng nhưng biết đâu làm vua lại có nỗi khổ, nỗi lo riêng với thanh gươm lơ lửng trên đầu, như một cách chia sẻ và thấu hiểu với các doanh nghiệp.

"Tôi chia sẻ rằng, trong bối cảnh đại dịch này, trong thương trường cũng như trong điều kiện bình thường, tôi hiểu rằng tất cả quý vị đều bị một thanh gươm lơ lửng trên đầu, gây khó khăn, đứt gãy chuỗi ngành hàng, cung ứng, 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến… gây ra khó khăn cho doanh nghiệp rất lớn.

Và "thanh gươm" đó không biết chừng nào nhà máy mình ra một ca F0, trong khi Chính phủ chấp nhận không "Zero COVID" nữa. Giả sử có F0 xuất hiện, đóng cửa nhà máy, đối tác, khách hàng, nhà máy ra sao…", ông Hoan nói.

Câu chuyện ngụ ngôn về ông vua thứ hai với món quà sinh nhật mang dòng chữ "rồi mọi chuyện cũng sẽ qua".

"Giả sử hết COVID-19 rồi vua chuối, vua trứng, vua tôm, vua hồ tiêu làm gì? Chuỗi ngành hàng sẽ làm gì? Trong không gian hôm nay, chúng ta cùng kiến tạo nên một chuỗi ngành hàng, rộng ra là ngành nông nghiệp của ĐBSCL, Đông Nam Bộ và rộng ra nữa là nông nghiệp của Việt Nam chúng ta", Bộ trưởng gửi gắm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Rồi mọi chuyện sẽ qua! - Ảnh 2.

Đầu cầu TP.HCM tại trụ sở báo Tuổi Trẻ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bà Phạm Thị Huân, tổng giám đốc Công ty Ba Huân, kể rằng đã gặp rất nhiều khó khăn trong đợt dịch này, chi phí tăng cao, nhưng vẫn cố gắng bình ổn giá trứng cho người dân.

Dù vậy, giãn cách kéo dài khiến hàng tồn đọng rất nhiều vì không có người mua.

"Thịt và trứng vịt còn đưa vào trữ lạnh và làm trứng muối. Trứng gà phải khuyến mãi mua 1 tặng 1, giảm giá với trứng gà, bán cho các ban ngành đoàn thể. Mọi đầu vào từ bao bì, thức ăn đều tăng 20-30%, có loại 40-50% nhưng giá sản phẩm nông nghiệp đều giảm sâu 30-40%", bà Huân nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Rồi mọi chuyện sẽ qua! - Ảnh 3.

Ông Phan Minh Thông, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Phúc Sinh Group - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Phan Minh Thông, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Phúc Sinh Group, cho biết doanh nghiệp của ông mỗi năm xuất khẩu đến 200-300 triệu USD nhưng trong thời gian dịch bệnh 6 nhà máy vẫn "chưa nghỉ ngày nào".

Ông Thông cho rằng Việt Nam cần chuẩn bị cho việc xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến để phát triển bền vững, không cần "giải cứu" nông sản, với tinh thần "trong cái khó sẽ làm mình sáng tạo hơn, vượt qua ranh giới".

Thị trường xuất khẩu lớn, nhưng thị trường nội địa gần 100 triệu dân cũng không nên bỏ qua.

"Đến giờ gạo xuất khẩu vẫn xin giấy phép thì chúng tôi không muốn làm. Đây là điều phi lý. Xuất khẩu hàng đầu gạo mà sản phẩm chế biến quá nghèo nàn. Nhật Bản có hàng ngàn nhãn hiệu bánh gạo, còn Việt Nam quá lèo tèo. Người miền Tây quá nghèo nàn mà chưa làm được gì để họ khấm khá hơn. Cần khuyến khích các tập đoàn lớn xây nhà máy ở các vùng nguyên liệu khác nhau".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Rồi mọi chuyện sẽ qua! - Ảnh 4.

Ông Đỗ Cao Bằng, phó chủ tịch Tập đoàn GREENFEED - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Đỗ Cao Bằng, phó chủ tịch Tập đoàn GREENFEED, cho biết ngay từ đầu, doanh nghiệp đã phải kéo dài mô hình 3 tại chỗ hơn 3 tháng, tạo ra nhiều vấn đề cần giải quyết như sinh hoạt của công nhân, vấn đề tâm lý người lao động. Vì thế, ông Bằng cho rằng các chính sách cần rõ ràng hơn để doanh nghiệp thấy được hướng đi và có sự chuẩn bị.

"Chi phí đầu vào tăng nhưng đầu ra giảm. Cần phân tích rõ ràng hơn về nguyên nhân để có những cách ứng xử phù hợp", ông Bằng nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Rồi mọi chuyện sẽ qua! - Ảnh 5.

Ông Võ Quan Huy - giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Ảnh: SƠN LÂM

Ông Võ Quan Huy - giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - cho biết những cánh đồng chuối ở tỉnh này vẫn giữ được canh tác trong mùa dịch bệnh. Những khó khăn về đi lại, hay chuyện chủ trương chống dịch "hai ba ngày lại thay đổi khiến trở tay không kịp", nhưng "mọi việc cũng đã trôi qua rồi".

Trong đợt dịch vừa qua, về chuối, công ty đã xuất khẩu được trên 95% sản lượng, dù gặp khó khăn về vấn đề logistics.

"Sản phẩm của mình không bị đổ bỏ là may mắn lắm rồi", ông Huy nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Rồi mọi chuyện sẽ qua! - Ảnh 6.

Ông Hồ Quốc Lực, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta - Ảnh: KHẮC TÂM

Ông Hồ Quốc Lực, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), nhận định tác hại của dịch lần này là khủng khiếp, không lường trước được nên đối phó từ xa càng tốt.

Từ đầu tháng 7, công ty đã họp triển khai các yếu tố cần thiết để làm "3 tại chỗ". Công ty nhập nhiều thiết bị test kháng nguyên, đầu tư máy RT-PCR, vì thế phát sinh nhiều chi phí. Dù vậy, đội ngũ an toàn, chuỗi sản xuất tôm được giữ vững.

"Chúng tôi tâm đắc với nhau trong lúc khó khăn mình chính là người chủ động cứu mình nhanh nhất, hiệu quả nhất, có giải pháp phù hợp giảm thiểu khó khăn, góp phần cùng địa phương đưa công tác phòng chống dịch tốt hơn", ông Lực chia sẻ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Rồi mọi chuyện sẽ qua! - Ảnh 7.

Cha đẻ của giống gạo ngon nhất thế giới ST25 - ông Hồ Quang Cua - Ảnh: HOÀNG TRÍ DŨNG

Ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của giống gạo "ngon nhất thế giới" ST25 - cho biết doanh nghiệp ông là doanh nghiệp nhỏ, nhưng là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực mà trước đó không ai muốn nhảy vào tham gia hoặc có tham gia thì tham gia chuỗi sau của sản phẩm như bán gạo, hoặc khâu đầu tư sản xuất.

"Còn khâu nghiên cứu, tạo ra sản phẩm, tạo ra giống mới chúng tôi rất đơn độc vì là khâu "khó quá", nhưng vẫn muốn làm sản phẩm "sếu đầu đàn"".

"Trong 4 năm qua, đi dự thi quốc tế chúng tôi nhận thấy gạo thơm được họ ghi nhận sự cố gắng của chúng ta. Đặc biệt trong năm 2019 và 2020 khi Việt Nam đạt giải cao thì thái độ trân trọng của doanh nghiệp, của tổ chức quốc tế đối với gạo thơm lên rất cao. Từ đó tôi suy nghĩ tự mình đóng góp, tham mưu thêm cho bộ trưởng tạo dựng sản phẩm sếu đầu đàn để dẫn dắt, nâng giá trị sản phẩm gạo khác và của ngành gạo", ông Cua nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Rồi mọi chuyện sẽ qua! - Ảnh 8.

Vùng trồng lúa ST25 tại doanh nghiệp của ông Hồ Quang Cua ở huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Cua thông tin đến nay, công ty của ông đã đăng ký thương hiệu gạo ST25 ở các quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Anh, Trung Quốc và việc này "chúng tôi làm để giữ cho quốc gia chứ thật ra chúng tôi không xuất khẩu, nếu sau này có doanh nghiệp nào cần thì chúng tôi nhượng lại và chỉ lấy chi phí chúng tôi đã đầu tư ra".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc đến khái niệm "VUCA" (Biến động - Không chắc chắn - Phức tạp - Mơ hồ), vì thế đòi hỏi một mặt phải thích nghi, một mặt cần nghĩ khác.

"Có lẽ không có từ nào bằng từ thích nghi trong bối cảnh thay đổi liên tục. Người ta nói trong bối cảnh đó, đừng ai nghĩ mình lúc nào cũng "nắm cán", tức là đừng nghĩ lúc nào mình cũng thành công hay mình chiến thắng… Bắt buộc phải ẩn mình một chút để chuẩn bị lại, vươn lên" - bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Rồi mọi chuyện sẽ qua! - Ảnh 9.

Nhắc đến câu chuyện đứt gãy chuỗi toàn cầu, nay mới thấy rõ nền nông nghiệp của chúng ta tính tự chủ chưa cao, phụ thuộc rất nhiều đầu vào của nước ngoài. Bản thân nông nghiệp cũng sử dụng sử dụng 50%, đến 70-80% nguyên liệu nhập khẩu. Câu hỏi đau đáu trong năm nay là "Tại sao một đất nước nông nghiệp, tự hào là nước nông nghiệp mà bắp cũng phải nhập, đậu nành cũng phải nhập để làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản?".

Bộ trưởng lấy ví dụ, vấn đề phế thải nông nghiệp trở thành "đầu vào" cho một ngành khác, trong đó có những ngành là "đầu ra" nhưng trở lại duy trì "đầu vào". 

"Doanh nghiệp chúng ta làm được không?", bộ trưởng đặt câu hỏi, đồng thời "đặt hàng" cho doanh nghiệp phải tăng cường chế biến. 

"Ai cũng biết chế biến sẽ đỡ đứt gãy chuỗi ngành hàng, chế biến tạo giá trị gia tăng cao hơn, nếu công nghiệp chế biến phát triển sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm. Nhưng vì sao sản phẩm xuất thô của chúng ta lại cao hơn sản phẩm chế biến? Nếu như Đài Loan khoảng 80% nông nghiệp xuất khẩu qua chế biến tổng hợp, đóng lon, đóng chai, còn chúng ta ngược lại 80% xuất thô, 20% đóng gói chế biến" - bộ trưởng nói.

Trước câu hỏi về gói hỗ trợ cho nông dân nhỏ lẻ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ NN&PTNT đang xây dựng phân loại các gói hỗ trợ về nông nghiệp để kiến nghị Chính phủ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Rồi mọi chuyện sẽ qua! - Ảnh 10.

Vùng nuôi tôm của Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta tại Sóc Trăng - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Hồ Quốc Lực cho rằng "dù là nhỏ nhưng mang tính phổ biến" là phủ vắc xin. Tiếp đến, trong chiến lược phát triển tới năm 2030, định hướng tới năm 2045 có nâng tầm con tôm Việt thì "nâng giá trị".

Bằng cách nào? Theo ông Lực, yếu tố cơ bản nhất để nâng tầm là sản phẩm đó phải an toàn, truy xuất nguồn gốc phải thuận tiện, minh bạch.

Một vấn đề nữa, ông Lực cho rằng hiện nay Chính phủ, các bộ ngành đang triển khai nghị quyết về hợp tác xã bởi đây là mô hình sản xuất quy mô lớn, mang lại tính an toàn sản phẩm cao hơn, năng suất cao hơn, trong khi giá thành thấp hơn, từ đó tăng sức cạnh tranh của mình.

"Về mặt tâm lý chúng ta thấy rằng khách hàng, hệ thống lớn mua hàng khi định kỳ kiểm tra, nếu thấy vùng nuôi bài bản thì lòng tin của họ sẽ cao hơn, cơ hội vào hệ thống, siêu thị cao cấp vì thế sẽ lớn hơn, từ đó có cơ hội nâng tầm tôm Việt. Nếu làm nhỏ lẻ thì sức thuyết phục thấp, không tạo sự an tâm cho khách hàng. Cần xem xét lại chính sách tích điền, đây là chính sách cơ bản trong giai đoạn tới để nâng tầm nông sản Việt nói chung, trong đó có con tôm nói riêng", ông Lực nói.

Từ câu chuyện đi ra chợ toàn thấy mít Thái, sầu riêng giống Thái… mà không thấy giống ngon lành của Việt Nam, bộ trưởng chia sẻ, đây là câu chuyện đau lòng, nhức nhối của nền nông nghiệp của chúng ta về công nghệ giống chậm hơn các nước. 

"Đúng là câu chuyện mít Thái là câu chuyện điển hình của chúng ta cứ chạy theo, "xài sau". Tức là cái người ta đã "xài xong một đời" rồi thì chúng ta mới nhập về phát triển" - bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận.

Bộ trưởng chỉ ra một trong những nguyên nhân đó là tính thị trường giữa nghiên cứu khoa học và thị trường hóa sản phẩm khoa học, trong đó có sản phẩm giống rất chậm. 

Ông cho biết, sắp tới mở rộng hợp tác "công - tư", mời các doanh nghiệp tham gia vào nghiên cứu nông nghiệp, trong đó có nghiên cứu giống. Như câu chuyện ĐBSCL, có Viện Thủy sản 2, Viện Lúa, Viện Cây ăn quả… mời các doanh nghiệp tham gia như hợp tác công - tư.

"Quan trọng là sự tâm huyết, trí tuệ của các nhà khoa học, cộng với sự năng động về thị trường của doanh nghiệp thì chúng ta mới có thể nâng tầm của chúng ta lên được, chứ nếu mỗi bên cứ chờ đợi nhau sẽ rất khó" - bộ trưởng nhấn mạnh.

Sau cơn lũ thì phù sa lại về, sau khó khăn thì cơ hội sẽ đến

1trungbahuan

Dây chuyền sản xuất trứng của Công ty cổ phần Ba Huân tại huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Tôi không đầu tư bất động sản mà chỉ đầu tư vào quy trình nông nghiệp. Từ năm 2003 đã đầu tư dây chuyền diệt khuẩn trứng đầu tiên, sau đó là làm quy trình sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, quy trình chăn nuôi khép kín tạo ra sản phẩm an toàn. Không đầu tư vào bất động sản nhưng đất đai rất nhiều vì cần cho chăn nuôi.

Sắp tới Ba Huân sẽ ra các sản phẩm trứng dinh dưỡng cao. Tuổi tôi đã hơi cao nhưng tinh thần làm việc vẫn cao, tôi sẽ làm nông nghiệp đến hết cuộc đời. Doanh nghiệp Việt Nam không thể thua quốc tế là nguyện vọng của tôi. Sau cơn lũ thì phù sa lại về, sau khó khăn thì cơ hội sẽ đến" - bà Phạm Thị Huân, tổng giám đốc Công ty Ba Huân, chia sẻ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Rồi mọi chuyện sẽ qua! - Ảnh 13.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng các Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng các 'vua' nông nghiệp bàn cách tăng giá trị nông sản Việt Nam

TTO - Ngày 26-10, báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm với chủ đề: Đối thoại cùng các 'vua nông sản' Việt, với sự có mặt của bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng khách mời là những doanh nhân điều hành các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm hàng đầu Việt Nam.

TRẦN MẠNH - CHÍ QUỐC - SƠN LÂM - CHÍ TUỆ - HÀ THANH - KHẮC TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên