26/03/2024 14:47 GMT+7

Bố trí vốn chuẩn bị làm đường dẫn cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

ĐỨC PHÚ
và 1 tác giả khác

TP.HCM rà soát để bố trí vốn làm đoạn đường dẫn dài 1,7km lên cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Đoàn khảo sát TP.HCM và Bình Dương đi thực tế khu vực đường dẫn cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành ở TP Thủ Đức vào tháng 6-2023 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Đoàn khảo sát TP.HCM và Bình Dương đi thực tế khu vực đường dẫn cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành ở TP Thủ Đức vào tháng 6-2023 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Đó là nội dung trong kết luận chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường tại cuộc họp về chương trình công tác trọng tâm quý 1-2024. 

Ông Cường giao Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM rà soát, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư năm 2024 cho dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (dài 1,7km từ vành đai 2 đến vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn TP Thủ Đức).

Đồng thời yêu cầu tham mưu, đề xuất UBND TP trong tháng 3-2024.

Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là trục cao tốc Bắc Nam kết nối TP.HCM qua Bình Dương đến tỉnh Bình Phước. Tháng 12-2023, HĐND tỉnh Bình Dương đã có nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư đoạn qua địa bàn tỉnh, dài khoảng 45,6km.

Dự án có điểm đầu xuất phát từ đường vành đai 3 TP.HCM ở địa bàn tỉnh Bình Dương (đi) trùng với đường ĐT 743, ĐT 747 đến trước cầu Khánh Vân (phường Khánh Bình, TP Tân Uyên). 

Tiếp đó, chuyển hướng rẽ trái tách khỏi đường hiện tại, đi men Suối Cái và song song đường ĐH.409 (thuộc TP Tân Uyên). Tuyến cắt đường ĐT 747A, sau đó đi song song với đường ĐT 741 lên xã An Long, huyện Phú Giáo đến tỉnh Bình Phước.

Dự án có tổng mức đầu tư 17.400 tỉ đồng, thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Trong đó, vốn do nhà đầu tư huy động là 8.878 tỉ đồng. Vốn ngân sách tham gia khoảng 8.530 tỉ đồng (bao gồm giải phóng mặt bằng và khoảng 246 tỉ đồng hỗ trợ chi phí xây dựng).

Các địa phương cũng rà soát các đoạn tuyến kết nối qua địa bàn. Trong đó đoạn đường dẫn kết nối nút giao Gò Dưa (TP.HCM) đến điểm giao với đường vành đai 3 TP.HCM gồm hai đoạn. Đoạn qua tỉnh Bình Dương từ vành đai 3 TP.HCM đến ranh TP.HCM là ĐT 743 hiện hữu, dài hơn 7,1km; đoạn đường dẫn qua TP.HCM dài 1,7km. 

TP.HCM có ý kiến triển khai đoạn đường dẫn này thành một dự án riêng, đảm bảo kết nối đồng bộ với đoạn đường dẫn qua tỉnh Bình Dương. Vốn đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng từ ngân sách TP.

Với 7km cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước tổng vốn khoảng 1.785 tỉ đồng sẽ tách thành một dự án riêng. Đoạn này do tỉnh Bình Phước thực hiện bằng đầu tư công, ngân sách trung ương hỗ trợ.

Rút ngắn thời gian đi lại giữa Đông Nam Bộ và Tây Nguyên

Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành tiếp nối cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Khi hai tuyến hoàn thành, kết nối liên thông sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 128,8km, trong đó qua Đắk Nông 27,8km, qua Bình Phước 99km và 2km đoạn kết nối từ nút giao cao tốc TP.HCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.

Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp phương thức đối tác công tư (PPP), tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỉ đồng. Dự án dự kiến được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp tới đây.

Đề xuất cơ chế đặc thù làm cao tốc tỉ đô Gia Nghĩa - Chơn ThànhĐề xuất cơ chế đặc thù làm cao tốc tỉ đô Gia Nghĩa - Chơn Thành

Tỉnh Bình Phước đang đề xuất Quốc hội 4 nhóm cơ chế đặc thù để làm cao tốc tỉ đô Gia Nghĩa - Chơn Thành trong giai đoạn từ nay đến năm 2026.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên