26/09/2013 07:30 GMT+7

Bộ máy hành chính và anh xe ôm

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Bao nhiêu cán bộ, công chức không làm được việc nhưng vẫn sáng cắp ô đi chiều cắp ô về và lĩnh lương đều đặn? Tỉ lệ là 30% như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vừa yêu cầu làm rõ hay chỉ có 1% không hoàn thành nhiệm vụ như báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình?

Thước đo trung thực nhất về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức phải chăng nằm ở hiệu quả công tác quản lý nhà nước, suy cho cùng chính là mức độ hài lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nếu nhìn theo góc độ này thì tỉ lệ 1% nêu trên e rằng chưa phản ánh đúng thực tế. Từ nhiều năm trước, đại biểu Quốc hội Lê Doãn Hợp - khi đang đương chức bí thư Tỉnh ủy Nghệ An - đã phát biểu trên nghị trường về năm khuyết điểm chung của bộ máy hành chính là: đầu mối nhiều, biên chế tăng, phân cấp chậm, trách nhiệm cá nhân không rõ, xử lý công việc của doanh nghiệp và công dân chậm trễ. “Chậm, chờ, chán, chạy” đã trở thành câu nói ví von nổi tiếng của ông Lê Doãn Hợp về cách thức xử lý công việc của đội ngũ công chức hành chính và hệ quả đối với người dân, doanh nghiệp.

Sự đủng đỉnh, lừng khừng, thờ ơ, lạnh nhạt và chậm trễ của bất cứ cán bộ, công chức nào trong thực thi công vụ vì bất cứ lý do gì thiết nghĩ đều có thể xếp vào diện không hoàn thành nhiệm vụ. Chính vì không thể trông cậy hoàn toàn vào chất lượng và tiến độ xử lý công việc của một bộ phận công chức trong bộ máy hành chính nên không chỉ người dân, mà nhiều khi các nhà quản lý cũng phải có giải pháp của riêng mình. Ông Nguyễn Viết Chức (cựu đại biểu Quốc hội, nguyên giám đốc Sở Văn hóa thông tin Hà Nội) kể rằng khi còn làm giám đốc sở, ông đã mời một anh xe ôm làm “phó giám đốc sở đặc biệt”. Gọi là đặc biệt vì anh xe ôm này tuy không phải cán bộ, công chức nhưng vẫn được giám đốc giao nhiệm vụ hằng ngày và hưởng “lương” từ tiền túi của giám đốc. Nhiệm vụ của “phó giám đốc sở đặc biệt” là trong khi đi lại khắp các phố phường thủ đô, nếu phát hiện nơi nào có hoạt động liên quan đến ngành văn hóa mà chướng tai gai mắt thì gọi điện hoặc nhắn tin ngay cho giám đốc sở. Đó có thể là quán karaoke, vũ trường ồn ào ảnh hưởng đến khu phố, biển hiệu quảng cáo, băngrôn đặt không đúng chỗ quy định, bị rách nát hoặc có nội dung phản cảm...

Theo ông Nguyễn Viết Chức, dù anh xe ôm không thể làm thay chức năng của các phòng nghiệp vụ trong sở, nhưng rõ ràng thông tin của anh rất kịp thời và khách quan. “Rất nhiều lần nhận được tin báo của anh xe ôm, tôi gọi điện ngay xuống phòng nghiệp vụ bảo rằng chỗ này, chỗ kia đang có vấn đề như thế. Lúc đó anh em ở phòng nghiệp vụ mới ngớ người ra, bảo rằng sao giám đốc biết nhanh thế. Đúng là một anh xe ôm mà có thể thúc cả bộ máy hành chính chạy” - ông Chức kể lại.

Mong muốn xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả sẽ còn khó khăn chừng nào vẫn còn trong bộ máy hành chính một tỉ lệ cán bộ, công chức thiếu chuyên nghiệp và trách nhiệm. Câu chuyện về anh xe ôm cho thấy ông Phùng Quốc Hiển (chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách) hoàn toàn đúng khi nhận xét rằng: “Những cán bộ, công chức mà 8g sáng đến uống cà phê, 10g vào làm việc, chiều vác vợt đi chơi thể thao thì lương như vậy là cao rồi”.

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên