Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến của một phụ huynh từng nhiều năm "chinh chiến" với Hội phụ huynh:
Tôi đã có trải nghiệm 8 năm với Hội phụ huynh, từ khi con tôi vào học lớp mầm trong trường mầm non cho đến nay.
Suốt 3 năm con học trong trường mầm non, thực sự tôi rất oải với Hội phụ huynh. Vai trò của họ chỉ thể hiện rõ nét nhất qua những buổi họp phụ huynh.
Ở đó, họ sẽ thay mặt Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường đọc bảng thông báo những khoản đã thu - đã chi của năm học trước và những khoản phụ huynh cần đóng trong năm học hiện tại. Đọc xong rồi thì lấy tờ giấy ra (đã in sẵn họ tên các học sinh của lớp) và tiến hành thu tiền.
Những người làm trong Hội phụ huynh học sinh (còn gọi là Ban đại diện cha mẹ học sinh) thường là những người giàu có, tiền bạc dư dả. Thế nên, họ có nhiều sáng kiến rất "động trời".
Một trong các sáng kiến đó là lúc con tôi đang học lớp chồi. Hội phụ huynh trường đề nghị tổ chức Hội diễn văn nghệ ở Trung tâm văn hóa quận để làm công trình "dấu ấn", xem như quà tặng cô hiệu trưởng nhân dịp cô về hưu.
Giá mà cái sáng kiến này được đem ra bàn bạc và lấy ý kiến của tất cả phụ huynh toàn trường thì tôi đoán chắc tỉ lệ đồng ý sẽ rất ít. Đằng này, nhà trường đã gật đầu cái rụp và việc còn lại chỉ là… thu tiền để thực hiện.
Chuyện tiền bạc thôi không nhắc đến nhiều vì đóng vài trăm ngàn mà con mình vui thì cũng đáng đồng tiền bát gạo. Đằng này, đã là văn nghệ thì phải tập dợt. Đây lại là văn nghệ biểu diễn ở sân khấu chuyên nghiệp hẳn hoi, các tiết mục cũng phải hoành tráng, công phu cho xứng tầm. Muốn thế thì phải có đạo diễn, có biên đạo múa, có lớp có lang.
Thế là thời gian hàng ngày, thay vì các cô chăm chút cho học sinh ngủ cho đủ giấc, ăn uống cho đủ chất dinh dưỡng, dạy dỗ các con theo đúng chương trình thì các cô lo đi… tập văn nghệ. Mọi nhiệm vụ ở lớp giao hết cho cô bảo mẫu lo.
Cứ thử tưởng tượng mà xem: một lớp có 46 học sinh, thường thì 2 cô giáo và 1 cô bảo mẫu đã toát mồ hôi với hơn 40 đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Nay chỉ còn 1 cô bảo mẫu lo toan hết mọi việc.
Vậy nên, có bé đi vệ sinh xong nhưng kêu mãi không thấy cô đâu, bèn lấy quần mặc vào luôn, khỏi rửa ráy gì cả. Các bé giành đồ chơi của nhau dẫn đến xung đột, cào mặt nhau, đấm nhau.
Bình thường khi các cháu mới xung đột là cô biết và can ra ngay rồi. Đằng này, cô còn đang lúi húi dọn đóng ói của một bạn khác ngoài ban công, đến khi cô biết được chạy đến thì đã trễ...
Chưa hết, gần đến ngày diễn thì cả cô và cháu phải sang Trung tâm văn hóa để ráp nhạc với ban nhạc. Thế là đầu giờ sáng, trong khi các cháu đang tụ tập ở sân trường chuẩn bị cho tiết thể dục đầu ngày thì xe taxi trờ tới, đón các cô và một số ít học sinh (được tuyển chọn để biểu diễn chung) hào hứng lên xe,
Xe chạy đi, bỏ lại sau lưng nhiều đôi mắt ngây thơ, ngơ ngác vì không hiểu tại sao các bạn khác lại được đi chơi với cô (câu này của con tôi) và cả thèm khát (con nít đứa nào chẳng thích đi ô tô)...
Cứ tưởng lên bậc tiểu học thì vai trò của Hội phụ huynh sẽ khá hơn, đi vào thực chất giáo dục con trẻ nhiều hơn. Không ngờ vai trò của họ cũng chỉ xoay quanh điệp khúc "thu tiền và mua sắm".
Hồi con tôi vào lớp 1, sau nhiều khoản vận động, từ gắn máy lạnh (cái này tôi đồng ý và có đóng tiền), thay bàn ghế mới, trang trí lớp học cho đẹp, Hội phụ huynh còn đề nghị góp thêm mỗi người vài trăm để mua tủ lạnh để trong lớp.
Lý do là "ngày nào các con cũng phải mang sữa, yaourt, váng sữa đến trường để ăn dặm, cần có tủ lạnh chứ không hư hết". Phòng học chứ đâu phải nhà riêng mà sắm tủ lạnh?
Hội phụ huynh như thế thì tồn tại làm gì?
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Bạn có đồng tình giải tán Hội phụ huynh? Theo bạn như thế nào là Hội phụ huynh đúng nghĩa? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô Bình luận hoặc gửi email đến tto@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận