Nói về giải pháp thu hút đầu tư, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước cho hay sẽ tiếp tục tham mưu sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn.
Chỉ tiêu thu hút đầu tư, thành lập doanh nghiệp không đạt
Tại kỳ họp, ông Võ Sá, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước, cho biết các chỉ số thu hút vốn đầu tư trong nước, thành lập doanh nghiệp và hợp tác xã mới khó đạt kế hoạch.
Cụ thể, đến hết tháng 11-2023, toàn tỉnh mới thu hút được 13 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn hơn 6.200 tỉ đồng, đạt 51,7% kế hoạch năm (kế hoạch đề ra là 12.000 tỉ đồng).
Lý giải về việc thu hút vốn đầu tư trong nước đạt thấp, ông Võ Sá cho rằng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kéo dài, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng nặng nề ở nhiều lĩnh vực.
Việc ngân hàng thắt chặt tín dụng cũng ảnh hưởng không nhỏ trong việc mở rộng đầu tư của doanh nghiệp. Ngoài ra, một số khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch, thủ tục đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất… cũng ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của địa phương.
Nói về giải pháp thúc đẩy thu hút đầu tư, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tiếp tục thúc tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng số nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh và chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố.
Về chỉ tiêu thành lập doanh nghiệp, theo ông Võ Sá, trong 11 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 1.018 doanh nghiệp được thành lập mới. Theo ước tính, cả năm sẽ thành lập mới 1.050 doanh nghiệp, giảm 10% so với năm 2022.
Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, đơn đặt hàng giảm, giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh không ổn định; giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước phí vận tải, chi phí logistics… tăng cao; thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.
Ông Võ Sá nói thêm, thời gian tới sở sẽ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đưa sản phẩm hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số…
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Đặc biệt, quy hoạch của tỉnh được phê duyệt là cơ sở để địa phương có kế hoạch hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Chiến dịch 50 ngày đêm giải ngân vốn đầu tư công
Theo báo cáo, năm 2023 kế hoạch điều chỉnh vốn đầu tư công trên 5.000 tỉ đồng. Song giải ngân 11 tháng mới đạt hơn 2.800 tỉ đồng (đạt 55,8% kế hoạch). Trong đó, vốn ngân sách trung ương đạt 38,1% và vốn ngân sách địa phương đạt 60,2%.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước, ước thực hiện giải ngân cả năm 2023 là 4.560 tỉ đồng, đạt 90% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách trung ương đạt 93,2% và vốn ngân sách địa phương đạt 89,2%.
Phân tích về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp là do thị trường bất động sản trầm lắng và do vướng quy định về đấu giá quyền sử dụng đất đối với từng thửa đất theo Nghị định của Chính phủ.
Do đó, trong năm 2023 không triển khai được các dự án đấu giá quyền sử dụng đất khối tỉnh, dự kiến hụt thu khoảng 3.000 tỉ đồng.
Trong khi đó, vốn đầu tư từ tiền sử dụng đất chiếm tỉ trọng tới 67,3% trên tổng vốn đầu tư công của Bình Phước. Từ đó, ảnh hướng rất lớn đến tiến độ thi công và giải ngân vốn các dự án từ nguồn tiền sử dụng đất.
Mặt khác, đối với vốn ngân sách trung ương của một số chương trình mới được giao bổ sung vào 6 tháng cuối năm nên chưa kịp giải ngân.
Để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, ngoài việc tăng cường giao ban, đôn đốc để đẩy mạnh giải ngân nguồn trung ương, Sở Kế hoạch và Đầu sẽ tham mưu UBND tỉnh phát động chiến dịch 50 ngày đêm để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận