Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện nghị quyết 134/2020 của Quốc hội khóa XIV từ đầu khóa XV đến kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực tư pháp.
Giải quyết bồi thường nhiều vụ việc
Theo đó, về giải quyết các vụ, việc yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, ông Long thông tin: năm 2021, các cơ quan giải quyết bồi thường trên cả nước đã thụ lý 106 vụ việc, đã giải quyết xong 17 vụ việc, đình chỉ 7 vụ việc, đạt tỉ lệ 22,64%.
Tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là hơn 5,9 tỉ đồng. Còn 82 vụ việc hiện đang giải quyết.
Năm 2022, cả nước thụ lý 103 vụ việc, trong đó thụ lý mới 26 vụ việc, từ kỳ trước chuyển sang 77 vụ việc. 41 vụ việc đã có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật (đạt tỉ lệ 40%), đình chỉ 10 vụ việc (đạt tỉ lệ 10%).
Tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là hơn 26 tỉ đồng, đã chi trả hơn 14,4 tỉ đồng. 52 vụ việc đang tiếp tục giải quyết (chiếm tỉ lệ 50%).
Ông Long cho hay với các vụ tồn đọng từ năm 2021 chuyển sang 2022, bộ đã có văn bản đôn đốc các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm. Tính đến ngày 28-2-2023, các địa phương đã giải quyết xong 23/58 vụ.
Một số vụ án xảy ra cách đây nhiều năm, hồ sơ vụ án không đầy đủ, thất lạc
Bộ trưởng Long cho biết công tác giải quyết bồi thường còn khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan ở trung ương và địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin, tình hình. Việc theo dõi, đôn đốc thực hiện hoạt động giải quyết của các cơ quan quản lý chưa được các cơ quan giải quyết bồi thường nghiêm túc kịp thời thực hiện.
Cơ quan giải quyết bồi thường trong một số trường hợp chưa thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện thụ lý, giải quyết vụ việc yêu cầu bồi thường. Số vụ việc yêu cầu bồi thường được giải quyết xong chưa nhiều; một số vụ việc còn chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến tồn đọng, kéo dài.
Công tác phối hợp trong quá trình thực hiện, nhất là việc phối hợp với các cơ quan tố tụng ở địa phương chưa được chặt chẽ, nhịp nhàng, làm ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả hoạt động giải quyết bồi thường, quản lý nhà nước về công tác này.
Về nguyên nhân, theo ông Long, một số vụ việc xảy ra cách đây nhiều năm, hồ sơ vụ án không đầy đủ, thất lạc hoặc không còn lưu trữ, các tài liệu liên quan đến việc xác minh thiệt hại không đầy đủ, thống nhất.
Cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được việc giao nhận văn bản, quyết định xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường...
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, hướng dẫn nghiệp vụ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường ở một số địa phương còn hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu...
Cùng với đó, đây là lĩnh vực khó, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, đòi hỏi cao về kinh nghiệm thực tế giải quyết bồi thường, xác minh thiệt hại và thương lượng của người làm trong khi đội ngũ công chức thực hiện tại các cơ quan chủ yếu là kiêm nhiệm, không ổn định.
Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, chưa phát huy được trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước ở địa phương.
Từ thực tế đó, ông Long nêu ra nhiều nhiệm vụ giải pháp để nâng cao công tác này, trong đó tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các quy định của luật và các văn bản quy định, hướng dẫn.
Chú trọng công tác giải quyết bồi thường, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc yêu cầu bồi thường đã thụ lý theo đúng quy định.
Kịp thời thực hiện các bản án có hiệu lực thi hành của tòa án có thẩm quyền với các vụ việc yêu cầu bồi thường đang được khởi kiện tại tòa án; nâng cao tỉ lệ vụ việc được giải quyết xong.
Tăng cường kiểm tra, kiểm tra liên ngành, phối hợp liên ngành và các nhiệm vụ để nắm bắt đầy đủ tình hình yêu cầu bồi thường, giải quyết bồi thường. Thực hiện hiệu quả hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận